Theo các chuyên gia, ‘trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ’, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi có những lưu ý cần đặc biệt quan tâm so với người lớn và trẻ lớn.
“Tỉ lệ nhiễm COVID-19, chuyển độ nặng, tử vong ở trẻ nhỏ rất ít so với người lớn. Nhưng nếu để xảy ra phản ứng bất lợi, đặc biệt là sốc phản vệ, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ thì đây là sự đánh đổi quá lớn.
Do đó khâu chuẩn bị cực kỳ quan trọng nếu TP.HCM được phép tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ trong thời gian tới” – bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM), nêu ý kiến.
Vắc xin nào phù hợp?
Trong bối cảnh TP.HCM đang triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi những ngày cuối, Sở Y tế TP cho biết sở cùng các phường, xã lập kế hoạch chi tiết để đề xuất với Bộ Y tế tiêm cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi với loại vắc xin phù hợp. Dự kiến, năm 2022 TP sẽ triển khai tiêm cho nhóm tuổi này.
Trước đề xuất trên, nhiều phụ huynh tại TP.HCM có con trong độ tuổi từ 3 – 12 vừa mong muốn con em họ sớm được tiếp cận vắc xin để đến trường, nhưng lại băn khoăn không biết vắc xin nào phù hợp, liều lượng bao nhiêu, tỉ lệ trẻ gặp biến chứng sau tiêm có cao không?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết từ khi có thông tin này, tổng đài của bệnh viện đã nhận nhiều cuộc gọi của phụ huynh thắc mắc bệnh viện có tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ này hay không. Đa số phụ huynh đều muốn cho con em mình được tiêm vắc xin trong thời gian tới.
Bác sĩ Tiến cho hay hiện đã có một số nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ đã nghiên cứu tiêm vắc xin của Pfizer cho trẻ từ 5 – 11 tuổi. Dữ liệu từ nghiên cứu này cho thấy tính an toàn và hiệu quả của vắc xin đối với trẻ qua nồng độ kháng thể bảo vệ, chưa thấy những phản ứng quá bất lợi, nguy hại nặng.
Ngoài ra, cũng còn nhiều loại vắc xin khác như Moderna (Mỹ), VeroCell (Trung Quốc), Abdala (Cuba)… được đưa vào nghiên cứu để tiêm ở trẻ nhỏ.
“Tuy nhiên chúng ta phải rà soát, đánh giá hiệu quả qua các công trình nghiên cứu, có những bằng chứng khoa học để quyết định chọn lựa vắc xin nào phù hợp, an toàn, hiệu quả cho trẻ em Việt Nam” – ông Tiến nói.
Về liều lượng vắc xin để tiêm cho trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến cho hay qua các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, so với trẻ lớn và người lớn, ở trẻ nhỏ thì sẽ điều chỉnh liều lượng tiêm vắc xin. Vì thế, trước khi tiến hành tiêm vắc xin cho nhóm tuổi này, Hội đồng khoa học của ngành y tế, Bộ Y tế cần phê duyệt, đưa ra những hướng dẫn cụ thể để chiến dịch tiêm chủng đảm bảo tính an toàn và mang đến hiệu quả.
Không nóng vội
Chia sẻ về dự kiến tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 – 12 tuổi sắp tới, PGS Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – dẫn chứng thực tế trẻ em nhiễm COVID-19 thường rất nhẹ, tỉ lệ chuyển nặng và tử vong rất thấp. Tỉ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 12 – 17 tuổi, từ 18 tuổi trở lên càng cao thì trẻ em cũng được bảo vệ càng nhiều.
Theo PGS Nga, hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chưa vội tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 – 12 tuổi, thay vào đó tiếp tục tiêm cho người trên 18 tuổi, đặc biệt là các nước nghèo, người có nguy cơ cao. Khi Việt Nam có vắc xin tốt, an toàn và phù hợp bối cảnh chung (các địa phương đều có tỉ lệ bao phủ vắc xin người trên 18 tuổi cao) thì tổ chức tiêm cho trẻ cũng không quá muộn.
Ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho rằng chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ cần xem như cuộc tiêm vắc xin các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, cần chú ý vắc xin phòng COVID-19 là vắc xin mới, ngành y tế cần tổ chức tiêm chủng chặt chẽ, đặc biệt là chú trọng khâu theo dõi sau tiêm.
Cụ thể, thay vì trẻ lớn và người lớn theo dõi sau tiêm trong vòng 2 – 3 ngày thì trẻ nhỏ cần nhiều thời gian hơn (ít nhất 1 tuần) vì những biến chứng muộn có thể xảy ra như viêm cơ tim.
“Dù viêm cơ tim rất hiếm gặp ở trẻ lớn hơn nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Biểu hiện này thường xảy ra sau mũi tiêm thứ 2, tỉ lệ là 7 – 15 trường hợp/1 triệu trẻ” – ông Tiến cho biết.
Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, nếu kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ được phê duyệt, ngành y tế cần chuẩn bị công tác tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ phải an toàn tuyệt đối từ khâu sàng lọc trước tiêm, trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm.
PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên giảng viên Đại học Y dược TP.HCM – cũng cho rằng nếu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ cần thực hiện đúng nguyên tắc “trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ” vì vắc xin cũng là thuốc nhưng có tác dụng đặc biệt là ngừa bệnh do sinh miễn dịch nhờ giúp sinh kháng thể.
Để đảm bảo tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ với liều an toàn và hiệu quả, theo ông Đức, phải nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đúng quy cách, không thể suy đoán một cách dễ dãi.
TP.HCM đã tiêm khoảng 532.000 trẻ 12 – 17 tuổi
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ngày 2-11 cho biết trong ngày 1-11 TP đã tiêm được 111.993 người, nâng tổng số mũi tiêm được tiêm từ khi TP bắt đầu tổ chức tiêm chủng đến ngày 1-11 là hơn 13,4 triệu, trong đó hơn 5,7 triệu người tiêm mũi 2.
Tỉ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi đạt 99,4%; người tiêm đủ 2 mũi là 79,5%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 93,7%; người trên 50 được tiêm 2 mũi là 93,8%.
Đối với chiến dịch tiêm vắc xin cho nhóm trẻ lớn 12 – 17 tuổi, trong ngày 1-11 đã tiêm cho 82.519 trẻ, nâng tổng số trẻ được tiêm đến hết ngày 1-11 là 531.998 em.
Năm 2022 Việt Nam tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa chia sẻ kế hoạch đặt mua vắc xin và tiêm chủng cho nhóm 3 – 11 tuổi năm 2022 tới. Còn năm 2021 này, mục tiêu là hoàn thành tiêm chủng cho nhóm trẻ 12 tuổi trở lên.
Phát biểu tại phiên họp sáng 2-11, ông Long cho biết tính đến 2-11, Việt Nam có cam kết cung cấp gần 200 triệu liều vắc xin, đến nay đã nhận được trên 105 triệu liều và tiêm chủng 83,2 triệu liều vắc xin COVID-19.
Trong số này, đến nay có TP.HCM, Ninh Bình, Bình Dương… đã triển khai tiêm cho trẻ 12 – 17 tuổi, trong đó Ninh Bình đã tiêm xong mũi 1 cho nhóm trẻ lớn này. Hà Nội cũng lên kế hoạch để triển khai tiêm sớm.
Lô vắc xin Pfizer về trong thời gian tới sẽ sử dụng tiêm cho học sinh 12 – 17 tuổi. Mục tiêu sớm phủ mũi 1 cho nhóm trẻ này.
Ông Nguyễn Thanh Long
Riêng với nhóm trẻ nhỏ hơn, ông Long cho biết phải cân nhắc kỹ khi triển khai. Loại vắc xin cho nhóm trẻ này, nếu Việt Nam triển khai, cũng là Pfizer nhưng là loại liều dành riêng cho trẻ nhi đồng, trong khi nhóm 12 – 17 tuổi hiện nay sử dụng liều tương tự người lớn.
Trao đổi với báo giới gần đây, một đại diện của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết thế giới có ít nhất 36 quốc gia tiêm chủng cho nhóm 12 – 17 tuổi, số triển khai tiêm cho trẻ nhỏ tuổi hơn thì ít hơn nhiều, loại vắc xin có chỉ định sử dụng cũng rất ít ỏi.
Vị này lý giải có những lo ngại về phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin cho trẻ em lứa nhỏ tuổi, trong đó có những phản ứng tại chỗ và về lâu dài.
“Phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 ở trẻ em cũng như ở người lớn, cũng là các biểu hiện đau đầu, đau khớp, đau cơ, sau tiêm mũi 2 số lượng phản ứng ghi nhận được nhiều hơn. Có 1/100 cháu có phản ứng nôn ói sau tiêm, 1/1.000 nổi hạch, 1/1.000 – 1/10.000 gặp phản ứng liệt mặt, phản ứng ít gặp hơn nữa là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
“Phản ứng về lâu dài” bị lo ngại nhiều nhất là những tác hại đến hệ gene. Theo bà Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin sử dụng tiêm cho trẻ là vắc xin có thành phần mNRA của hai nhà sản xuất Pfizer và Moderna.
Thành phần mNRA của virus hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gene và ảnh hưởng về lâu dài như bệnh ung thư, rối loạn vô sinh như có bậc phụ huynh lo lắng. Và đến nay cũng chưa nhìn thấy mối liên quan như thế đến hai vắc xin này.
Chuyên gia của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết ngoại trừ trẻ có bệnh nền, tình trạng lâm sàng của trẻ mắc COVID-19 không nặng nề như người lớn tuổi, vì vậy người lớn tuổi là nhóm ưu tiên tiêm chủng trước.
Theo Bộ Y tế, hiện nhiều tỉnh thành vẫn chưa phủ xong mũi 1, ngay Hà Nội tỉ lệ người trên 65 tuổi đã tiêm 2 mũi mới đạt 47%. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người cao tuổi là nhóm có tỉ lệ chuyển nặng nếu mắc COVID-19 cao, sau đó là tiêm chủng phục vụ lao động sản xuất, mở cửa dịch vụ, giao thông, tiến đến mở rộng dần tiêm chủng cho trẻ em là chiến lược Bộ Y tế đã chọn.
Nguồn: tuoitre.vn