Ủy ban Tư pháp cho rằng còn có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra.

Tổng thanh tra Chính phủ: Tham nhũng được kiềm chế - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái 

Bản báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 vừa được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14-9), trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10.

Dự báo chống tham nhũng sẽ đạt kết quả “tích cực, đậm nét”

“Công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao”, ông Khái cho biết.

Thay mặt Chính phủ, tổng thanh tra khẳng định: “Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”.

Trong năm đã tổ chức lớp cho 4.348.352 lượt cán bộ, nhân dân (tăng 53,8% so với năm 2019); xuất bản 615.681 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Công tác đấu tranh với loại tội phạm về chức vụ cũng rất kiên quyết, nhiều cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tiêu biểu như các vụ liên quan đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến.

Đã có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Việc thực hiện quà tặng, nộp lại quà tặng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng (cùng kỳ năm trước không có trường hợp nộp lại) trị giá 31,8 triệu đồng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy “mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”, nhưng, “dự báo trong thời gian tới, công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi”.

Làm gương chưa tốt, công khai minh bạch thiếu hiệu quả

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho rằng trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trực tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai công tác phòng chống tham nhũng trên cả nước, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, tạo bước đột phá mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Hoạt động kiểm tra, giám sát trong đảng do Ủy ban Kiểm tra và tổ chức đảng các cấp thực hiện tiếp tục được tăng cường; nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cao cấp được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế nhằm phòng chống tham nhũng”, báo cáo thẩm tra nêu.

Tuy vậy, Ủy ban Tư pháp đánh giá “việc tuyên truyền, giáo dục thông qua thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong nhiều trường hợp còn chưa phát huy hiệu quả, vì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, thiếu gương mẫu, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp”.

Việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế. Minh chứng rõ nét là tại nhiều địa phương, theo chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2019 thì chỉ số về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương là chỉ số có điểm xếp hạng thấp nhất.

Tình trạng không công khai, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai vẫn diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án.

Theo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VN năm 2019 (PCI),  tỉ lệ doanh nghiệp cho biết nhận được thông tin khi yêu cầu các cơ quan chính quyền cấp tỉnh cung cấp thông tin chỉ là 65%, giảm hơn so với năm 2017 và 2018. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết tiếp cận được thông tin về các hợp đồng mua sắm công tại địa phương qua các kênh công khai chỉ là 42,9%, trong khi con số này của năm 2018 là 55%.

Ủy ban Tư pháp cho rằng còn “có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra”.

Trên thực tế, “số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng; việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục”.

Phát hiện vi phạm hàng chục ngàn tỉ đồng, hàng ngàn ha đất

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm qua các cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỉ đồng, 7.077ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỉ đồng và trên 1.174ha đất.

Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 38.544 tỉ đồng, 5.903ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.156 tập thể và nhiều cá nhân.

Đã ban hành trên 89.915 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 6.423 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : tham nhũngThanh tra Chính phủTổng Thanh tra Chính phủ

Các tin liên quan đến bài viết