Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị, và các đại biểu phát biểu |
“Đây là vấn đề nhức nhối, và toàn ngành lao động cần khẩn trương, thận trọng giải quyết cơ bản số hồ sơ tồn đọng này trong năm 2017, trước mắt chỉ tập trung vào hơn 3.100 hồ sơ liệt sĩ, thương binh”…Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai kế hoạch kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ và công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng ở địa phương, tại Hải Phòng sáng 17-2. Phát biểu khai mạc hội nghị, bộ trưởng Dung khẳng định hồ sơ người có công còn tồn đọng có quá nhiều, chính vì thế Bộ LĐTB&XH đã lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết vấn đề này ngay từ khi ông Dũng về công tác tại Bộ LĐTB&XH. Bộ trưởng Dung cũng cho biết Tổ công tác đã khảo sát, làm việc với nhiều địa phương và thấy vẫn có những địa phương báo cáo rất hay, rằng địa phương không còn hồ sơ tồn đọng, nhưng khi mở tủ ra thì còn cả đống hồ sơ. “Trước khi khai mạc hội nghị, tôi cùng đại diện lãnh đạo các Sở LĐTB&XH từ Thừa Thiên Huế trở ra đã dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Hải Phòng, và tại đây, trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, tất cả chúng ta đã hứa sẽ xử lý căn bản hồ sơ tồn đọng năm nay. Vì thế, dù đây là những vấn đề hết sức khó, phức tạp, nhưng tôi vẫn đề nghị các địa phương cần khẩn trương và trách nhiệm, phải làm với quyết tâm cao, quyết liệt, sáng tạo để hết năm 2017 giải quyết cơ bản vấn đề này…”bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện các Sở LĐTB&XH đã thảo luận, chia sẻ các cách làm hay, hiệu quả và đã thống nhất kế hoạch giải quyết hồ sơ người có công đang tồn đọng với quy trình 8 bước:
-Xác minh, bổ sung nội dung hồ sơ – Xét duyệt ở cấp xã – Xét duyệt ở cấp huyện – Ban chỉ đạo họp nhận xét – Công khai và thu thập trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin ở cơ sở (dán thông tin công khai ở thôn, đưa vào nội dung họp chi bộ…) – Tổ công tác trung ương trực tiếp nghiên cứu hồ sơ- Ban chỉ đạo cấp tỉnh họp lần thứ 3 – Cuối cùng khi đã thống nhất, không còn ý kiến gì nữa thì hoàn thiện thủ tục để đề nghị xác nhận. Theo ông Nguyễn Duy Kiên, phó cục trưởng Cục người có công Bộ LĐTB&XH, trong năm 2016 Bộ LĐTB&XH đã tổ chức thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 địa phương theo quy trình trên (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An). Kết quả đã rà soát, xử lý, xác minh 126 hồ sơ liệt sĩ, 302 hồ sơ thương binh và đã trình Bộ xem xét xác nhận 86 hồ sơ (75 liệt sĩ, 11 thương binh) để công nhận hưởng chính sách liệt sĩ, thương binh. |
Nguồn: tuoitre.vn