Cái gọi là mùa cấm đánh bắt cá mùa hè mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố kéo dài tới 3 tháng rưỡi, từ chiều 1-5 đến ngày 16-8.
Trung Quốc mới đây đơn phương và ngang ngược tuyên bố mùa cấm đánh bắt cá ở biển Đông, Tân Hoa Xã đưa tin từ Cục Hải cảnh Trung Quốc. Cái gọi là mùa cấm đánh bắt cá mùa hè này áp dụng từ chiều 1-5 đến ngày 16-8, áp dụng trong các vùng biển thuộc vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên ở biển Đông.
Theo thông tin này, trong số các vùng biển Trung Quốc ngang ngược đưa vào lệnh cấm có một phần vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc mạnh miệng nói sẽ có lực lượng hải cảnh và bộ phận hữu trách nghề cá giám sát thực hiện.
Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: AFP
Hoạt động đơn phương ra cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá bắt đầu được Trung Quốc áp dụng từ năm 1999, với lý do là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi biển. Mặc dù gặp phản đối gay gắt từ Việt Nam và các nước nhưng Trung Quốc không ngừng thực hiện lệnh cấm đánh bắt vào giai đoạn tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần và liên tục phản đối và kịch liệt bác bỏ việc Trung Quốc đơn phương ra quyết định cấm đánh bắt. Quan điểm của phía Việt Nam là quy chế cho chính quyền Bắc Kinh ban hành đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại các vùng biển của mình.
Quan trọng hơn, nếu chiếu theo luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), quy chế của Trung Quốc cũng bất hợp pháp. Quy chế này đi ngược lại với tinh thần và nội dung quy định trong Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN.
Thậm chí, quy chế cấm đánh bắt còn vi phạm Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Việt Nam và Trung Quốc (ký năm 2011).
Ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển phù hợp với tuyên bố yêu sách của Việt Nam, không trái lại với UNCLOS năm 1982. (Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu tại cảng cá Lý Sơn, Quảng Ngãi.) Ảnh: TẤN VIỆT
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong nhiều lần phát biểu đã khẳng định: Việt Nam cho rằng những biện pháp bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật cần phải được thực hiện phù hợp với những quy định của UNCLOS năm 1982, đồng thời không làm phương hại đến quyền chủ quyền, các quyền tài phán trên biển của tất cả quốc gia liên quan.
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS năm 1982” – bà Hằng nhấn mạnh.
Theo quan sát, việc thông báo cấm đánh bắt cá nói trên là động thái mới nhất trong chuỗi động thái khiêu khích và ngang ngược gần đây của Trung Quốc ở biển Đông. Tháng trước, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Tiếp đó, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là hai quận đảo trước thuộc cái gọi là “TP Tam Sa”, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc sau đó cũng ngang ngược công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” ở hơn 80 thực thể dưới đáy biển ở biển Đông.
Nguồn https://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-lai-ngang-nguoc-cam-danh-bat-ca-o-bien-dong-910130.html