Trở thành tiến sĩ khoa học ở độ tuổi 29, bạn Trần Lương Thành (công tác tại bộ môn chính sách kinh tế ĐH Jena, Đức) đang theo đuổi hướng nghiên cứu về khởi nghiệp.

Trong khởi nghiệp, hãy nói về thất bại… - Ảnh 1.

TS Trần Lương Thành

Nói với Tuổi Trẻ về “thách thức” việc là tiến sĩ khi tuổi còn trẻ, Lương Thành chia sẻ:

– Tôi có những người bạn lấy bằng tiến sĩ sớm hơn nhiều, một số anh chị khác lấy bằng tiến sĩ ở độ tuổi khá muộn nhưng lại tạo được những ảnh hưởng đáng kể – đó mới là điều quan trọng nhất. Với tôi, việc theo đuổi tấm bằng tiến sĩ hệt như chinh phục một ngọn núi.

Khi ở dưới sẽ thấy tò mò và háo hức, chinh phục được đỉnh rồi thì thấy tầm nhìn được mở mang, từ đó thấy rõ được những ngọn núi khác cần chinh phục.

Dẫu vậy, quả là ở năm cuối làm luận văn, tôi thật sự gặp “khủng hoảng” bởi nhiều yếu tố: thấy bản thân như bơi trong biển ý tưởng, áp lực công bố bài báo quốc tế và tốt nghiệp… Nhưng tôi nghĩ đây là “triệu chứng” phổ biến của các nghiên cứu sinh. Cá nhân tôi khi “chạm đáy” cảm xúc thì nhờ đó nhận ra rõ nội lực bản thân, lý do theo đuổi con đường này.

Không sợ hãi – không sao nhãng

* Giải pháp của bạn những lúc nản lòng?

– Tôi may mắn có sự sát cánh hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và nhất là từ mẹ tôi. Ngoài ra, khi nghiên cứu khoa học thì cần thiết lập phương pháp để tập trung giải quyết hiệu quả công việc, tránh tình trạng trì trệ, sao nhãng.

Tôi rất thích một câu nói trong bộ phim Fight Club: “No fear. No distractions. The ability to let that which does not matter truly slide” (tạm dịch: Không sợ hãi, không sao nhãng, có khả năng bỏ qua những điều không đáng bận tâm là rất quan trọng).

* Bạn từng chia sẻ nhiều về khía cạnh đổi mới sáng tạo, vậy những điểm cần lưu ý nhất?

– Hiện đang có sự dịch chuyển cơ cấu từ nền kinh tế quản lý sang nền kinh tế khởi nghiệp (tuổi thọ các công ty ngắn lại, số lượng công ty lớn ngày càng ít và số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều lên…) ở các quốc gia đã lẫn đang phát triển, VN không là ngoại lệ.

Điều này thể hiện vai trò của đổi mới sáng tạo (innovation and change). Dẫu vậy, một điều khá quan trọng là nhiều bạn trẻ vẫn còn nhầm lẫn giữa “sáng tạo” (innovation) với “sáng chế, chế tạo” (invention).

Có thể hình dung sáng chế là công việc của các nhà khoa học hay phát minh (inventor), còn người sáng tạo (innovator) là người mang những sáng chế đó đến tay người dùng, tạo ra đóng góp tích cực cho xã hội và sự phát triển của cộng đồng. Chẳng hạn như Nikola Tesla là một nhà sáng chế, còn Elon Musk, Steve Jobs… là các nhà sáng tạo.

Cá nhân tôi cho rằng các bạn trẻ khởi nghiệp hoặc làm khoa học cần hiểu rõ các khái niệm trên để từ đó nghiên cứu đi vào thực tiễn, kết nối hiệu quả thành tựu khoa học với hiệu quả kinh tế.

Tiếp cận hiệu quả

* Trong phần chia sẻ tại một diễn đàn khoa học lớn gần đây, bạn có nêu 3 gợi ý để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Với bối cảnh của VN, ý nào sẽ là tiên quyết?

– Đối với phương thức hành động, đầu tiên cần có nhận thức về đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, làm nổi bật vai trò của nghiên cứu và phát triển trong và ngoài môi trường học thuật.

Thứ hai, cần phát triển những phương thức đổi mới sáng tạo không chỉ trong công nghệ mà còn ở cách thức quản lý. Kiichiro Toyoda – sáng lập viên Tập đoàn Toyota – trong lần đến thăm cơ sở sản xuất ôtô Ford ở Mỹ đã nhận ra năng suất lao động của công nhân ở Ford cao gấp 9 lần so với công nhân ở Toyota dù trình độ không khác là mấy. Lý do phần nhiều nằm ở sự khác biệt trong phương thức quản lý của các cấp lãnh đạo, quản lý.

Điều quan trọng nhất là cần có những chính sách phù hợp, bền vững và lâu dài hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Nên tập trung ưu tiên giải quyết câu chuyện này trước. Các chính sách cần bao quát và dễ tiếp cận cho mọi cá nhân, doanh nghiệp. Đây là điểm quan trọng trong kinh tế thể chế và chúng ta có thể tham khảo ở cuốn Why nations fail (Tại sao các quốc gia thất bại).

* Chuyện khởi nghiệp ở VN mỗi lúc một mạnh mẽ, bạn có những suy nghĩ gì?

– Với góc nhìn của một người trong cuộc, tôi cho rằng chúng ta cần có nhiều hơn nữa những người làm nghiên cứu về lĩnh vực trên liên quan đến VN. Chúng ta có nhiều nhân tài gốc Việt vang danh trong giới học thuật khắp thế giới nhưng tiếc là chưa được tận dụng ở trong nước.

Họ hoàn toàn có thể đưa ra những tư vấn chính sách hợp lý về khởi nghiệp ở VN. Đây là yếu tố rất quan trọng mà các trường ĐH ở nước ngoài đang đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các câu chuyện thất bại của giới khởi nghiệp. Dù về mặt nghiên cứu, việc tiếp cận đối tượng này khó hơn rất nhiều việc tiếp cận các gương mặt thành công.

Hiện hầu hết các nghiên cứu về khởi nghiệp thất bại mới chỉ ở mức sơ khởi. Nếu chúng ta có cách tiếp cận hiệu quả thì sẽ giúp ích rất nhiều cho phong trào khởi nghiệp trong nước. Đây cũng là điều các giáo sư nước ngoài nói chung, giáo sư hướng dẫn của tôi luôn nhấn mạnh.

Nghiên cứu được đánh giá cao

Trần Lương Thành tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại ĐH Jena (Đức). Trước đó, bạn lấy bằng cử nhân tại ĐH York (Anh) và là cựu học sinh chuyên toán Trường Hà Nội – Amsterdam.

Các nghiên cứu của Lương Thành được đánh giá cao và nhận được tài trợ từ nhiều nguồn uy tín như Quỹ Konrad Adenauer, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Otto Wolff, Leipziger Wirtschaftspolitische Gesellschaft, German Investment Corporation, Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD)…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : khởi nghiệptài năng trẻtiến sĩ khoa học

Các tin liên quan đến bài viết