HCDC cho biết, TP.HCM phấn đấu đến cuối tháng 8, có khoảng 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiếp cận vắc xin Covid-19 mũi 1.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, tính từ 18h30 ngày 29/7 đến 6h ngày 30/7, TP ghi nhận thêm 2.740 ca nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP đã có hơn 84.500 trường hợp mắc Covid-19.
Theo HCDC, vắc xin là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, TP cần đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền.
Ngoài ra, TP cũng sẽ tiêm cho người dân trong khu vực phong tỏa. Theo đó, chính quyền các địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Một người dân TP.HCM đang được tiêm vắc xin Covid-19. . |
Đồng thời, TP.HCM cũng xem xét ưu tiên cho 62.000 nhân viên giao hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ trong thời gian TP thực hiện chỉ thị 16.
HCDC cho biết, hiện TP đang triển khai tiêm vắc xin đợt 5, với 930.000 liều, dự kiến sẽ tiêm trong vòng 2-3 tuần. Chiến dịch sẽ được đẩy nhanh tiến độ bên cạnh việc giữ an toàn trong tiêm chủng và phòng chống Covid-19. Bộ Y tế đã đồng ý để TP áp dụng thí điểm mô hình tiêm phù hợp với điều kiện và tình hình phòng chống dịch của TP; phấn đấu đến cuối tháng 8, có khoảng 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiếp cận vắc xin mũi 1.
Tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ tổ chức tiêm vắc xin sau 18h trong những ngày sắp tới. Việc tiêm vắc xin này chủ yếu diễn ra ở các phường, mỗi phường có 2 điểm tiêm. Chỉ có những người trên 65 tuổi, những người có bệnh nền phải tiêm ở bệnh viện.
HCDC khuyến cáo, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch Covid-19, TP.HCM là đô thị trên 10 triệu dân nên khó khăn “gấp vạn lần các địa phương khác”. Tuy nhiên, TP đã nỗ lực rất nhiều để phát hiện, truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng và tập trung điều trị, hạn chế số ca tử vong. Để cùng TP vượt qua đợt dịch này, mỗi người dân hãy bình tĩnh, thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 16, đảm bảo “người cách ly người, nhà cách ly nhà”, hạn chế tối đa việc tiếp xúc.
Bộ Y tế cũng gửi công văn hỏa tốc đề nghị TP.HCM tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19:
1. Tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền.
2. Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành, tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư.
3. Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
4. Hướng dẫn người dân điền Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, Phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp.
Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện. Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
5. Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
6. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Nguồn: vietnamnet