Sự xuất hiện của những khách mời đặc biệt cho thấy tham vọng của nước Nhật trong việc biến thượng đỉnh G7 thành một diễn đàn có tiếng nói trọng lượng trong các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp tháng 11-2021 tại Tokyo - Ảnh: AFP

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp tháng 11-2021 tại Tokyo

Ý tưởng tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh mở rộng bên cạnh hội nghị thượng đỉnh đã được đưa ra vào năm 2000 tại Nhật Bản và thành thông lệ từ đó đến nay.

Năm nay, lãnh đạo tám quốc gia và sáu tổ chức quốc tế đã nhận lời mời đến Nhật Bản dự hội nghị G7 mở rộng. Con số này không chỉ nhiều hơn năm ngoái mà thành phần cũng đa dạng hơn.

Thông điệp hòa bình, đa phương

80% nạn nhân sống sót sau hai vụ ném bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945 đã ủng hộ ý tưởng chọn Hiroshima là nơi tổ chức hội nghị. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố bị ném bom nguyên tử đăng cai sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của G7.

Việc chọn Hiroshima làm nơi tổ chức khiến nhiều người cho rằng hội nghị năm nay chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh, xung đột trong quan hệ quốc tế.

Trong bài viết hồi tháng 4-2023, giáo sư Yuichi Hosoya (Đại học Keio, Nhật Bản) đã kêu gọi Tokyo chú ý hơn đến mối quan tâm của các nước khi cho rằng: “Nhật Bản nên nỗ lực để hiểu chính xác những gì mỗi quốc gia đang tìm kiếm, công nhận sự đa dạng của cộng đồng quốc tế và có những đóng góp cụ thể”.

Trên thực tế các phòng họp của G7 sẽ bàn về nhiều vấn đề sau phiên khai mạc vào ngày mai 19-5. Trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng là những nội dung nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo G7.

Nhật Bản cũng đưa ra ba chủ đề thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra một ngày sau đó. Thứ nhất, “Hợp tác xử lý đa khủng hoảng” sẽ tập trung vào lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới.

Thứ hai, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” sẽ bàn về khí hậu, môi trường, năng lượng. Và cuối cùng là “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” sẽ dành cho các vấn đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác đa phương.

Những chủ đề cho thấy mong muốn ưu tiên của Nhật Bản, theo tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng (khoa quan hệ quốc tế Trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM). Đó là các nước phải cùng nhau ngồi lại, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

“Hơn nữa trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương bị hoài nghi về tính hiệu quả, Tokyo mong muốn hội nghị lần này sẽ chứng minh tầm quan trọng và tính chất dẻo dai của chủ nghĩa đa phương trong việc giúp giải quyết các thách thức chung trên phạm vi toàn cầu”, ông Sáng nhận xét với Tuổi Trẻ.

Vị thế của Việt Nam

Đây là lần thứ ba Việt Nam được mời dự thượng đỉnh G7 mở rộng. Lần đầu tiên vào năm 2016, cũng là năm Nhật Bản làm chủ tịch luân phiên. Sự kiện đó đã mở đường cho Canada mời Việt Nam đến hội nghị G7 mở rộng năm 2018.

Lời mời năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này không chỉ cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản mà còn của cả G7 đối với vị thế ngày càng tăng của nước ta.

Theo ông Sáng, Nhật Bản nhìn thấy ở Việt Nam hình ảnh của một “quốc gia tầm trung có đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển của ASEAN và là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Vai trò của Việt Nam ngày càng nổi bật vì ít nhất hai điều. Thứ nhất, Việt Nam giữ vai trò cầu nối cho các cường quốc hội nhập với khu vực Đông Nam Á và thúc đẩy quan hệ với ASEAN.

Thứ hai, Việt Nam có nhiều sáng kiến thúc đẩy vai trò trung tâm và tính linh hoạt của ASEAN, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng như đại dịch COVID-19.

“Theo tôi, Nhật Bản hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp ý nghĩa trên và hơn hết, đảm nhận vai trò “cầu nối hòa bình” cho ASEAN và các nước bên ngoài khu vực (bao gồm Nhật Bản), đồng thời lan tỏa tinh thần của G7 đến với các nước trong ASEAN”, ông Sáng nhận định.

Chuyên gia này cũng lưu ý về phương diện quan hệ cá nhân. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng khẳng định Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo chính phủ nước ngoài đầu tiên mà ông đón tiếp sau khi nhậm chức.

Nếu Thủ tướng Kishida gọi Thủ tướng Phạm Minh Chính là “người bạn thân thiết lâu năm”, đồng thời nhấn mạnh khả năng hợp tác với Việt Nam là “không có giới hạn”, thì Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển theo quỹ đạo “chân thành, tình cảm, tin cậy”.

Vì những lẽ đó, ông Sáng tin rằng Việt Nam “đang và sẽ tiếp tục có tầm quan trọng, cả về quan hệ song phương với Nhật Bản và tầm nhìn thúc đẩy quan hệ với ASEAN của quốc gia Đông Bắc Á này”.

Thủ tướng dự hội nghị tại Nhật từ 19 đến 21-5

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự hội nghị thượng đỉnh mở rộng G7 và làm việc tại Nhật từ ngày 19 đến 21-5.

Ông sẽ dự tất cả các phiên thảo luận về ba chủ đề được Nhật Bản đề xuất. Bên lề hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, trao đổi song phương với nhiều lãnh đạo quốc gia và tổ chức quốc tế khác.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : G7thượng đỉnh G7

Các tin liên quan đến bài viết