Bà Nguyễn Việt Nga (Bắc Ninh) hỏi: Hiện có văn bản nào quy định về hợp đồng khoán việc không? Trường hợp nào có thể áp dụng hợp đồng khoán việc? Quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân nhận hợp đồng khoán việc từ công ty như thế nào?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Nga hỏi như sau:
Hợp đồng khoán việc (còn gọi là hợp đồng thuê khoán việc) là sự thỏa thuận của hai bên. Theo đó, bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và khi hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có nghĩa vụ trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.
Có hai trường hợp áp dụng hợp đồng khoán việc, gồm:
– Khoán trọn gói: Bên giao khoán, khoán toàn bộ cho bên nhận khoán các chi phí, bao gồm chi phí vật liệu; chi phí nhân công; chi phí công cụ lao động có liên quan để hoàn thành công việc.
Bên giao khoán trả cho người nhận khoán một khoản tiền bao gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu; chi phí nhân công; chi phí công cụ lao động, lợi nhuận phát sinh từ việc nhận khoán.
– Khoán nhân công: Người nhận khoán phải tự bảo đảm công cụ lao động để hoàn thành công việc. Người giao khoán trả cho người nhận một khoản tiền công lao động, trong đó đã bao gồm tiền khấu hao công cụ lao động.
Bộ luật Lao động năm 2012 không có quy định loại hợp đồng khoán việc. So sánh tính chất, đặc điểm của hợp đồng khoán việc với hợp đồng lao động, nhận thấy:
Hợp đồng lao động là hợp đồng mà người lao động với vai trò người nhận việc chỉ cần dùng sức lao động để hoàn thành mọi yếu tố vật chất cho quá trình thực hiện công việc do người sử dụng lao động giao.
Hợp đồng khoán việc là hợp đồng mà người lao động với vai trò người nhận khoán, ngoài việc sử dụng sức lao động con người, họ còn phải tự mua sắm trang bị công cụ lao động (đối với trường hợp khoán nhân công) và cả chi phí nguyên liệu, vật liệu (đối với trường hợp khoán trọn gói) để hoàn thành công việc giao khoán.
Việc lựa chọn áp dụng hợp đồng lao động, hay hợp đồng khoán việc phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng loại hợp đồng đó.
Trên thực tế, có một số ít doanh nghiệp giả cách giao kết hợp đồng khoán việc thay vì phải giao kết hợp đồng lao động, nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động. Nếu hành vi gian dối bị phát hiện, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Khoản 4, Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP .
Về thuế thu nhập cá nhân, hiện nay thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương và các khoản có tính chất tiền công tiền lương nhận được từ hợp đồng khoán việc được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 đã sửa đổi bổ sung năm 2012, 2014 và hướng dẫn tại Điều 11 Nghị định 65/2013/NĐ-CP đã sửa đổi bởi Khoản 8, Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP .
Theo luật sư, đối với trường hợp giao kết hợp đồng khoán việc trọn gói (bao gồm khoán chi phí nhân công; chi phí nguyên liệu, vật liệu; chi phí công cụ lao động), để xác định đúng thu nhập chịu thuế từ tiền công cần phải xác định rõ chi phí nhân công (tiền công) trong hợp đồng đó.
Theo Chinhphu.vn
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.