Mỹ – Trung Quốc lại căng vì phát ngôn của ông Biden; Thủ tướng Ấn Độ đến Mỹ, có sự cố từ ngày đầu; Indonesia dừng miễn thị thực 159 nước cùng lúc… là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 22-6.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Indonesia tháng 11-2022
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc vừa được kỳ vọng tạm ổn sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì bất ngờ căng trở lại vì phát ngôn của Tổng thống Joe Biden. Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố gắng giảm nhẹ thiệt hại, theo Hãng tin Reuters.
* Trung Quốc phản đối phát ngôn của ông Biden về ông Tập Cận Bình
Theo Hãng tin Reuters ngày 22-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng và gọi những phát ngôn của Tổng thống Joe Biden về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “lố bịch”.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một sự kiện hôm 20-6. Trong một buổi gây quỹ, Tổng thống Biden đã nhắc lại vụ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ.
Theo ông Biden, ông Tập Cận Bình đã “tức giận” khi tổng thống Mỹ ra lệnh bắn hạ chiếc khinh khí cầu nói trên. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định đây là khinh khí cầu do thám, rằng việc ông Tập Cận Bình nổi đóa là vì ông không biết chuyện gì đã xảy ra.
Trong cuộc họp báo ngày 21-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối nhận xét của ông Biden. Người phát ngôn bộ này gọi đây là những phát ngôn “vô trách nhiệm”, không dựa trên sự thật, vi phạm các thông lệ ngoại giao.
“Lẽ ra Mỹ phải xử lý vấn đề này một cách bình tĩnh, hợp lý và chuyên nghiệp. Nhưng việc bóp méo sự thật, lạm dụng vũ lực và leo thang cường điệu đã phơi bày hoàn toàn bản chất bá quyền và bắt nạt của họ”, phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh đối với vụ khinh khí cầu bị bắn hạ.
Theo Hãng tin Reuters, Điện Kremlin cùng đứng về phía Trung Quốc trong vụ lần này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Đây là một biểu hiện rất mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nó chỉ ra một yếu tố quan trọng là tính không thể đoán trước của họ”.
* Nhóm G7 khẳng định đoàn kết đối phó Trung Quốc
Trong tuyên bố sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với các quan chức G7 tại London (Anh), Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các nước G7 đoàn kết trước Trung Quốc.
Tuyên bố có đoạn nêu rõ G7 sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề liên quan Trung Quốc, nhấn mạnh khối này đang đoàn kết hơn bao giờ hết trước Bắc Kinh.
G7 gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản. Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản hồi tháng 5 vừa rồi đã khiến Trung Quốc phản ứng vì có những ngôn từ nhắm vào Bắc Kinh.
* Con trai ông Biden sắp ra tòa
Hunter Biden, con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ xuất hiện lần đầu tại tòa án liên bang ở Delaware vào ngày 26-7 để đối mặt với tội nhẹ về thuế và các cáo buộc liên quan đến súng, theo hồ sơ tòa án ngày 21-6.
Ông Hunter Biden dự kiến sẽ không phải ngồi tù. Tin tức làm dấy lên cáo buộc có những đối xử ưu ái cho con trai của tổng thống, theo Reuters.
Ông Hunter Biden năm nay 53 tuổi, đang làm việc như một nhà vận động hành lang, luật sư, cố vấn cho các công ty nước ngoài.
Ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden
* Thủ tướng Ấn Độ đến Mỹ, có sự cố từ ngày đầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tăng cường hợp tác công nghệ và quốc phòng giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức của ông Modi tới Nhà Trắng.
Tuy nhiên, hai ngày diễn ra các sự kiện chính thức được lên kế hoạch cẩn thận đã có một khởi đầu gập ghềnh từ chiều 21-6. Theo Reuters, Thủ tướng Modi đã đến quá muộn trong một sự kiện đồng chủ trì với phu nhân Tổng thống Biden. Vì sự cố này, bà Jill Biden đã bắt đầu sự kiện mà không có nhà lãnh đạo Ấn Độ.
Khoảng 30 phút sau khi bà Jill Biden bắt đầu, ông Modi mới đến và gửi lời xin lỗi, mong thông cảm. Thủ tướng Ấn Độ dự kiến sẽ dùng bữa tối riêng với gia đình Biden tại Nhà Trắng.
Ông Modi sẽ tham dự quốc yến vào tối 22-6, sau khi phát biểu trước Quốc hội và tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi với Tổng thống Biden. Cuộc họp báo này rất hiếm, bởi ông Modi chưa từng họp báo trong 9 năm qua, Reuters cho biết thêm.
* Indonesia dừng miễn thị thực một lúc 159 nước
Ngày 21-6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định quyết định tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với 159 quốc gia đã được đưa ra, căn cứ vào các kết quả đánh giá lợi ích.
Sau khi tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với 159 nước, Indonesia chỉ còn áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân 9 nước ASEAN và Timor Leste. Công dân 10 nước trên được phép lưu trú tại Indonesia tối đa 30 ngày và không được gia hạn. Họ cũng phải xuất trình hộ chiếu hợp lệ còn giá trị ít nhất 6 tháng, vé khứ hồi hoặc hành trình tiếp theo tại nơi nhập cảnh.
Theo báo Jakarta Post, Tổng thống Widodo tin rằng việc tạm dừng miễn thị thực cho 159 nước sẽ không ảnh hưởng đến du lịch. Ông lập luận trước đây Indonesia cho phép tự do nhập cảnh, nhưng hiện cần phải đánh giá lại lợi – hại từ việc này.
Ông cho rằng không riêng Indonesia, các nước khác cũng đánh giá lại chính sách miễn thị thực, nhấn mạnh mỗi nước đều có quyền tiếp tục hoặc hủy bỏ chính sách thị thực của nước mình.
Yoga và cân bằng
Những người đàn ông theo đạo Hindu đang thực hiện các động tác yoga tại đền Kamakhya, Guwahati, thuộc bang Assam nhân Ngày Yoga quốc tế 21-6. Yoga khởi phát từ Ấn Độ và hiện đã được nhiều người trên toàn thế giới đón nhận.
Nguồn: tuoitre.vn