Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần công bố công khai điểm số, thậm chí toàn văn các bài thi đạt giải của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để học sinh, giáo viên được học hỏi, đặc biệt tránh những suy nghĩ về việc thiếu minh bạch.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Quốc Vương, một nhà nghiên cứu về giáo dục lịch sử đề nghị công bố công khai trên website các bài thi đạt giải Nhất, Nhì, Ba quốc gia, đặc biệt là các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý mỗi năm.
“Chỉ cần công bố đề thi, bài làm các môn Nhất, Nhì, Ba ở kỳ thi cấp quốc gia rộng rãi, chúng ta sẽ biết kỳ thi có đang chọn ra được những học sinh có năng khiếu và việc luyện thi học sinh giỏi cũng như giáo dục nói chung có đang thực hiện tốt “bồi dưỡng nhân tài” hay không”.
Ông Vương cho hay, trước đây mà cụ thể là khoảng trước những năm 2000, ông vẫn thấy những tập in các bài học sinh đạt giải quốc gia môn Ngữ văn và Lịch sử nhưng gần đây chỉ còn thấy “tuyển” các bài văn được giải mà thôi. Tức môn Lịch sử “vắng bóng”, còn Văn thì cũng không công bố tất cả các bài được giải.
“Tôi nghĩ phải chăng là vì nó chán và lặp đi lặp lại như sách giáo khoa, nhất là ở các môn Lịch Sử và Địa lý nên người ta không công bố?”.
“Tôi không phải giáo viên dạy Văn nhưng lướt qua các đề thi tôi thấy kỳ lạ là sao trong đề thi học sinh giỏi-tức là nhắm vào phát hiện năng khiếu, nhân tài mà lại chỉ có nội dung liên quan đến “tiếng Việt” và “bình giảng”, “phân tích” tác phẩm văn học hay văn bản mà không hề có câu nào về “sáng tác” nhỉ? Trong khi sáng tác quan trọng và cũng thú vị hơn nhiều. Người có năng khiếu văn chương đối với sáng tác hay không thì viết một tác phẩm nhỏ thôi cũng có thể thấy được điều đó mà”.
‘Rất khó hiểu’
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, việc Bộ GD-ĐT công bố danh sách học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022 mà không bố điểm thi (chỉ công bố giải) là việc làm dễ gây suy nghĩ thiếu minh bạch.
Theo thầy Hiếu, Bộ GD-ĐT cần khắc phục ngay thiếu sót này bằng việc sớm cụ thể hóa danh sách chung toàn quốc gửi về các địa phương. Bộ GD-ĐT cũng nên trả lời công khai trước dư luận lý do của việc này.
“Trong thi cử, chuyện đỗ hay trượt là rất bình thường, phụ thuộc vào chất lượng bài làm của mỗi thí sinh. Công bố điểm thi sẽ giúp cho các thí sinh biết được phần nội dung, kiến thức bài làm của mình đang ở mức nào tương xứng điểm bài thi.
Trong thi học sinh giỏi quốc gia, việc chênh nhau chỉ cần 0,25 thôi cũng đã quyết định chất lượng giải giữa các thí sinh với nhau trong cùng 1 môn thi”, thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu cho hay, thực tế nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đáp án của các môn thi khoa học xã hội.
“Đọc kỹ đáp án của đề thi sau quá trình chấm thi, dù đó là kỳ thi ở cấp độ nào cũng là một cách học kiến thức và kỹ năng làm bài thi. Ý nghĩa của việc đọc và học từ đáp án chấm đó không chỉ có tác dụng với học sinh sau khi thi mà còn có ích về chuyên môn với các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi”, thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu nói đã nhiều lần gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
“Tôi từng đề xuất nhiều lần với lãnh đạo Bộ GD-ĐT rằng nên công bố công khai trên các kênh chính thống một số bài thi của các thí sinh đạt giải cao. Đây là một việc làm cần thiết để thầy cô giáo đang giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi và các em học sinh có thể đọc và học cách làm một bài thi chất lượng, đạt điểm cao. Nhưng rốt cuộc thì đâu vẫn vào đó. Rất khó hiểu”, thầy Hiếu chia sẻ.
Thầy giáo này đặt vấn đề: “Bài thi đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của các thí sinh liệu có phải là tài liệu nằm trong danh mục “bí mật quốc gia” không? Rất mong Bộ GD-ĐT có quan điểm rõ ràng và minh bạch về vấn đề này. Nếu thiếu sót thì cần bổ sung, để mọi cuộc thi luôn công bằng, sòng phẳng, minh bạch và hạn chế đến mức thấp nhất yếu tố gian lận nếu có trong 1 kỳ thi”.
Trong khi đó, phản hồi bài viết ‘Bất ngờ không công bố điểm thi học sinh giỏi quốc gia, Bộ GD-ĐT nói gì?’, độc giả Nguyen Minh Tien viết: ‘Chúng tôi dạy đội tuyển nhưng chưa bao giờ thấy đáp án của Bộ’.
Điều này được nhiều giáo viên dạy đội tuyển xác nhận. Một giáo viên chuyên Toán ở Hà Nội cho biết, thậm chí có năm đề thi học sinh giỏi quốc gia còn bị thu lại, và ‘đáp án thì chưa bao giờ được công bố’.
Trong khi mới cách đây vài ngày, đề thi chọn đội tuyển Toán IMO của Trung Quốc được đăng tải và nhận được nhiều quan tâm, thì nhiều giáo viên dạy đội tuyển cho biết chưa từng nhìn thấy đề thi TST – đề thi chọn đội tuyển IMO của Việt Nam.
‘Có lẽ chỉ có ở Việt Nam là … giấu’ – một thầy giáo nói và dẫn chứng không chỉ IMO mà các kì thi Toán quốc gia của Anh, Áo, Nga… đều công khai đề thi, đáp án, điểm số và cả thứ hạng của thí sinh. Vì thế, nếu cho rằng không công khai điểm thi và tên của thí sinh là tiến bộ thì chưa thuyết phục. Bên cạnh đó, đáp án không được công khai cũng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch.
Được biết, năm nay kết quả thi các môn Ngoại ngữ được tách riêng. Trong khi kết quả thi học sinh giỏi Toán, Văn, Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh, Tin học được bỏ trống ở ô điểm thi, thì ở bảng kết quả của các môn Ngoại ngữ lại có điểm của từng kĩ năng, nhưng bỏ trống ở ô tổng điểm.
Nguồn: vietnamnet