Tính đến 14-12, Việt Nam ghi nhận trên 1,24 triệu ca mắc COVID-19 tính từ đầu vụ dịch, trong đó có trên 28.000 người đã tử vong, số ca tử vong chiếm 2%/tổng số mắc. Các số liệu so sánh cho thấy số ca COVID-19 nặng và tử vong đang tăng.
Theo Bộ Y tế, hiện còn trên 306.995 ca đang theo dõi và điều trị tại các bệnh viện, trong số này có 253.762 người được theo dõi, điều trị tại nhà, 12.800 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly, 112.918 người đang điều trị tại các bệnh viện. Trong số đang điều trị tại bệnh viện có gần 7.300 ca trong tình trạng nặng phải thở oxy, thở máy.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca mắc ngày 14-12 giảm 4,4%, số ca khỏi tăng 3,1%, số ca tử vong tăng 3,1%, số ca nặng tăng 32,7%.
Số ca mắc mới tăng 6%, số ca tử vong tăng 9,3% so với tuần trước. Số mắc mới tăng 144%, số tử vong tăng 146%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 151%, số ca nặng, nguy kịch tăng 70,7%, trong đó riêng nhóm thở máy xâm lấn tăng 76,7%… so với tháng trước.
Ngày 14-12, Văn phòng Chính phủ có công văn số 9136 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức hội nghị với các chuyên gia, nhà khoa học trong tháng 12-2021 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong.
Sáng 14-12, Bệnh viện Bạch Mai đã cử PGS-TS Nguyễn Văn Chi – phụ trách Trung tâm cấp cứu A9 – lên đường vào chi viện An Giang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Trước đó, Bạch Mai đã điều động 2 đoàn công tác gồm hơn 30 y bác sĩ có kinh nghiệm vào hỗ trợ An Giang. An Giang là một trong số tỉnh thành có số mắc và số tử vong khá cao thời gian gần đây. Tỉ lệ tử vong/số mắc tại An Giang lên tới 2,4% (bằng mức của Kiên Giang), cao hơn mức bình quân của cả nước.
Bệnh viện Nhi trung ương điều động 20 y bác sĩ hỗ trợ Vĩnh Long, Bệnh viện E điều động 20 y bác sĩ hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Việt Đức và Phụ sản trung ương thành lập Trung tâm hồi sức cấp cứu tại Bà Rịa – Vũng Tàu…
TP.HCM: Xây dựng “thế trận y tế” ứng phó với biến thể Omicron
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, UBND TP.HCM đã xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron tại TP.HCM.
UBND TP.HCM đề nghị các cửa khẩu hàng không, hàng hải thực hiện nghiêm quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, đặc biệt yêu cầu hành khách chuyến bay quốc tế phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, tổ chức cách ly kiểm dịch, xét nghiệm kiểm tra COVID-19 theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, đối với các chuyến bay, chuyến tàu xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này (không cho phép cách ly tại nhà), bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc COVID-19 trước đó.
TP sẽ tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… để phát hiện và thông báo sớm cho cơ quan chức năng những ca nghi nhiễm có liên quan đến người nhập cảnh, nghi ngờ tái nhiễm COVID-19 để thực hiện xét nghiệm kiểm tra; trong đó có thể có những ca không phát hiện nhiễm trong quá trình cách ly kiểm dịch sau nhập cảnh.
Các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thể Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gene S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với COVID-19. Thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene tất cả các trường hợp dương tính thuộc nhóm người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái nhiễm COVID-19.
Khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron phải tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (F1).
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
– Ngày 14-12, Hà Nội ghi nhận 900 ca COVID-19 mới, trong đó có 315 ca cộng đồng. Ngoài ra, có 447 ca phát hiện trong khu cách ly và 138 ca trong khu phong tỏa. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 20.110 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 7.612 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 12.498 ca. Riêng từ ngày 11-10 đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 16.100 ca mắc mới.
Tới hết ngày 13-12, có 9.463 F0 đang được điều trị, cụ thể tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 82 ca; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở điều trị COVID-19 Hoàng Mai có 175 ca; 29 bệnh viện của Hà Nội có 1.984 ca; 4 cơ sở thu dung điều trị 3.882 ca; các trạm y tế lưu động có 2.800 ca và 540 F0 điều trị tại nhà.
Như vậy, có hơn 30% ca nhiễm COVID-19 ở Hà Nội đang điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động. Đây là những người mắc thể nhẹ, không triệu chứng.
– Ngày 14-12, Quảng Trị công bố thêm 35 ca COVID-19, trong đó đáng chú ý có chùm 18 ca ghi nhận ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Đến nay, Quảng Trị đã ghi nhận trên 1.200 ca COVID-19. Số người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 đạt gần 96%, với mũi 2 là trên 73%. Số người trong nhóm tuổi từ 12 – 17 được tiêm mũi 1 đạt trên 38%.
– Những ngày gần đây, số người mắc COVID-19 tại Đồng Nai giảm nhưng số người tử vong liên tục tăng cao, riêng trong ngày 3-12 có 42 ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 Đồng Nai ghi nhận tổng cộng hơn 92.500 ca COVID-19, trong đó có 1.064 người tử vong, khoảng 50% số người tử vong chưa được tiêm vắc xin COVID-19 hoặc mới tiêm 1 mũi.
– Sáng 14-12, Trà Vinh công bố ghi nhận 435 ca COVID-19 mới; trong đó 402 ca cộng đồng. Như vậy, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 12.898 ca COVID-19, trong đó có 3.950 bệnh nhân được điều trị khỏi. Trà Vinh vừa quyết định thành lập thêm 4 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ, không có triệu chứng với tổng quy mô 615 giường, đặt tại các huyện Châu Thành, Duyên Hải và Tiểu Cần.
– Quảng Bình từ 6h ngày 13-12 đến 6h ngày 14-12 ghi nhận thêm 27 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca từ trước đến nay của tỉnh này lên 3.138 ca.
– Từ 18h ngày 13-12 đến 11h ngày 14-12 Bến Tre có 479 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 16.699 ca. Trong đó, có 7.670 ca điều trị khỏi bệnh, 90 ca tử vong.
Nguồn: tuoitre.vn