Nghị quyết 02 vừa được Chính phủ ban hành với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2022. 

Nghị quyết được kì vọng góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp suốt 2 năm qua đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp và người dân, đồng thời, cải cách môi trường kinh doanh nước ta có xu hướng chững lại.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và không ít chỉ tiêu cụ thể còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

Năm 2021 có nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm 2 bậc (từ 49 xuống thứ 51); quyền tài sản giảm 6 bậc (từ 78 xuống 84); chỉ số quyền tài sản vừa giảm điểm vừa giảm bậc (từ 5,132 điểm xuống 4,995 và giảm 6 bậc từ vị trí 78 xuống 84), chỉ số về cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ vị trí 96 xuống 104).

Nghị quyết 02 năm 2022 đã được Chính phủ ban hành kịp thời với những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung 2 mục tiêu chính: Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2022.

Tiếp tục ngọn lửa cải cách
Nghị quyết 02 được kì vọng góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Kế thừa nhiều nội dung của nghị quyết 02 năm 2021

TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ, nghị quyết 02 lần này suýt nữa không được ban hành, lúc đầu có những suy đoán sẽ không được đưa vào nhiệm kì này nên từ đó có tình trạng một số nơi, bộ ngành muốn đẩy công việc của mình ra chứ không muốn ôm vào.

Nhưng thật vui là sau nhiều thúc đẩy, cuối cùng nghị quyết này cũng đã được ra đời. Ông Cung nhận định, văn bản lần này đã kế thừa được nhiều nội dung của nghị quyết 02 cũ, trong kế thừa có phát triển, có mở rộng và làm sâu sắc thêm. Đây là sự bổ sung cần thiết cho kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế vừa được thông qua.

Chẳng hạn, về điều kiện kinh doanh, trước đây chủ yếu quy định yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, đó mới chỉ là cắt ngọn. Giờ nghị quyết này đã ghi rõ cắt giảm “danh mục, ngành nghề” kinh doanh có điều kiện, tức là cắt gốc, làm cụ thể hơn, thu hẹp từng danh mục, ngành nghề cụ thể. Đó là cách tiếp cận tốt. Bởi vì, cắt được gốc mới là vấn đề khó và cần làm.

Tiếp tục ngọn lửa cải cách
TS Nguyễn Đình Cung: Nghị quyết 02 là sự bổ sung cần thiết cho kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế vừa được thông qua

Nghị quyết cũng mở rộng thêm thị trường về nhân tố sản xuất. Một luật sửa 8 luật chưa phải những điều căn bản. Cùng một vấn đề nhiều luật được quy định. Phải quy định giống nhau, không nên có sự mâu thuẫn. Bởi một vấn đề quy định mới đưa ra khi đi vào thực tế doanh nghiệp sẽ gặp phải 5-6 vấn đề phát sinh nên chính những khác biệt theo chiều ngang này mới gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên mới trong nhiệm vụ Chính phủ giao các bộ, ngành so với các năm trước, nhưng cũng sẽ là những phần việc khó khăn hơn.

Cụ thể, với nhiệm vụ cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Hướng xử lý được xác định ngay từ đầu là thu hẹp phạm vi một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Cùng với đó là kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới.

Hơn thế, việc thực hiện đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng sẽ phải hoàn thành trong năm 2023.

“Ngay trong năm nay sẽ phải hoàn tất việc rà soát đánh giá danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, làm cơ sở cho các đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việc này đòi hỏi các bộ, ngành phải thực sự vào cuộc, với tư duy khác hẳn”, bà Thảo nói.

Trong một thời gian dài, kể cả trước khi phiên bản đầu tiên của nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh được ban hành vào năm 2014, việc cắt giảm giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh thường xuyên là nhiệm vụ ưu tiên. Từ năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đến hết năm 2018, về cơ bản, số lượng điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm hơn 50%.

Nghĩa là, hàng ngàn điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không tiên liệu trước được hoặc can thiệp quá mức vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa. Nhờ đó, môi trường kinh doanh thay đổi theo hướng thuận lợi, tự do và an toàn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh việc quan trọng tới đây là triển khai nghị quyết thế nào. Lâu nay cách thức triển khai của chúng ta chưa được sốt sắng, đồng bộ. Nếu không tạo áp lực hành chính của Thủ tướng, không có áp lực từ xã hội, từ cộng đồng doanh nghiệp thì không có cải cách trong bộ máy hành chính.

Vì vậy, chúng ta cần cụ thể hoá thành nhiệm vụ chi tiết. Cần có một nhạc trưởng chủ trì thực hiện, chẳng hạn đích thân Thủ tướng chủ trì để triển khai một cách rốt ráo, quy tụ được các bên quan tâm thúc đẩy. Nghị quyết chỉ sống được khi phát sinh các sự kiện, vấn đề được theo dõi và báo cáo liên tục.

Hi vọng với tinh thần và những nỗ lực cải cách được tiếp tục phát huy trong thời gian tới đây, sẽ có sự vào cuộc mạnh mẽ và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự chia sẻ thông tin và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Mục tiêu và trọng tâm của Nghị quyết 02:

Nghị quyết 02/NQ-CP đặt mục tiêu cụ thể năm 2022 cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch.

Về cải thiện năng lực cạnh tranh 4.0 theo xếp hạng của WEF: Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật; nâng xếp hạng chỉ số kiểm soát tham nhũng lên 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số chất lượng quản lý hành chính đất đai lên ít nhất 1 bậc; nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán lên 2-3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lên 2-3 bậc…

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; Phát triển bền vững (của LHQ) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Năng lực đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử (của LHQ) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu…

Trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 được nghị quyết đưa ra bao gồm: (i) Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (ii) Loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; (iii) Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; (iv) Cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; (v) Phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; (vi) Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của Covid-19.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : cải cáchNghị Quyết 02

Các tin liên quan đến bài viết