Ngày 8-9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước giàu có nguồn cung vắc xin COVID-19 lớn tạm hoãn tiêm liều tăng cường cho tới cuối năm và cung cấp những liều có sẵn cho những nước nghèo hơn.

Tổng giám đốc WHO ám chỉ các nước giàu ‘hứa lèo’ về viện trợ vắc xin - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus 

“Tôi sẽ không im lặng khi các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vắc xin toàn cầu nghĩ là các nước nghèo trên thế giới nên hài lòng với phần vắc xin thừa”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros kêu gọi các nước giàu và các nhà sản xuất vắc xin ưu tiên cung cấp liều đầu tiên cho nhân viên y tế và dân số dễ bị tổn thương vì COVID-19 ở những nước nghèo hơn, hơn là tiêm liều tăng cường cho dân số nước họ.

“Chúng tôi không mong đợi chứng kiến việc sử dụng liều tăng cường cho những người khỏe mạnh đã tiêm đầy đủ”, Hãng tin AFP dẫn lời ông Tedros nói thêm.

Tháng 8, WHO đã kêu gọi các nước tạm hoãn tiêm liều tăng cường cho đến cuối tháng 9, nhằm giải quyết sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân bổ liều vắc xin giữa các nước giàu và nghèo.

Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 8-9, ông Tedros thừa nhận tình hình toàn cầu có rất ít sự thay đổi kể từ lời kêu gọi đó.

“Do đó, hôm nay (8-9) tôi kêu gọi gia hạn việc tạm hoãn tiêm liều tăng cường cho tới cuối năm”, người đứng đầu WHO nói.

Theo thống kê của WHO, trên toàn cầu có 5,5 tỉ liều vắc xin đã được sử dụng, nhưng 80% trong số đó là ở các nước có thu nhập cao và trung bình cao. Ông Tedros nói các nước thu nhập cao đã cam kết tặng hơn 1 tỉ liều cho các nước nghèo hơn, “song chưa tới 15% số liều đó thành hiện thực”.

Ông Bruce Aylward – cố vấn cấp cao của tổng giám đốc WHO – dẫn dự báo mới nhất của COVAX, cho biết số liều vắc xin viện trợ thông qua chương trình này giảm 25% nếu không có hành động khẩn cấp từ các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các nhà sản xuất vắc xin.

“Chúng tôi không muốn có thêm lời hứa nào nữa. Chúng tôi chỉ muốn có vắc xin”, ông Tedros nhấn mạnh.

Washington đã bác bỏ lời kêu gọi tạm hoãn tiêm liều tăng cường, nói Tổng thống Mỹ Joe Biden có “trách nhiệm làm mọi thứ chúng tôi có thể để bảo vệ người dân Mỹ”.

“Chúng tôi đang làm cả hai, chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể làm cả hai và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, bà Jen Psaki – thư ký báo chí Nhà Trắng – nói về việc tiêm liều tăng cường cho người Mỹ và tặng vắc xin cho các nước nghèo hơn.

Bất chấp những lời kêu gọi tạm hoãn, một số quốc gia đang tranh cãi về việc tiêm liều tăng cường không chỉ cho những người dễ bị tổn thương do COVID-19 mà còn cho toàn dân, viện dẫn những tín hiệu cảnh báo về việc giảm hiệu quả vắc xin đối với biến thể Delta dễ lây lan.

WHO cũng thừa nhận những người suy giảm miễn dịch có thể cần tiêm liều tăng cường. Song cơ quan y tế này nhấn mạnh đối với những người khỏe mạnh, vắc xin vẫn rất hiệu quả, đặc biệt trong ngăn bệnh tiến triển nặng.

WHO đã đặt mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số mỗi nước trước cuối tháng 9, ít nhất 40% dân số vào cuối năm 2021, và ít nhất 70% dân số vào giữa năm 2022.

Cho tới nay, 90% nước giàu đã tiêm chủng cho hơn 10% dân số, và hơn 70% nước giàu đã tiêm cho hơn 40% dân số. Trong khi “không có một nước thu nhập thấp nào đạt được mục tiêu nào trong hai mục tiêu này”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19vắc xinWHO

Các tin liên quan đến bài viết