Ngày 19-6-2017, Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Tư pháp Singapore K. Shanmugam cho biết trong năm tới, nước này nhiều khả năng sẽ công bố luật chống tin tức giả mạo vì tính chất nguy hiểm của vấn đề này. Theo đó, Singapore sẽ tập trung vào các nền tảng công nghệ để giúp người dân nhận diện tin giả mạo và loại bỏ tin tức giả mạo. Theo một khảo sát do Chính phủ Singapore thực hiện trong tháng 5 vừa qua, có hơn 90% người được hỏi ủng hộ việc tăng cường luật pháp để gỡ bỏ hoặc hiệu chỉnh tin tức giả mạo. Trên cơ sở đó, trong 6 tháng cuối năm 2017, Chính phủ Singapore sẽ tham vấn các bên liên quan để xây dựng Luật Chống tin tức giả mạo và có thể ban hành luật này vào năm 2018.
Không riêng gì Singapore, tin tức giả mạo đang khiến nhiều chính phủ, trong đó có Việt Nam phải đau đầu. Trước đó, hồi tháng 4, nước Đức cũng đã công bố dự thảo Luật Chống tin giả và phát ngôn gây thù ghét. Dự thảo luật này đề nghị mức phạt lên tới 50 triệu euro với Facebook và Twitter nếu các trang mạng xã hội này không xóa tin tức giả và phát ngôn gây thù hận trong vòng 24 giờ. Một số nước ở châu Âu cũng đã thực hiện nhiều biện pháp chống tin giả, trong đó Cộng hòa Séc đã thành lập một lực lượng đặc biệt chuyên xử lý các thông tin giả mạo.
Facebook, Google phối hợp với truyền thông Pháp chống tin giả mạo – Ảnh internet
Có thể thấy những thông tin giả mạo được đăng tải đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm cho xã hội bất ổn, tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của các quốc gia. Nhìn ra thế giới, hẳn nhiều người còn nhớ trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ năm 2016, giới truyền thông mạng, đặc biệt là Twitter và Facebook đã bị cáo buộc đăng những thông tin giả mạo về 2 ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton. Nhiều người cũng đã đặt câu hỏi về tính minh bạch của kết quả cuộc bầu cử này. Còn tại Việt Nam, với hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm khoảng 37% số dân cả nước với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày, mạng xã hội không chỉ trở thành “thiên đường” của những kẻ cơ hội, phản động chống phá Đảng, Nhà nước mà cả với những người thiếu ý thức, vô tình trở thành kẻ phá hoại, tội phạm. Còn nhớ vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 29-7-2016 đã xảy ra sự cố phát tán thông tin xấu tại màn hình trong khu vực làm thủ tục lên máy bay của Hãng hàng không Vietjet tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Các màn hình của sân bay đã bị chèn những hình ảnh và nội dung câu chữ xúc phạm Việt Nam và Philippines, xuyên tạc các nội dung về biển Đông. Hệ thống phát thanh của sân bay cũng phát đi những thông điệp tương tự. Ngay sau đó, các thông tin có nội dung giả mạo, xuyên tạc đã bị ngăn chặn kịp thời. Rồi cuối tháng 10-2016, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số thông tin bịa đặt về việc Việt Nam sẽ đổi tiền, khiến nhiều người dân đổ xô đi rút hết tiền để mua vàng, ngoại tệ, gây mất ổn định về an ninh tài chính, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt những kẻ phản động còn giả mạo dựng trang web của các đồng chí lãnh đạo cấp cao và đăng thông tin xuyên tạc, độc hại trên đó, làm cho nhiều người không biết thật giả thế nào.
Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), 78% người được hỏi tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội hoặc biết những trường hợp tương tự. Mạng xã hội đã và đang tạo ra sân chơi lớn cho công dân toàn cầu, song cũng đang trở thành công cụ miễn phí cho bất kỳ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực, thù hận đối với cá nhân và tổ chức. Không ít người, đặc biệt là giới trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi của mình. Chỉ cần một đoạn clip, hình ảnh hay câu nói đáng chú ý bị tung lên mạng xã hội, nhân vật chính trong đó sẽ phải hứng chịu hàng tấn “gạch đá” của những “anh hùng bàn phím”. Đã có nhiều nữ sinh chưa đến tuổi thành niên bị bạn trai tung clip sex lên mạng xã hội, hoặc bị bạn bè bịa chuyện bêu xấu trên mạng và bị khủng bố tinh thần đã tìm đến cái chết. Do sức lan tỏa của mạng nhanh tới mức chóng mặt nên rất nhiều người bị cuốn hút vào một sự việc và không ngần ngại đưa ra những bình luận ác ý mà không cần biết đúng, sai và gây hậu quả nghiêm trọng thế nào.
Tại Việt Nam, những phát ngôn gây thù ghét xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức. Theo kết quả khảo sát của VPIS, trong các nội dung phát ngôn gây thù ghét, 61,7% người dùng mạng xã hội đã từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỷ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%. Trước thực trạng này, ngày 12-4-2017, VPIS đã phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin – Truyền thông cùng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đồng tổ chức hội thảo chủ đề “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”. Hội thảo là diễn đàn mở chính thức đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề liên quan đến những phát ngôn gây thù ghét với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, học giả trong nước và quốc tế. Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội cùng thảo luận, tìm ra giải pháp khả thi, hướng tới xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn và công bằng cho người sử dụng.
Nguyên Thủy