Triều Tiên muốn tăng cường khả năng răn đe chiến tranh; Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tái tranh cử; Tổng thống Pháp Macron bị chỉ trích vì phát ngôn về Trung Quốc và Đài Loan… là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 11-4.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát đầu đạn hạt nhân tại một địa điểm bí mật
* Triều Tiên tăng cường khả năng răn đe chiến tranh. Ngày 11-4, Hãng thống tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi tăng cường khả năng răn đe chiến tranh để chống lại các động thái gây hấn của Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Kim tuyên bố trong cuộc họp của Quân ủy Trung ương ngày 10-4, nhằm thảo luận về “các động thái leo thang của Mỹ và Hàn Quốc”.
Triều Tiên đã phản ứng giận dữ trước một loạt cuộc tập trận chung gần đây giữa Mỹ và Hàn Quốc. KCNA cho rằng các cuộc tập trận này nhằm chuẩn bị cho “cuộc chiến tổng lực” và buộc Bình Nhưỡng phải cân nhắc các lựa chọn về quân sự.
Triều Tiên cũng thực hiện nhiều hoạt động quân sự khác nhau trong những tuần gần đây, như công bố đầu đạn hạt nhân mới nhỏ hơn, thử nghiệm thiết bị không người lái tấn công dưới nước và phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Mỹ.
Ông Biden và bà Harris liên danh tái tranh cử?
* Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ý định tái tranh cử vào năm 2024. Ngày 10-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông có kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024, song vẫn chưa chuẩn bị để thông báo chính thức.
Cả ông Biden và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đều tuyên bố sẽ liên danh tái tranh cử.
Đài NBC News dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết các cố vấn Nhà Trắng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc triển khai chiến dịch tái tranh cử của ông Biden.
* Hơn 300 công ty công nghệ sinh học và dược phẩm Mỹ muốn bán thuốc phá thai. Giám đốc điều hành của hơn 300 công ty công nghệ sinh học và dược phẩm, bao gồm Pfizer và Biogen, đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi đảo ngược quyết định của thẩm phán liên bang về việc đình chỉ bán thuốc phá thai mifepristone.
Trước đó, ngày 7-4, thẩm phán Matthew Kacsmaryk đã đình chỉ việc bán thuốc phá thai mifepristone mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt vào năm 2000.
Bức thư ngỏ cho rằng phán quyết của thẩm phán Matthew Kacsmaryk làm suy yếu thẩm quyền của FDA, đồng thời bỏ qua hàng thập kỷ bằng chứng khoa học và tiền lệ pháp lý.
Nhà Trắng hoan nghênh động thái này, đưa ra một tuyên bố và trích dẫn từ bức thư.
* Mỹ nói Nga bắt giữ “sai trái” phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal. Mỹ cũng nói các cáo buộc phóng viên này làm gián điện là không có thật và vụ bắt giữ mang tính chính trị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel khẳng định “làm báo không phải là một tội ác”. “Chúng tôi lên án việc Điện Kremlin tiếp tục đàn áp tiếng nói độc lập ở Nga và cuộc chiến chống lại sự thật của họ”.
Ông Patel nói thêm, Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ phóng viên Gershkovich và gia đình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Nga trả tự do cho Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ đang thụ án 16 năm tù ở Nga.
Ngày 30-3, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cho biết họ đã bắt giữ phóng viên Gershkovich với cáo buộc thu thập thông tin bí mật quốc gia về một công ty quốc phòng Nga.
Thu hoạch hành
Tổng thống Pháp bị chỉ trích vì “không chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc”
* Tổng thống Pháp bị chỉ trích vì phát ngôn về Đài Loan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang bị chỉ trích khi nói rằng châu Âu không có lợi trong việc đẩy nhanh cuộc xung đột ở Đài Loan và nên trở thành một “cực thứ ba” độc lập với cả Washington và Bắc Kinh.
Nhiều người chỉ trích quan điểm của tổng thống Pháp quá dễ dãi với Trung Quốc, trong khi nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan.
Nghị sĩ thuộc Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Đức (Bundestag), ông Norbert Roettgen, viết trên Twitter rằng ông Macron đã “biến chuyến đi Trung Quốc của mình thành một cuộc PR cho ông Tập Cận Bình và là một thảm họa chính sách đối ngoại đối với châu Âu”.
Ông Roettgen nói thêm rằng tổng thống Pháp đang “ngày càng tự cô lập mình ở châu Âu”.
Trong video đăng trên Twitter, thượng nghị sĩ Cộng hòa (Mỹ) Marco Rubio cho rằng nếu châu Âu “không chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, thì có lẽ chúng ta cũng không nên chọn phe theo Ukraine”.
Trong khi đó, ông Pascal Confavreux, người phát ngôn Đại sứ quán Pháp tại Mỹ, cho rằng phát ngôn của ông Macron bị diễn giải quá mức. “Mỹ là đồng minh của chúng tôi”, ông Pascal viết trên Twitter.
* Tìm thấy thi thể thứ 6 trong vụ nổ ở Marseille, Pháp. Các nhân viên cứu hộ của Pháp đã tìm thấy thi thể thứ 6 trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập sau một vụ nổ ở phía nam thành phố Marseille.
Các nhà chức trách trước đó đã xác định được 8 người mất tích sau vụ nổ ngày 9-4. Vụ việc phá hủy 2 tòa nhà và khiến tòa nhà thứ 3 bị sập một phần. Nguyên nhân vụ nổ vẫn chưa được làm rõ.
Bộ trưởng Nhà ở và Đô thị Olivier Klein khẳng định các hoạt động cứu hộ đang tiếp tục với “sự thận trọng và quyết tâm” và 40 tòa nhà gần hiện trường đã được sơ tán.
Ảnh vệ tinh của núi lửa Shiveluch ở miền viễn đông Nga, ngày 26-11-2022
* Núi lửa Shiveluch ở vùng Kamchatka của Nga phun trào. Vụ phun trào ở miền viễn đông Nga tạo ra cột khói bụi cao 10km, gây ra mối đe dọa đối với giao thông hàng không.
Ông Oleg Bondarenko, người đứng đầu huyện Ust-Kamchatsky, cho biết chính quyền địa phương đã đóng cửa trường học và yêu cầu cư dân các ngôi làng gần núi lửa ở yên trong nhà.
Shiveluch là một trong những ngọn núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất của vùng Kamchatka. Trong 10.000 năm qua, Shiveluch phun trào khoảng 60 lần, vụ lớn nhất gần đây là vào năm 2007.
Nguồn: tuoitre.vn