Mưa to, sóng lớn đã xuất hiện tại các tỉnh thành miền Trung dù bão số 4 (Noru) còn cách bờ hơn 300km
Vào 15 giờ 30 phút, tại TP.Đà Nẵng mưa trắng trời, gió bắt đầu vần vũ, biển động dữ dội. Tại khu vực ven biển Sơn Trà, hầu hết các tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.
Đối với các hộ dân thuộc sinh sống tại khu vực không an toàn, nhà cửa không kiên cố… lực lượng chức năng tổ chức bố trí nơi trú bão tại các điểm trường học trên địa bàn phường, xã. Trong sáng và trưa nay (27/9), các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khẩn trương vận động, hỗ trợ sơ tán người dân đến các điểm sơ tán tập trung và nhà dân, công trình kiên cố lân cận. Tổng số người sơ tán theo kế hoạch là 80.801 người, trong đó sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (lân cận) là 54.932 người (tính đến rạng sáng 27/9). Sau đó, người dân không ra khỏi nhà khi bão ảnh hưởng đến TP.Đà Nẵng.
Ghi nhận tại khu vực ven biển Sơn Trà, hầu hết các tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Diệu Bình
Công an và dân quân Đà Nẵng cõng người dân đang bị thương không thể vận động di dời đi tránh bão. Ảnh: Đình Thiên
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng, các đơn vị, địa phương đã tăng cường và thường xuyên thông báo tin bão đến người dân để biết, chủ động phòng chống bão; cơ bản hoàn thành công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường chính; hơn 800 tàu cá néo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.
Các địa phương đang phối hợp với các lực lượng vũ trang khẩn trương hỗ trợ công tác ứng phó bão tại địa phương, đơn vị; hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa; sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân trong thiên tai.
Vào 15 giờ 15 phút, tại Quảng Nam, theo ghi nhanh của PV Dân Việt, hiện thời tiết đang mưa rất to, gió lớn, sóng biển đã đổ bộ vào khu vực sát đất liền cao vài mét.
Vào 14 giờ 30 phút hôm nay (27/9) tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã có gió bão cấp 7-8 giật cấp 9 kèm theo mưa lớn, biển động dữ dội.
Đến thời điểm này công tác phòng chống bão số 4 tại Lý Sơn đã cơ bản hoàn tất toàn bộ tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được đưa vào neo trú ẩn toàn.
14 giờ 20 phút tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang có mưa và gió nhẹ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, hầu hết tàu thuyền đã về nơi neo đậu, ngư dân buộc chặt tàu lên bờ trú bão. Để chủ động phòng, chống cơn bão số 4 (bão Noru), đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, trang thiết bị máy móc, hồ sơ tài liệu, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định cho biết, đã thông báo tạm thời tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính theo phương thức trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh kể từ chiều nay đến 11 giờ 30 phút ngày 28/9.
Mưa to, sóng lớn đã xuất hiện tại Đà Nẵng, Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Quảng Nam vào trưa nay, nhóm PV, CTV Dân Việt đang ở hiện trường sẽ đưa tin trực tiếp cơn bão số 4 đang đổ bộ vào miền Trung…
Tàu thuyền được ngư dân neo đậu ở ven biển tỉnh Bình Định, lên bờ trú bão.
Các chuyên gia dự báo nhận định với sức gió mạnh nhất khi vào đất liền đạt cấp 12-13, giật cấp 15, bão số 4 Noru dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ.
Cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông (và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm 2022), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông bão số 4 có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
“Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam”, ông Thái nói.
Phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 này là rất rộng; 9/14 tỉnh thành phố miền Trung, chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 địa phương được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.
Đồng thời, bão gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên với lượng mưa 300-400 mm, gây ra một đợt lũ và nguy cơ ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định.
Đáng lưu ý, nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình 0,3-0,6 m có thể xảy ra tại 4/8 huyện với 58 xã ở Thừa Thiên – Huế; 6/18 huyện với 75 xã ở Quảng Nam và 6/11 huyện với 74 xã ở Quảng Ngãi.
Trong đó, các huyện có nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao gồm: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).
Vào 10 giờ sáng nay (27/9), tâm bão trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 310km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến tối, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây và tiếp tục mạnh thêm do gặp nhiều điều kiện thuận lợi như mặt biển ấm, độ đứt gió nhỏ.
Dự báo 22 giờ tối nay (27/9), tâm bão trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo từ đêm nay đến rạng sáng mai, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Dự báo thời điểm gần bờ, bão vẫn duy trì sức mạnh cấp 13-14, là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua tác động đến miền Trung nước ta.
Dự báo thời gian bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền là từ tối nay đến sáng mai, trong đó thời gian quần thảo dữ dội nhất từ 21-22h tối nay đến khoảng rạng sáng mai. Vùng ảnh hưởng rất rộng lớn bao gồm 9/14 tỉnh miền Trung ảnh hưởng trực tiếp và khu vực Bắc Tây Nguyên. Trong đó 5 tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với rủi ro thiên tai cấp 4. Bốn tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai chịu rủi ro thiên tai cấp 3.
Cụ thể, từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt. Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Theo Dân việt