Với chủ đề ‘Phát huy giá trị lịch sử – văn hóa trong phát triển du lịch tại TP.HCM’, chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 10 diễn ra sáng 9-10 đã nêu lên thực trạng và các giải pháp phát triển du lịch gắn liền di sản văn hóa.

TP.HCM: Du lịch không ngủ gắn với kinh tế đêm - Ảnh 1.

Chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” diễn ra sáng 9-10 

Chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời do Hội đồng nhân dân TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp thực hiện.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.HCM đã giải đáp trực tiếp các ý kiến, câu hỏi của khán giả đặt qua fanpage của Hội đồng nhân dân TP.HCM, Trung tâm Báo chí TP.HCM về thực trạng, kế hoạch và giải pháp của TP.HCM trong việc góp phần phát huy giá trị lịch sử, văn hóa nhằm phát triển du lịch.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho biết trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM, sở xác định sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử là một trong những sản phẩm chính của du lịch TP.HCM.

Tuy nhiên, như thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM, đến tháng 8-2022 TP.HCM có 185 di tích được xếp hạng, nhưng chỉ khoảng 40 di tích được du khách trong nước và quốc tế quan tâm và có nhu cầu tham quan.

Mặc dù loại hình du lịch văn hóa lịch sử hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng việc triển khai các sản phẩm du lịch này cũng gặp không ít khó khăn như nhiều di tích không thể đưa vào khai thác được do giao thông không thuận lợi, di tích chưa có nhiều nội dung hấp dẫn, dịch vụ không đảm bảo cho triển khai du lịch và chưa có điểm kết nối xung quanh tạo nên tour hoàn chỉnh.

Ngoài ra, nguồn lực phát triển di tích, di sản văn hóa chưa nhiều. Đồng thời, đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu về di tích để có thể giới thiệu cho du khách còn thiếu.

Ông Trần Thế Dũng – tổng giám đốc Công ty cổ phần lữ hành Fiditour TP.HCM – quan tâm đến các sản phẩm du lịch về đêm, đặc biệt sản phẩm quảng bá các loại hình nghệ thuật phi vật thể… phục vụ du khách hằng đêm.

Trả lời nội dung này, bà Ngọc Hiếu cho biết trong chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định sản phẩm “du lịch không ngủ” gắn với kinh tế đêm là một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố.

“Sở phối hợp các đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch về đêm, đưa vào các tour để cho khách tham quan như đi bộ tham quan các di tích và kết hợp xem múa rối nước, cải lương…” – bà Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy – phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM – cũng cho biết khi rạp Công Nhân đưa vào hoạt động sẽ kết nối phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) trở thành địa điểm phục vụ cho phát triển du lịch về đêm của TP.HCM.

Bà Thúy cho biết thời gian qua sở có các mục tiêu, giải pháp cụ thể góp phần giữ gìn, bảo tồn đờn ca tài tử, nhất là sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu – tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM – là người tham gia khai quật nghiên cứu hai di tích cấp quốc gia là di tích Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) và di tích lò gốm Hưng Lợi (quận 8, TP.HCM) cho biết rất buồn vì di tích lò gốm Hưng Lợi bị xâm hại khá nhiều.

“Nếu chúng ta để di tích bị tổn hại thì có lỗi với bà con, thế hệ sau vì đây là một di tích quý đối với lịch sử hình thành TP.HCM vì không kịp thời bảo vệ”, bà Hậu nói.

Thông qua chương trình, bà Hậu đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp khẩn trương liên quan đến quản lý di tích, cơ chế bảo vệ kịp thời các di tích đang bị xâm hại và có khả năng bị xâm hại trong quá trình đô thị hóa hoặc bất cập trong quản lý.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : di sản văn hóaDu lịch di sảnlò gốm Hưng Lợi

Các tin liên quan đến bài viết