Lẽ ra chỉ cần gõ tìm trên Google một cụm từ ‘ruộng bậc thang’ thì ngay lập tức có tất tần tật thông tin chi tiết, đằng này lại tìm mỏi mắt cũng không ra những thông tin mình cần.
“Lẽ ra tôi chỉ cần gõ tìm trên Google một cụm từ ‘ruộng bậc thang’ thì ngay lập tức thông tin chi tiết về tất tần tật các thứ liên quan đến du lịch ngắm ruộng bậc thang ở Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… sẽ ập vào trang cá nhân của tôi. Đằng này, tìm mỏi mắt cũng không ra những thông tin mình cần”.
Trên đây là lời than của Tuấn, một nhân vật mới sắm một dàn máy ảnh bán chuyên cao cấp, tập tễnh bước chân vào con đường chụp phong cảnh, và anh muốn mở màn bằng chuyến đi đến các vùng nổi tiếng về ruộng bậc thang như Hoàng Su Phì (Hà Giang), Y Tý (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái)…
Lúc ấy là vào đầu tháng 9-2020, thường được xem là mùa lúa chín ở những địa danh vừa kể. Nhưng làm gì có chuyện năm nào cũng đúng y bon ngày ấy tháng ấy thì lúa sẽ chín vàng. Vì vậy, Tuấn hỏi các nhiếp ảnh gia, nhà báo, người tổ chức du lịch… nhưng mỗi người trả lời một phách.
Lại khen người Nhật!
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân kể rằng: “Cách đây vài năm, tôi có đi Nhật một chuyến để chụp ảnh mùa hoa đào. Nói thật là không thể nào chê được cách họ thông tin đến cho tất cả mọi người, cả du khách Nhật cũng như nước ngoài. Đó là ngày hôm nay thì hoa đào ở tỉnh này bắt đầu nở, ngày mai thì tỉnh kia, mốt thì tỉnh nọ…
Và đâu chỉ thế, họ còn thông tin chi tiết là tỉnh này mai hoa đào bắt đầu nở bao nhiêu phần trăm, mốt bao nhiêu phần trăm… Bởi du khách thì có người thích đào bắt đầu nở lác đác, người thích nở rộ. Rồi cả dự báo thời tiết cho từng vùng cũng rất chi tiết nữa. Dựa vào những thông tin đó, du khách sẽ lên kế hoạch cho chuyến đi, chuẩn bị trang phục phù hợp”.
Câu chuyện của anh Hoàng Thạch Vân kể tôi đã được nghe cách đây cả chục năm từ Huỳnh Huy Tuệ, điều phối viên của tổ chức phi chính phủ Cầu Châu Á – Nhật Bản (BAJ): “Có không ít gia đình dựa theo thông tin chi tiết về lịch nở của hoa đào để đi theo, thực hiện chuyến đi gần cả tháng trời, hết sức thú vị”.
Trở lại với câu chuyện ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc, sự hấp dẫn của nó không chỉ ở mỗi mùa lúa chín vàng. Có người muốn ngắm cảnh ruộng bậc thang bắt đầu đổ nước, mà nếu hỏi thì ngay chính người bản địa cũng nói chung chung là khoảng tháng 5, tháng 6.
Người thì thích lúa mới ngả vàng, vẫn còn màu xanh của lá, lại nghe khuyên vào dịp đầu tháng 9. Người thích chứng kiến cảnh bà con thu hoạch thì nghe khuyên cứ đến vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Cái thời gian áng chừng như thế nó cực khó đối với dân du lịch đi khám phá theo chủ đề.
Phát triển quảng bá qua web, mạng xã hội
Khi nghe lời than của Tuấn như trên, tôi thử tìm vào các trang web của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Hà Giang (svhttdl.hagiang.gov.vn), trang của Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Giang (discoverhagiang.com) và hàng loạt trang của các công ty du lịch thì đều thấy khá chung chung.
Đánh giá một cách thật công bằng, hai trang của Sở VH-TT&DL và Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Giang cũng khá hấp dẫn khi có nhiều bài viết về lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp của những địa danh nổi tiếng tỉnh nhà; song cập nhật thông tin cần thiết như cách mà người Nhật làm với mùa hoa đào của họ thì chưa có.
Xét về lý, chỉ có hai trang này làm được nếu có một sự gắn kết thật sự với địa phương cấp thôn bản, huyện xã. Ví dụ, có khó gì nếu Bản Phùng – một nơi rất nổi tiếng ở Hoàng Su Phì – cung cấp thông tin cho hai trang web của Sở VH-TT&DL và Trung tâm Xúc tiến du lịch rằng với thời tiết năm nay thì sẽ đổ nước ngày nào, lúa chín ngày nào, thu hoạch ngày nào…
Khi ấy, du khách ở TP.HCM – một thị trường tiềm năng đối với các điểm du lịch trên cả nước nói chung, Đông Bắc, Tây Bắc nói riêng – sẽ dễ dàng tra cứu thông tin và lên lịch chuẩn xác để xách balô lên đường.
Hơn ai hết, ngành du lịch VN đã chứng kiến quá nhiều bài học xương máu do việc chậm thay đổi cách thức quảng bá du lịch. Tháng 9 năm ngoái, dân làm du lịch trên thế giới choáng váng với cái chết của công ty lữ hành lừng danh Thomas Cook.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, một trong những lý do dẫn đến sự phá sản của Thomas Cook là do không chuyển đổi kịp theo thời thế, khi bây giờ người ta chỉ cần ngồi bất cứ đâu cũng tìm hiểu, lên kế hoạch du lịch cho mình qua chiếc smartphone, thì ông lớn này vẫn còn tốn hàng núi tiền cho những văn phòng hoành tráng đặt tại những đại lộ đắt đỏ. Hay các thể loại dịch vụ đặt phòng khách sạn của các công ty du lịch chết đứ đừ với những Agoda, Booking…
Muốn liên kết vùng thành công, chính các cơ quan làm du lịch phải nhanh chóng chuyển mình, không để lạc hậu trong một xã hội mà giờ đây chỉ cần “lộ mình” một chút trên mạng xã hội là quảng cáo ập đến như thác đổ.
Ví dụ, chỉ cần like một tấm ảnh đẹp về ruộng bậc thang thì ngay lập tức thông tin về các loại tour đi Đông Bắc, Tây Bắc ập vào. Tuy nhiên, các thông tin đó chưa đủ, đặc biệt với du khách tự thân vận động. Chúng ta đang rất sính nói về 4.0, nhưng xem ra với 3.0 vẫn còn hết sức ì ạch!
Mời tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn hiến kế trực tuyến liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế “With COVID-19” (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: hienkedulich@tuoitre.com.vn.
Nguồn: tuoitre.vn