Theo lời kể của các bậc cao niên, làng (thôn) Đăk Nớ, thuộc xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Lây, tỉnh Kon Tum hiện hữu trên ‘bản đồ’ cộng đồng người dân tộc thiểu số Dẻ Triêng từ hồi họ còn là những… cậu bé, cô bé. Và ngôi nhà rông vừa mới được dựng lên ngay vị trí đắc địa của làng cũng đã qua hàng chục lần làm mới, nhưng vẫn giữ được nguyên bản kiến trúc nhà sàn tổ tiên để lại. Sau mỗi lần được làm mới, người Dẻ Triêng ở Đăk Nớ lại tổ chức lễ cúng mừng nhà rông mới rồi mở hội…
Ngôi nhà rông mới xây dựng của làng Đăk Nớ. Ảnh: Thái Kim Nga
Nhà rông của người Dẻ Triêng là nơi hội họp, sinh hoạt, giải quyết các vấn đề quan trọng trong cộng đồng. Bất kể già, trẻ, gái, trai, tất cả các thành viên trong làng đều phải có trách nhiệm chung tay, góp sức để cùng nhau xây dựng nên một ngôi nhà bề thế nhất, kiên cố nhất, nơi mà mọi người đều xem như “trái tim của làng”. Năm xưa, để xây dựng được ngôi nhà rông, bà con trong làng phân công nhau; đàn ông thì lên núi chặt cây đẽo gỗ, đàn bà thì vào rừng bứt dây hái tranh, không so bì tính toán, khả năng đến đâu thì đóng góp đến đó. Sau khi ngôi nhà được khánh thành, người làng lại góp tiền mua trâu về làm lễ cúng. Trâu cúng nhà rông mới phải là những con trâu to, khỏe, cặp sừng phải dài, cong đều. Sau nghi thức đâm trâu, ngoài phần đầu dành để cúng, số thịt được bà con chia làm hai phần, một nửa phân phát cho tất các hộ gia đình trong làng, nửa còn lại phục vụ cho “bữa tiệc cộng đồng”.
Sau ngày Nhà nước siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng, muốn làm một ngôi nhà rông mới, bà con trong làng phải tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến, kiến nghị lên chính quyền xã và huyện. Khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, làng tiếp tục họp bàn, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên. Tất nhiên, với mục đích chính đáng như thế này thì chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng nguyện vọng của bà con, nhưng việc này cần phải có thời gian.
Trở lại với ngôi nhà rông vừa mới dựng lên ở làng Đăk Nớ. Theo chia sẻ của ông A Leo, Bí thư chi bộ thôn, để làm được ngôi nhà rông bề thế, khang trang như thế này, người Dẻ Triêng ở Đăk Nớ phải mất gần nửa năm để chuẩn bị, với tổng số tiền (bao gồm ngày công và những chi phí phục vụ lễ hội cúng nhà rông mới) lên tới hơn 800 triệu đồng. Đây là công trình có sự đóng góp của toàn bộ 85 hộ gia đình trong làng, nên có thể nói, ngôi nhà rông này là báu vật, là tài sản chung của tất cả mọi thành viên. Do dân số của làng tương đối lớn (285 người) nên để phục vụ lễ hội cúng mừng nhà rông mới, già làng A Mưng, Trưởng thôn A Thửa, và Bí thư chi bộ A Leo đã bàn bạc, thống nhất tìm mua 2 con trâu to nhất (mỗi con hơn 40 triệu đồng) về làm thịt. Số thịt và xương sau khi phân phát cho các hộ gia đình vẫn còn hơn 200kg được bà con chế biến các món ăn truyền thống phục vụ “bữa tiệc cộng đồng”. Mặc dù một số nghi thức như đâm trâu, đốt lửa trước sân nhà rông được cắt bỏ vì lý do an toàn, song, lễ hội mừng nhà rông mới của người Dẻ Triêng ở Đăk Nớ vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo, trở thành sự kiện trọng đại nhất trong năm nơi vùng biên giới xa xôi, cách trở này.
Bên cạnh sự hiện diện của 285 chủ nhân đất làng, khách mời không thể thiếu trong ngày vui của bà con là lãnh đạo chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và những người lính đến từ Đồn Biên phòng Đăk Nhoong. Có một sự trùng lặp khá thú vị là, ngay trước ngày diễn ra lễ hội cúng mừng nhà rông mới của làng Đăk Nớ thì Đồn Biên phòng Đăk Nhoong cũng tổ chức lễ khánh thành khu doanh trại mới. “Song hỷ chung vui”, bộ đội và nhân dân lại quây quần bên nhau, bùng cháy lên ngọn lửa tình đoàn kết quân dân keo sơn gắn bó. Người vui nhất có lẽ là Thiếu tá A Thao, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Nhoong (BĐBP Kon Tum), bởi đơn giản Đăk Nớ chính là quê hương của anh và ngôi nhà rông ấy đã đi vào miền ký ức người lính Biên phòng từ thửa mới lên năm, lên ba.
Lễ hội cúng mừng nhà rông mới của người Dẻ Triêng ở Đăk Nớ đặc sắc không chỉ ở giá trị kiến trúc công trình, nét đẹp văn hóa cộng đồng được thể hiện trong lời ca, tiếng hát, vòng xoan lâng lâng men say rượu cần (cũng là một đặc sản của Đăk Nớ), mà hiện diện giữa đất trời biên giới là tình yêu quê hương đất nước, sức mạnh của tình đoàn kết dân tộc qua “mối lương duyên” của người lính Biên phòng.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá A Thao cho biết: “Bản thân tôi vừa là khách mời, vừa là chủ nhân của làng Đăk Nớ, vậy nên, ngôi nhà rông này chính là máu thịt của tôi. Được chung vui với bà con hôm nay, trong một không gian văn hóa đặc sắc như thế này, chúng tôi càng ý thức sâu sắc trách nhiệm của đồn Biên phòng trong việc tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng làng Đăk Nớ nói riêng, xã Đăk Nhoong nói chung ngày càng phát triển…”.
Thái Kim Nga