Đọc bài “Văn hóa sao lạ lùng?” trên Báo Bình Phước ra ngày 9-10-2018, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Một bảo vật quốc gia như đàn đá Lộc Hòa, có từ thời tiền sử, cách đây khoảng 3.200 năm, phải may mắn lắm mới tìm thấy được; ngành văn hóa phải vất vả lắm mới phục chế và phục dựng được một phiên bản, rồi mời nghệ nhân từ thành phố Hồ Chí Minh về hướng dẫn sử dụng; rồi tổ chức lễ công bố, biểu diễn, trưng bày trong 10 ngày tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Một sự kiện văn hóa đáng tự hào như thế mà chỉ có một số học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh và Trường THPT Đồng Xoài đến dự. Sự thờ ơ của công chúng đối với một bảo vật quốc gia khiến ông Giám đốc Bảo tàng Bình Phước phải kêu lên: Lạ lùng quá. Hay không ai cần đến văn hóa nữa!?

Nhưng không chỉ có bảo vật quốc gia này đâu! Nhiều, rất nhiều di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể đang hiện diện trên đất Bình Phước đã, đang từng ngày bị thời gian và khí hậu bào mòn, bị những “người đương thời” quên lãng.

NIỀM TỰ HÀO VỀ “MIỀN DI SẢN”

Xin được nói rõ: là niềm tự hào của những người làm công tác văn hóa trong tỉnh. Họ tự hào vì biết không phải địa phương nào cũng có hệ thống di tích dày đặc như Bình Phước. Theo thống kê của ngành văn hóa tỉnh, trên địa bàn hiện có khoảng hơn 100 di tích, trong đó 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 10 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh. Những di tích lịch sử trên địa bàn Bình Phước là một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh cách mạng nước nhà, thể hiện ý chí quật cường, sự đóng góp sức người, sức của không hề nhỏ của quân, dân Bình Phước trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, gìn giữ đất nước. Bên cạnh hệ thống di tích lịch sử dày đặc, Bình Phước còn có rất nhiều danh thắng nổi tiếng quý hiếm như trảng cỏ Bù Lạch, núi Bà Rá, hồ Thác Mơ, Bãi Tiên, thác Voi…

Học sinh THCS trên địa bàn thị xã Đồng Xoài tham quan di sản văn hóa dân tộc tại Bảo tàng tỉnh – Ảnh: S.H

Là đầu mối giao thoa, tiếp biến của các nền văn hóa, văn minh thời tiền sử, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều di tích khảo cổ như đàn đá, trống đồng, công cụ bằng đá, gốm và đặc biệt là di chỉ thành đất đắp hình tròn – loại hình di chỉ dường như chỉ phát hiện ở Bình Phước. Thống kê của Bảo tàng tỉnh, Bình Phước hiện đã phát hiện 52 di chỉ thành đất hình tròn, tập trung dày đặc ở 2 huyện Lộc Ninh, Phú Riềng, mỗi huyện 11 di chỉ. Kế đến là Hớn Quản 8, Bù Gia Mập 6, Đồng Phú 5 và Bù Đăng 4… Việc phát hiện số lượng lớn di chỉ thành đất hình tròn cho thấy thời kỳ tiền sử ở khu vực Bình Phước, văn hóa, kinh tế phát triển khá mạnh, cho dù hiện vẫn chưa khẳng định được chủ nhân của những di chỉ này.

Với hệ thống di tích lịch sử dày đặc, di tích danh thắng và di tích khảo cổ quý hiếm, độc đáo, không có phiên bản ở những nơi khác, Bình Phước có tiềm năng rất dồi dào để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đã qua 21 năm tái lập tỉnh, trừ Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết, những di tích lịch sử còn lại dường như mới chỉ được lập hồ sơ để công nhận di tích các cấp chứ chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều danh thắng, di tích khảo cổ đang bị thời gian, khí hậu bào mòn và con người tàn phá. Thác Đứng – dòng thác tuyệt mỹ trên địa bàn thôn Bù Xiết, xã Đoàn Kết (Bù Đăng) là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực, nơi hò hẹn của những đôi trai gái, đang “chết đứng” do tình trạng xả thải ở đầu nguồn. Dòng nước trong lành đã nuôi lớn, tắm mát bao thế hệ con cháu người S’tiêng ở Bù Xiết, giờ không ai dám lội xuống nữa. Rồi Bãi Tiên – di chỉ độc đáo ở ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh nhiều năm qua bị nạn khai thác đá vô tội vạ xuống độ sâu từ 30-35m, phá tan hoang cả một di chỉ khảo cổ độc đáo…

Nhiều người Bình Phước đi tham quan du lịch ở các tỉnh, thành trong nước, thậm chí là đi du lịch nước ngoài trở về đều có chung nhận xét: Bình Phước rất có tiềm năng du lịch. Tiếc là những tiềm năng ấy chưa được “đánh thức” nên người dân trong tỉnh cứ phải tìm đến những nơi mà danh thắng còn thua “ao nhà” rồi lại ngơ ngẩn tiếc cho những tiềm năng ấy.

TRÔNG NGƯỜI, LẠI NGẪM…

Cách đây không lâu, tôi có dịp tham quan Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Vừa mới nghe nói “mua vé vào bảo tàng”, tôi rất ngạc nhiên. Một bảo tàng cấp tỉnh mà muốn vào phải mua vé thì hơi lạ. Thế nhưng bước chân vào bảo tàng này, lập tức bạn sẽ bị choáng ngợp và thấy rằng việc mua vé vào là đương nhiên.

Bảo tàng Quảng Ninh là một công trình kiến trúc đồ sộ và rất lạ của tỉnh Quảng Ninh. Lấy ý tưởng từ hình tượng than đá – loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh, vị kiến trúc sư người Tây Ban Nha đã thiết kế Bảo tàng và Thư viện Quảng Ninh thành một công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo với tổng kinh phí lên tới 900 tỷ đồng – thời điểm 2012. Phần vỏ kính của khối nhà mang màu đen tuyền như tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh biển trời Hạ Long. Không gian chính của bảo tàng gồm 3 tầng, phác họa những nét cơ bản và đặc trưng nhất về vùng đất Quảng Ninh theo cả không gian và thời gian, từ xưa đến nay, từ miền núi tới đồng bằng, vùng biển. Không chỉ hiện vật phong phú, được trưng bày nổi bật, khi di chuyển trong bảo tàng, du khách có cảm giác như đang đi giữa lòng đại dương nhờ hệ thống máy chiếu 3D. Rồi còn các màn hình Led chiếu phim tài liệu theo chủ đề rất phong phú. Đến bảo tàng này, du khách còn được đắm chìm trong không gian văn hóa tâm linh gắn với Yên Tử và thiền phái Trúc Lâm cùng những hình ảnh Bác Hồ với vùng than Quảng Ninh. Ngay khi khánh thành, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông người dân và du khách.

Việc bán vé vào Bảo tàng Quảng Ninh dường như không vì mục đích kinh tế mà chỉ để người dân, du khách có ý thức trong việc gìn giữ, thưởng thức những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của vùng đất mỏ anh hùng. Bởi mức vé 30 ngàn đồng/người lớn; học sinh, sinh viên 15 ngàn đồng; trẻ em 10 ngàn đồng rồi so với 900 tỷ đồng xây dựng nên khối nhà này sẽ thấy chẳng bõ bèn gì.

Trở lại câu chuyện bảo vật đàn đá Lộc Hòa không được công chúng quan tâm, dù không muốn nhưng tôi vẫn phải liên tưởng đến câu nói của tiền nhân “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu bảo vật quốc gia kia được đặt trong một không gian văn hóa xứng với tầm vóc của nó và được quảng bá để nhiều người biết về sự quý hiếm; nếu những di tích, danh thắng hiếm có trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, có hệ thống dịch vụ đi kèm, hẳn người dân Bình Phước không cần đi đâu xa vẫn được thưởng ngoạn những vẻ đẹp tuyệt mỹ mà thiên nhiên ban tặng con người. Và ông Giám đốc Bảo tàng tỉnh cũng không phải kêu lên: Hay không ai cần đến văn hóa nữa!

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : đàn đáđàn đá Lộc Hòavăn hóa

Các tin liên quan đến bài viết