Thế giới có thêm 420.500 ca nhiễm mới và hơn 6.700 người tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua.
Theo số liệu trên trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 10/11, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến tổng cộng 251,5 triệu người nhiễm bệnh và gần 5,08 triệu người tử vong.
Trong ngày qua, Mỹ dẫn đầu toàn cầu số người nhiễm mới (gần 54.500 ca) trong khi Nga đứng đầu về số ca tử vong mới (1.211 ca).
Diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Nga cho thấy tuần lễ nghỉ việc (30/10-7/11) nhằm ngăn chặn virus lây lan đã không mang lại hiệu quả. Điều này khiến các nhà chức trách vẫn phải duy trì các biện pháp hạn chế khi người dân đi làm trở lại, chẳng hạn như đảm bảo 30% nhân viên các doanh nghiệp làm việc từ xa hoặc thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng.
Trung Quốc theo đuổi chiến lược “Không Covid-19” và đã triển khai nhiều biện pháp để loại bỏ dịch bệnh. |
Thành phố Trung Quốc thưởng tiền truy vết virus
Người dân thành phố Heihe thuộc tỉnh Hắc Long Giang có thể nhận khoản tiền lên đến 100.000 nhân dân tệ (354 triệu đồng) nếu cung cấp thông tin giúp truy vết ổ dịch Covid-19.
Báo The Guardian ngày 9/11 đưa tin, chính sách thưởng được đưa ra trong bối cảnh Hắc Long Giang đã ghi nhận tổng cộng 240 ca nhiễm và giới chức địa phương tuyên bố “chiến tranh nhân dân” chống Covid-19.
“Hy vọng người dân có thể tích cực hợp tác truy vết virus và cung cấp manh mối để điều tra”, các nhà chức trách Heihe nêu trong một thông báo. Họ cũng kêu gọi người dân ngay lập tức tố cáo các vụ săn bắt trộm, buôn lậu động vật hoặc người vượt biên để câu cá, đồng thời cảnh báo phạt nặng với ai cố tình che giấu thông tin liên quan.
Ủy ban Y tế Trung Quốc đã ghi nhận thêm 62 ca nhiễm ngày 8/11 và 43 ca nhiễm ngày 9/11, nâng tổng số ca mắc lên trên 940 trường hợp ở ít nhất 20 tỉnh từ đầu tháng này. Đây là đợt dịch nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc kể từ khi dịch bùng ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược dập dịch triệt để, xây dựng một loạt biện pháp ngày càng nghiêm ngặt để nỗ lực loại bỏ SARS-CoV-2 khỏi cộng đồng.
Thái Lan sẽ mua 2 triệu viên thuốc Molnupiravir
Nội các Thái Lan vừa thông qua đề xuất của Bộ Y tế nước này về việc mua 50.000 liệu trình thuốc Molnupiravir, loại thuốc uống đầu tiên trên thế giới dùng để điều trị Covid-19. Con số này tương đương 2 triệu viên.
Ngày 9/11, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết Molnupiravir sẽ được sử dụng như một nguồn dự trữ để bảo đảm an ninh dược phẩm và để điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc các nhóm ưu tiên, bao gồm những người trên 60 tuổi và bệnh nhân mắc bất kỳ một trong 7 bệnh nền gồm bệnh hô hấp mãn tính, bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính, bệnh mạch máu thần kinh, ung thư, tiểu đường hoặc béo phì.
Báo chí Thái Lan dẫn lời Bộ trưởng Anutin nói thêm rằng, thuốc kháng virus Favipiravir sẽ được dùng cho những bệnh nhân Covid-19 giai đoạn đầu với các triệu chứng nhẹ. Một liệu trình Favipiravir có giá 1.000 baht (khoảng 30 USD) hoặc hơn nếu nhập khẩu, trong khi một liệu trình Molnupiravir có giá khoảng 10.000 baht. Các bác sĩ sẽ quyết định việc sử dụng các loại thuốc này đối với mỗi bệnh nhân.
Molnupiravir, do các công ty dược phẩm Mỹ là Merck, Sharp và Dohme (MSD) và Ridgeback Biotherapeutics (Đức) phát triển, là loại thuốc kháng virus đầu tiên điều trị Covid-19 mà có thể được dùng dưới dạng viên thay vì tiêm hoặc tiêm tĩnh mạch. Loại thuốc này đang được tiếp thị với tên thương hiệu Lagevrio.
Ấn Độ sắp nối lại nguồn cung vắc xin cho COVAX
Hãng tin Reuters, ngày 9/11, dẫn 2 nguồn tin cho biết Ấn Độ có thể nối lại việc cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 cho cơ chế tiếp cận vắc xin cầu COVAX trong vài tuần tới, sau 7 tháng tạm dừng do dịch bệnh bùng phát.
Theo các nguồn tin, các thành viên của COVAX đã bắt đầu lập kế hoạch phân bổ vắc xin Covishield – phiên bản vắc xin của hãng AstraZeneca được Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, cho nhiều quốc gia trên thế giới.
“SII sẽ cần phải xác nhận các đơn đặt hàng, dán nhãn, đóng gói và ủy thác xuất khẩu cho từng lô hàng. Do đó, những lô vắc xin đầu tiên – nếu được Chính phủ Ấn Độ cấp phép xuất khẩu, sẽ được chuyển giao sớm nhất là trong vài tuần tới”, nguồn tin trên trao đổi với Reuters.
Sản lượng vắc xin của SII đã tăng gần gấp 4 lần kể từ tháng 4, đến nay đạt 240 triệu liều/tháng. Hiện cả SII, Bộ Y tế Ấn Độ và WHO chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ấn Độ xác nhận nước này thừa hơn 159 triệu liều vắc xin do tiến độ tiêm chủng chậm lại sau khi đạt mốc 795 trong tổng số 944 triệu người trên 18 tuổi của nước này đã tiêm ít nhất một mũi và 37% đã tiêm đủ liều.
Tháng trước, Giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla tuyên bố Viện có thể cung cấp 20-30 triệu liều vắc xin mỗi tháng cho COVAX trong hai tháng 11 và12, và sẽ tăng dần số lượng từ tháng 1/2022 sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Nguồn: vietnamnet