Trong những ngày của tháng cuối năm 2016, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích cao nhất kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2016) và chuẩn bị đón năm mới Đinh Dậu 2017. 70 năm đã đi qua, ngày mà toàn dân tộc nhất tề đứng lên “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn in đậm trong những trang sử vàng. Âm hưởng hào hùng của “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, là lời hịch của non sông, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại.

Bác Hồ và các chiến sĩ vệ quốc quân tại Sơn Dương (Tuyên Quang) trong những ngày Toàn quốc kháng chiến – Ảnh tư liệu

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhưng chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, tình thế cách mạng lúc bấy giờ phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc. Đó là giặc đói, giặc dốt và nhất là giặc ngoại xâm. Vụ nổ súng gây hấn ở Sài Gòn ngày 23-9-1945 là màn mở đầu của cuộc chiến tranh xâm lược lại nước Việt Nam của thực dân Pháp. Ngọn lửa chiến tranh lan rộng nhanh chóng khắp vùng Nam bộ và Nam Trung bộ. Trong tình hình phức tạp, một lúc phải chống chọi với nhiều kẻ thù nước ngoài và trong nước, Đảng ta đã sáng suốt đề ra sách lược đấu tranh nhằm bảo toàn lực lượng, tranh thủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới. Thực hiện sách lược “hòa để tiến”, Hồ Chủ tịch đã ký với Pháp bản hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, cho 15 ngàn quân Pháp vào thế quân Tưởng rút về nước. Những cuộc đàm phán tiếp theo với Pháp ở hội nghị trù bị Đà Lạt (tháng 4 đến tháng 5), hội nghị chính thức ở Phông-ten-nơ-bơ-lô tại nước Pháp (tháng 7 đến tháng 9) không đem lại kết quả. Thực dân Pháp ngoan cố không công nhận nền độc lập thực sự và chủ quyền toàn vẹn của Việt Nam. Chúng ta kiên quyết giữ vững lập trường hòa bình trong tự do, bình đẳng chứ không hòa bình trong nô lệ. Để có thời gian chuẩn bị lực lượng, ta ký với Pháp bản Tạm ước 14 tháng 9. Đảng ta nhận định, không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh và ta nhất định phải đánh Pháp. Đầu tháng 12-1946, giặc Pháp càng khiêu khích trắng trợn. Ở Hà Nội, hầu như ngày nào cũng xảy ra những vụ bắn phá, giết người, cướp của. Đồng bào ta vô cùng căm giận nhưng thực hiện đúng lời Bác Hồ căn dặn phải bình tĩnh, sáng suốt, không mắc vào âm mưu khiêu khích của địch. Sáng 18-12, giặc Pháp nổ súng vào khu vực hàng Khoai, chợ Đồng Xuân; 21 giờ hôm đó, chúng gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí vệ quốc đoàn, tự vệ và công an, đòi kiểm soát trật tự trị an trong thành phố. Những hành động đó chứng tỏ địch đã sẵn sàng nổ súng cướp nước ta một lần nữa.

Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” là bảo vật quốc gia. “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử như một cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; là mệnh lệnh tiến công cách mạng.

20 giờ ngày 19-12, đèn điện ở Hà Nội phụt tắt, súng nổ rầm trời. Cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Pháp đã bắt đầu diễn ra trên toàn quốc. Ngày 20-12-1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch. Toàn văn “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, đanh thép, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu, từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam. Lời kêu gọi là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh của mọi người dân Việt Nam, với mọi thứ vũ khí có sẵn và một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Kết thúc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, Bác Hồ khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Đúng như dự báo của Người, sau 9 năm, năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã chứng tỏ sức mạnh lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc gian khổ chiến đấu và dành lại một nửa Việt Nam hòa bình làm tiền đề cho một Việt Nam độc lập và thống nhất. 21 năm sau, ngày 30-4-1975, lá cờ bách chiến bách thắng được cắm lên nóc Dinh Độc lập (Sài Gòn), kết thúc cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, đem lại độc lập tự do cho dân tộc, Bắc Nam sum họp một nhà.

70 năm đã trôi qua nhưng khí thế cách mạng của ngày toàn quốc đứng lên đánh Pháp theo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang những giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tầm vóc của sự kiện trọng đại này không hề phai mờ, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá, đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ với ý chí và quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Bài viết sử dụng tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III-Hà Nội

Hà Thanh

Từ khóa : 70 nămâm vang non sôngtoàn quốc khánh chiến

Các tin liên quan đến bài viết