Với trải nghiệm của người đang xây dựng mô hình du lịch kết hợp với giáo dục, tôi xin gửi ý kiến đến diễn đàn, mong được góp tiếng nói cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Thư viện tư nhân – điểm check-in lý tưởng trong du lịch giáo dục
Tác giả Vũ Thị Thanh Tâm là thạc sĩ ngành văn học nước ngoài; sinh tại Đà Lạt, sống tại TP.HCM từ 2004-2020; từng là giảng viên tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, giáo viên tại Trường phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia TP.HCM. Hiện sống tại Đà Lạt, là người sáng lập dự án phát triển văn hóa đọc Ô cửa sách, quản lý thư viện Ô cửa sách (thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng).
Những tiềm năng bị lãng phí trong ngành du lịch – giáo dục ở Đà Lạt
Du lịch học tập tại Dinh 1 – trong khuôn khổ “Liên hoan kể chuyện”, tháng 4-2023. Trong số các khán giả có nhiều du khách ngồi cùng trẻ em địa phương
Tôi là một cư dân Đà Lạt thuộc thế hệ 8X. Tuổi thơ tôi thật yên bình ở thành phố nhiều cây xanh, không khí trong lành và lối sống hiền hòa.
Đà Lạt từng là trung tâm giáo dục của miền Nam với nhiều loại hình đào tạo, các trung tâm văn hóa, viện nghiên cứu, hệ thống thư viện danh giá nhất miền Nam. Nghịch lý thay, một nơi từng là trung tâm giáo dục, nay không còn đủ sức hút với chính con em quê hương mình.
Sau khi tốt nghiệp, dạy học tại TP.HCM, hầu như năm nào tôi cũng theo tour của trường học, cùng học sinh đi tham quan Đà Lạt. Đà Lạt là lựa chọn của rất nhiều trường khi cho học sinh đi du lịch, vì đi lên núi thì an toàn hơn đi ra biển, mà an toàn là yếu tố quan tâm hàng đầu của trường học.
Với Viện Sinh học, Viện Nguyên tử, Đà Lạt là mảnh đất lý tưởng để khám phá khoa học. Ngành nông nghiệp và chế biến phát triển cung cấp ví dụ sinh động cho môn công nghệ. Trong xu thế giáo dục mới, đây cũng là địa điểm thích hợp để tổ chức các dự án môi trường, các dự án xã hội… cho học sinh.
Thế nhưng trái với kỳ vọng của tôi, người Đà Lạt chưa biết dùng tiềm năng cho du lịch giáo dục. Hằng năm, trải nghiệm du lịch cho học sinh chỉ lặp đi lặp lại ở những nơi rộng để đón được nhóm lớn, thu phí ít để phù hợp với học sinh. Hầu như sau chuyến đi, học sinh không học được gì, ấn tượng về Đà Lạt chỉ là khí hậu mát mẻ, xiên nướng bẩn và sự nhộn nhịp của chợ đêm.
Năm 2020, tôi trở về sống tại Đà Lạt. Dẫu vì tình yêu quê mà về, cũng không thể phủ nhận Đà Lạt đã thay đổi theo hướng đáng buồn hơn: Dù Đà Lạt có một di sản văn hóa độc đáo, nhưng sự thâm nhập của văn hóa tiêu dùng và ảnh hưởng từ du lịch hướng tới số đông đã làm mất dần bản sắc một đô thị thơ mộng và thanh lịch.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng gây ra tình trạng mất mảng xanh, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái.
Trong nhiều hướng tận dụng tài nguyên phát triển du lịch Đà Lạt, ở bài viết này, tôi sẽ tập trung vào sự kết hợp của du lịch và giáo dục như một hướng đi bền vững cho ngành du lịch tại địa phương.
Du lịch kết hợp giáo dục: Một hướng đi khả thi và bền vững tại Đà Lạt
Du lịch kết hợp với giáo dục là mô hình du lịch trong đó trải nghiệm của du khách không chỉ dừng lại ở việc tham quan và giải trí, mà còn nhấn mạnh việc học hỏi, tìm hiểu và phát triển kiến thức. Mô hình này có thể được xây dựng trên cơ sở như sau:
1. Trải nghiệm văn hóa và lịch sử: Du khách có cơ hội tìm hiểu sâu về văn hóa, lịch sử và truyền thống của một địa phương thông qua việc tham gia vào các hoạt động truyền thống, tham quan các di tích lịch sử và giao lưu với người dân địa phương.
2. Học hỏi thực tế: Khác với việc học trong môi trường lớp học truyền thống, du lịch giáo dục mang đến cho du khách những buổi học thực tế ngay tại nơi tham quan. Các trường học, viện nghiên cứu, thư viện, viện bảo tàng, nhà vườn, khu sản xuất… tham gia tích cực vào mạng lưới du lịch, cung cấp giáo dục thực nghiệm cho du khách. Một số tour du lịch giáo dục cũng cung cấp các khóa học ngắn hạn hoặc các buổi workshop – nơi du khách có thể học một kỹ năng mới như nấu ăn, đan len, rang xay cà phê… hoặc học nghệ thuật truyền thống của một vùng miền.
3. Tương tác với cộng đồng địa phương: Du khách được giao lưu và trao đổi với người dân địa phương, hiểu về cuộc sống, văn hóa và nền giáo dục của họ, giúp du khách có cái nhìn sâu rộng và đa chiều hơn về một nền văn hóa.
4. Gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Du lịch giáo dục cũng nhấn mạnh vào việc giáo dục du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, giúp họ trở thành những du khách có trách nhiệm và ý thức.
Lợi ích của mô hình du lịch kết hợp giáo dục
Mô hình du lịch kết hợp giáo dục có thể là chiếc chìa khóa mở ra tương lai bền vững cho Đà Lạt, vì giúp giải quyết hầu hết các vấn đề dẫn đến sự lộn xộn của ngành du lịch Đà Lạt hiện tại, đồng thời giúp phát triển ngành giáo dục để tạo đà vững chắc cho thành phố phát triển toàn diện trong tương lai.
Thứ nhất, mô hình này giúp tái khám phá giá trị văn hóa của Đà Lạt và tạo động lực bảo tồn di sản.
Một trong những lý do khiến du lịch Đà Lạt bị thờ ơ gần đây chính là sự phôi pha nét thanh lịch truyền thống. Thông qua việc kết hợp giáo dục, chúng ta có thể tạo ra những trải nghiệm du lịch giáo dục, giúp du khách và học sinh địa phương hiểu rõ và yêu quý giá trị văn hóa, lịch sử của Đà Lạt.
Những hoạt động như tham quan các di tích lịch sử, tổ chức các buổi học về văn hóa truyền thống và thực hành nghệ thuật địa phương sẽ giúp tái khẳng định vị thế văn hóa của Đà Lạt trong lòng du khách.
Các ban ngành, các tổ chức tại địa phương cũng sẽ thấy rõ “di sản là tài sản, biết tận dụng và khai thác di sản thì sẽ tạo ra ngày càng nhiều tài sản”, từ đó sẽ không còn những suy nghĩ như là phá bỏ di sản để lấy đất làm khách sạn nữa, vì nếu biết khai thác thì di sản giúp thu lợi nhiều hơn khách sạn.
Thứ hai, mô hình này giúp cải thiện chất lượng giáo dục của địa phương thông qua trải nghiệm thực tế của học sinh:
Việc kết hợp du lịch với giáo dục sẽ tạo ra một môi trường học tập linh hoạt, thực tế và sáng tạo. Thay vì chỉ học lý thuyết trong lớp, học sinh sẽ được trải nghiệm trực tiếp, tham gia vào quá trình hướng dẫn du khách, thực hiện các dự án bảo vệ môi trường và tham gia vào các hoạt động nghệ thuật.
Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng thực tế mà còn giúp họ yêu quý và tự hào về văn hóa và lịch sử của mình. Tình trạng “chảy máu chất xám” khỏi địa phương sẽ được cải thiện khi ngay trên ghế nhà trường, học sinh đã biết rằng tương lai mình có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương theo những cách thức nào?
Thứ ba, mô hình này giúp bảo vệ môi trường sinh thái:
Khi du lịch và giáo dục đi cùng nhau, việc giáo dục về bảo vệ môi trường trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Du khách và học sinh sẽ được học cách bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thực tế như trồng cây, thu gom rác và tham gia các chương trình tái chế. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp phục hồi hình ảnh của Đà Lạt trước du khách và cộng đồng quốc tế.
Thứ tư và quan trọng nhất, mô hình này giúp nâng cao chất lượng sống của dân địa phương, tạo nguồn thu bền vững cho nhiều thành phần cư dân:
Với mô hình du lịch giáo dục, nhiều cư dân địa phương có thể tham gia vào ngành du lịch: trí thức, nhà nghiên cứu, nhà sư phạm trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch giáo dục theo ngành của mình; nông dân và người chế biến trở thành chuyên gia khi du khách đến vườn, đến xưởng; học sinh sinh viên cũng trở thành đại sứ du lịch của địa phương; các mô hình du lịch như workshop, farmstay, salon văn hóa, thư viện tư nhân… sẽ yên tâm phát triển.
Những việc cần làm ngắn hạn và dài hạn để phát triển du lịch giáo dục
Học sinh học về rau và dược tính của rau tại Ô cửa sách
Xây dựng một thành phố du lịch giáo dục đòi hỏi sự kết hợp giữa chiến lược dài hạn, sự hợp tác giữa nhiều bên liên quan. Trong đó, có những việc quan trọng cần làm:
Ngắn hạn: Tiến hành khảo sát để hiểu rõ nhu cầu và kỳ vọng của du khách cũng như học sinh địa phương về du lịch giáo dục. Tổ chức các tour du lịch giáo dục thử nghiệm để thu thập phản hồi và cải tiến.
Dài hạn: Cần xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện ích: Khôi phục những di tích cũ và xây dựng địa điểm mới: bảo tàng, thư viện, trung tâm học thuật, khu vực hội nghị. Đồng thời cũng phải tạo ra các khu vực nghỉ dưỡng, ăn uống và giải trí phù hợp với đối tượng, mục tiêu.
Cần hợp tác chặt chẽ giữa các trường học, trường đại học, viện nghiên cứu và ngành du lịch. Kết nối với các tổ chức giáo dục và du lịch quốc tế để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Cần đào tạo nhân viên trong ngành du lịch về du lịch giáo dục và đào tạo nhà giáo dục tham gia mô hình này.
Nguồn: tuoitre.vn