Cisco và Tesla, hai cổ phiếu công nghệ của Mỹ giảm mạnh nhất trong tuần qua, có cùng điểm chung là sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty công nghệ Trung Quốc.
Công nhân lắp ráp sản phẩm bán dẫn tại một nhà máy ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc)
Điều này cho thấy việc đẩy mạnh tự chủ công nghệ hiện đại của Trung Quốc đang có tác động ngày một rõ đến cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những nạn nhân mới nhất
Trong cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung, các hãng công nghệ đến từ hai nước chính là những người chơi trực tiếp và cũng là những bên chịu thiệt đầu tiên nếu một trong hai nước “thua”.
Hãng xe điện Tesla và Tập đoàn công nghệ Cisco chính là những nạn nhân gần đây nhất của phía Mỹ.
Theo báo Asia Times, hai công ty Trung Quốc là BYD và Huawei được cho là một phần lý do khiến cổ phiếu của Tesla và Cisco lần lượt lao dốc 12% và 8,1% trong phiên giao dịch sáng 21-4.
Tại Triển lãm ô tô Thượng Hải khai mạc ngày 18-4, Hãng xe điện BYD đã trình làng mẫu xe Seagull (hải âu) với mức giá 78.000 nhân dân tệ (11.400 USD), chỉ bằng một phần ba giá mẫu xe rẻ nhất của Tesla (33.000 USD).
Mẫu xe mới của BYD làm trầm trọng thêm khó khăn Tesla đang gặp phải. Theo báo Financial Times, từ tháng 10-2022 đến nay, Tesla đã nhiều lần phải giảm giá xe để giành lại thị phần thế giới đã mất vào hãng xe Trung Quốc.
Tuy nhiên, động thái giảm giá xe này không những không giúp Tesla giành lại thị phần mà còn khiến lợi nhuận công ty giảm đáng kể. Từ đó, việc giá trị công ty sụt giảm trở nên tất yếu.
Bất chấp các nỗ lực cấm vận của Mỹ, Trung Quốc đã tự chủ được công nghệ và trở thành công xưởng xe điện lớn nhất thế giới. Bản thân Tesla cũng phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất xe cho mình. Theo Hãng tin Bloomberg, nhà máy Tesla ở thành phố Thượng Hải đang sản xuất đến hơn 52% sản phẩm của công ty này trên toàn thế giới.
Nếu không có nước đi đúng đắn, Tesla rất có thể sẽ từ vị thế người tiên phong trong lĩnh vực xe điện đến chỗ bị đánh bật bởi đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc.
Động lực tự chủ của Trung Quốc
Các lệnh cấm vận của Mỹ là cản trở lớn với sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc, song cũng có thể là động lực tự chủ to lớn.
Theo báo Asia Times, trước đây Huawei phụ thuộc hoàn toàn vào các phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) của Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận năm 2019 đã cấm gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc tiếp cận hệ thống này.
Để giải quyết vấn đề trên, Huawei đã tự phát triển “MetaERP” – hệ thống ERP của riêng mình. Không chỉ sử dụng nội bộ, Huawei hoàn toàn có thể biến “MetaERP” thành đối thủ cạnh tranh thị phần với các tập đoàn Mỹ.
Trường hợp của Huawei chính là ví dụ tiêu biểu cho một thực tiễn: các lệnh cấm vận sẽ không khiến Trung Quốc nản chí trong việc phát triển khoa học – công nghệ theo hướng tự chủ, mà chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh quá trình ấy. Nếu không có lệnh cấm năm 2019, có thể còn rất lâu nữa Huawei mới phát triển hệ thống ERP của riêng mình.
Từ lâu, Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Trong đó, tự chủ công nghệ là ưu tiên hàng đầu.
Ở chiều ngược lại, trong nhiều năm qua, Mỹ đã thông qua hàng loạt chính sách phát triển công nghệ trong nước, cũng như ban hành các lệnh cấm vận nhằm ngáng chân Trung Quốc tiến tới tự chủ công nghệ.
Theo báo Diplomat, tháng 8-2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua đạo luật CHIPS và khoa học với chuỗi chính sách trị giá 52,7 tỉ USD hướng đến thúc đẩy nghiên cứu, củng cố sự bền bỉ của chuỗi cung ứng và mang lại sinh khí cho nền công nghiệp chất bán dẫn của nước này.
Đến tháng 10 cùng năm, chính quyền Mỹ lại công bố loạt lệnh cấm mới lên các ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc, thu hẹp khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài của quốc gia châu Á.
Đến tháng 12, các lệnh cấm này tiếp tục được Mỹ mở rộng lên nhiều công ty Trung Quốc lớn, trong đó có YMTC – doanh nghiệp sản xuất chip vừa được Trung Quốc bơm 1,9 tỉ USD để phát triển việc sản xuất chip trong nước.
Loạt lệnh mới thu hẹp doanh số chip tối tân của Trung Quốc, đồng thời giới hạn năng lực tính toán vi tính phục vụ việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, Mỹ còn cấm vận các ngành hỗ trợ cung ứng chất bán dẫn, ngăn chuyên gia Mỹ cố vấn doanh nghiệp Trung Quốc và cấm vận các linh kiện sử dụng trong quá trình làm chip.
Theo báo Diplomat, chìa khóa cho thành công trước đây của Trung Quốc là việc áp dụng và cải tiến công nghệ tân tiến nước ngoài cũng như việc tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Các lệnh cấm của Mỹ buộc các công ty Trung Quốc phải tìm kiếm các nguồn lực này từ trong nước.
Có thể thấy rõ tự chủ công nghệ không chỉ là quyết tâm lớn nhất của Trung Quốc mà còn là nỗi lo ngại lớn của Mỹ.
Tự chủ công nghệ chính là trung tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung, là đối tượng bị Mỹ nhắm vào trừng phạt, song cũng là con đường duy nhất để Trung Quốc vượt qua các lệnh trừng phạt.
Ông Tập muốn đẩy nhanh tự chủ công nghệ
Theo báo South China Morning Post, phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10 năm ngoái, Tổng bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ “đẩy mạnh việc tự chủ và sức mạnh khoa học – công nghệ” là ưu tiên hàng đầu của nước này trong vòng 5 năm tới.
Đến tháng 2-2023, ông Tập nhắc lại trước Bộ Chính trị Trung Quốc: “Chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tự chủ công nghệ để tránh việc bị bóp nghẹt bởi các nước khác. Trung Quốc cần cố gắng trở thành quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ quan trọng, tiên phong trong các lĩnh vực đa ngành hiện đại”.
Nguồn: tuoitre.vn