Hai miếng thịt giống hệt nhau, một phải lấy từ lò mổ, một rẻ hơn, không gây hiệu ứng nhà kính và không phải giết mổ động vật. Bạn sẽ chọn miếng nào?

Tiềm năng thịt nhân tạo - Ảnh 1.

Chi phí của thịt nhân tạo vẫn còn khá cao

Việc Trung Quốc mới đây đầu tư mạnh tay 300 triệu USD mua công nghệ thịt nhân tạo của Israel khiến nhiều người đặt câu hỏi có phải quốc gia đông dân nhất thế giới nhìn thấy triển vọng từ loại thịt này.

“Đây là một cơ hội thị trường vô cùng to lớn” – Times of Israel ngày 17-9 dẫn lời Bruce Friedrich, lãnh đạo Tổ chức Good Food Institute (GFI), nhận định về thỏa thuận giữa Bắc Kinh và ba công ty của Israel gồm SuperMeat, Future Meat Technologies và Meat the Future.

Ông Friedrich cho rằng thỏa thuận cho thấy thịt nhân tạo đang nằm trong tầm ngắm của các quan chức Trung Quốc và có thể được Bắc Kinh đầu tư thêm hàng tỉ USD.

Thị trường lớn

 300 triệu USD thực sự là một thỏa thuận lớn nếu xét về việc đến nay chỉ có tám công ty trên thế giới “nuôi” thịt từ các tế bào động vật trong phòng thí nghiệm, bao gồm ba công ty của Israel và Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với hơn 1 tỉ dân.

Với đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu thịt của Trung Quốc tăng mạnh thời gian qua. Theo Trung tâm Thương mại quốc tế, Bắc Kinh nhập khẩu hơn 10 tỉ USD thịt trong năm 2016.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm một nửa mức tiêu thụ thịt và tờ China Science and Technology Daily tuần trước cũng khẳng định thịt sản xuất từ phòng thí nghiệm rất an toàn và thân thiện với môi trường.

“Hai miếng thịt giống nhau, một phải lấy từ lò mổ trong khi miếng còn lại giống hệt và rẻ hơn, không gây hiệu ứng nhà kính và không phải giết mổ động vật. Bạn sẽ chọn miếng nào?” – tờ này viết.

Mặc dù phương pháp nuôi thịt từ tế bào động vật cũng không hẳn hoàn toàn không giết mổ, nhưng các nhà khoa học cho biết họ đang tìm cách tạo ra loại thịt nhân tạo 100%.

“Qua sự thay đổi này, hi vọng ngành công nghiệp gia súc sẽ biến đổi và khí thải carbon sẽ giảm” – giám đốc Li Jun Feng của Trung tâm quốc gia về hợp tác quốc tế và chiến lược biến đổi khí hậu Trung Quốc nhận định.

Giới môi trường cũng ủng hộ thịt nhân tạo với lập luận ngành gia súc tạo ra khí methane gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu cao gấp 21 lần so với carbon dioxide và nhìn chung đóng góp 14,5% khí thải nhà kính toàn cầu.

Dù vậy, tranh cãi về thịt nhân tạo vẫn chưa ngã ngũ. “Tôi không biết thịt nhân tạo có an toàn không, đặc biệt là đối với con tôi” – một người dân ở Bắc Kinh trả lời tờ Global Times khi được hỏi về việc chính phủ mở cửa cho các công ty Israel.

Về khoa học, một số người cho rằng loại thịt này sạch hơn nhưng chưa chắc đã an toàn hơn, bởi nó vẫn mang những đặc tính của thịt vốn thường bị các nghiên cứu khoa học cho là thủ phạm làm tăng các bệnh như ung thư.

Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng thịt nhân tạo không dùng thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng và loại bỏ được các yếu tố như chất béo bão hòa làm tăng cholesterol xấu. Ngoài ra, một khi cắt giảm được chi phí sản xuất, thịt nhân tạo được cho là rẻ hơn thịt thật.

“Công nghệ nóng bỏng”

Kể từ khi cái bánh burger kẹp thịt nhân tạo đầu tiên được đưa ra cho người dân nếm thử ở London năm 2013, đến nay thịt nhân tạo vẫn chưa được thương mại hóa.

Tuy nhiên, những người phát triển loại thịt này tin rằng nó sẽ sớm được lên kệ. Nhiều nước vẫn đang tập trung nghiên cứu thịt nhân tạo.

Japan Times dẫn lời nhà nghiên cứu Nhật Bản Yuki Hanyu – nhà sáng lập Shojinmeat Project, một trong số ít nhóm phát triển thịt nhân tạo trên thế giới và là nhóm dẫn đầu tại châu Á – cho rằng thịt từ phòng thí nghiệm sẽ được bán ra vào năm 2030 và khi đó hương vị của nó hoàn toàn giống hoặc thậm chí còn ngon hơn thịt thật, trong khi giá rất “cạnh tranh”.

Shojinmeat Project đang sản xuất thịt nhân tạo với chi phí khoảng 130.000 USD/100gr.

Sự hấp dẫn của lĩnh vực hầu như “chưa được khai phá” khiến nhiều công ty trên thế giới, đặc biệt là các ông lớn trong ngành thực phẩm, đầu tư nghiên cứu thịt nhân tạo.

Vào cuối tháng 8-2017, công ty khởi nghiệp nhỏ Memphis Meats của Mỹ tuyên bố họ đã nhận thêm 17 triệu USD từ các nhà đầu tư Cargill, tỉ phú Bill Gates, Richard Branson, giúp nâng tổng số vốn lên 22 triệu USD.

Trước đó, công ty này hồi tháng 4-2017 cho biết họ đã tạo ra miếng thịt gia cầm đầu tiên trên thế giới mà không cần giết mổ. Tờ Fortunes cũng gọi thịt nhân tạo là “công nghệ nóng bỏng nhất Thung lũng Silicon”.

Nhu cầu thịt và thực phẩm nói chung ngày càng tăng là một thực tế cần quan tâm. Lượng tiêu thụ thịt của thế giới đã tăng gấp đôi trong một thế kỷ qua và lượng thịt cần để nuôi con người dự kiến phải lên đến 470 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050.

Quy trình sản xuất thịt nhân tạo

Thịt nhân tạo hay còn được gọi bằng nhiều cái tên như thịt tổng hợp, thịt sạch, thịt cấy… là loại thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Theo đó, các tế bào ban đầu, có thể là tế bào gốc, tế bào phôi gốc, tế bào trưởng thành… sẽ được cung cấp protein thúc đẩy phát triển cơ trong môi trường lý tưởng, có đủ năng lượng cần thiết để phát triển thành cơ.

Một khi quá trình đã vào guồng, các tế bào có thể sản sinh bất tận các tế bào mới. Theo một số nhà nghiên cứu, trong điều kiện lý tưởng có thể tạo ra 50.000 tấn thịt chỉ từ 10 tế bào cơ của heo.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : %Israelthịt nhân tạotrung quocUSD

Các tin liên quan đến bài viết