Trước tốc độ lây lan của biến thể Delta và lo ngại những người mắc phải dễ trở nặng hơn, nhiều nước đã tăng tốc truy vết, xét nghiệm và tiêm ngừa vắc xin cho người dân. Mỗi nơi mỗi cách, trong đó Trung Quốc được xem là quyết liệt hơn cả.
Biến thể Delta ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ vào cuối năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 90 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ấn Độ là nơi có nhiều bệnh nhân mắc biến thể Delta nhất, kế đến là Vương quốc Anh (nơi ghi nhận biến thể này vào tháng 4).
Trung Quốc thắng Delta
Sự xuất hiện của biến thể Delta tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (cửa ngõ để vào Trung Quốc) vào cuối tháng 5 khiến giới chức lo lắng. Giới chức Quảng Châu đã tập trung nguồn lực dập dịch quyết liệt.
Ngày 28-6, trải qua đúng 1 tháng 7 ngày, Quảng Châu ghi nhận một cột mốc quan trọng: tất cả bệnh nhân mắc biến thể Delta ở thể nặng đã hồi phục và xuất viện. Thành phố 15 triệu dân trải qua 9 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới và hiện chỉ còn 58/153 bệnh nhân đang dương tính, theo Nhật báo Quảng Châu.
Ông Chung Nam Sơn – chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc và có kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003 – cho rằng có 5 điểm giúp Quảng Châu nhanh chóng khống chế được dịch. Đầu tiên là nhanh chóng xác định chuỗi lây nhiễm và truy vết. Ngay trong ngày đầu tiên, thành phố này đã xác định được F0 là một phụ nữ 75 tuổi và các trường hợp tiếp xúc.
Ghi nhận các đặc điểm của biến thể Delta, chính quyền thành phố tái định nghĩa “tiếp xúc gần”, xem tất cả những người ở trong cùng không gian, tòa nhà trong vòng 4 ngày trước khi ca bệnh có triệu chứng là người có tiếp xúc gần. Định nghĩa tiếp xúc gần trước đó chỉ giới hạn trong thời gian 2 ngày và gồm những người gặp bệnh nhân trong bán kính dưới 1m.
Chính quyền phong tỏa cục bộ một số khu vực và đóng cửa các loại hình dịch vụ không thiết yếu. Những người đã đến khu vực có nguy cơ cao hoặc ở trong bán kính 250m với ca bệnh cũng được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm.
Tần suất xét nghiệm được nâng từ 2 xét nghiệm trong 3 ngày lên 3 xét nghiệm trong vòng 7 ngày. Thông qua các biện pháp xét nghiệm diện rộng, Quảng Đông đã xác định được 167 ca dương tính trên toàn tỉnh, trong đó có 53 ca không có triệu chứng vào thời điểm lấy mẫu.
Để giảm nguy cơ lây lan ra các khu vực khác, chính quyền Quảng Châu và Phật Sơn yêu cầu những người rời khỏi địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 tiếng. Ngày 7-6, yêu cầu này được giảm xuống còn 48 tiếng và hiện chưa có ca mắc biến thể Delta nào được ghi nhận bên ngoài Quảng Đông.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Delta vẫn gây nguy hiểm với những người đã được tiêm 1 liều vắc xin. Khả năng cao biến thể này sẽ nhắm tới những người trẻ, đối tượng chưa tiêm vắc xin trong mùa hè này.
Ông Andrea Ammon (giám đốc CDC châu Âu)
Sợ biến thể Delta, vội vã đi tiêm chủng
Mặc dù đại dịch đang chậm lại trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo đây chưa phải là lúc các quốc gia ngủ quên trên chiến thắng vì sự xuất hiện của biến thể Delta.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Âu cảnh báo số người mắc biến thể Delta có thể chiếm tới 90% tổng số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu vào tháng 8 tới. Đây thực sự là một cảnh báo khiến nhiều nước lo ngại.
Trong khi tiếp tục nới lỏng có điều kiện, một số quốc gia như Anh và Ireland bắt đầu đẩy nhanh việc xét nghiệm và tiêm chủng. Tại Ireland, các phương pháp xét nghiệm chuyên biệt chỉ để dò tìm biến thể này đang chuẩn bị được khởi động.
Chính quyền cũng được đề nghị nên bật đèn xanh cho các nhóm đã tiêm 1 liều vắc xin AstraZeneca được tiêm liều thứ hai là vắc xin dựa trên công nghệ mRNA, theo tờ Independent của Ireland. Phương pháp này được tin rằng sẽ giúp cơ thể có phản ứng miễn dịch mạnh hơn trước sự xâm nhập của mầm bệnh.
Tại Anh, theo báo The Guardian, số ca mắc biến thể Delta đã chiếm tới hơn 95% trong tổng số 100.000 ca mới trong tuần qua. Mặc dù số ca mắc biến thể Delta tăng, giới chức y tế Anh khẳng định vắc xin thực sự có hiệu quả trong việc giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Theo Cơ quan y tế công cộng Anh, trong tổng số 1.320 người nhập viện do nhiễm biến thể Delta tính đến ngày 21-6, có tới 1.108 người (hơn 80%) chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm một mũi. Những con số được chính quyền công bố đã đẩy nhu cầu tiêm vắc xin tăng vọt, theo ông Kevin Fenton – một quan chức y tế của thành phố London.
Nhiều người trẻ đã đổ xô đi tiêm vắc xin sau khi biến thể Delta xuất hiện và tin rằng việc tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp họ tham gia các hoạt động giải trí thoải mái hơn.
Tại Ý, chiến dịch tiêm chủng vẫn được đẩy mạnh sau khi chính quyền tuyên bố 20/20 vùng của nước này là “vùng trắng” COVID-19 kể từ ngày 28-6. Việc đeo khẩu trang không còn là điều bắt buộc ở những địa điểm công cộng sau ngày này. Số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đã giảm mạnh trong vài tuần trở lại đây tại Ý, nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta khiến chính quyền Rome thận trọng.
Đức cũng bị ảnh hưởng bởi biến thể Delta với việc Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo nước này đang ở trên “một tảng băng mỏng”. Biến thể Delta tiếp tục được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu vắc xin tăng vọt ở Đức, theo Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn.
Ông Spahn thông báo nhu cầu vắc xin tại nước này đã tăng vọt và hiện đang trong tình trạng cầu vượt cung. Ông Spahn cam kết chính phủ sẽ phân bổ hàng triệu liều trong đầu tháng 7, hướng tới việc tiêm vắc xin cho người qua đường ngay trên đường phố hoặc các cơ sở tôn giáo trên khắp nước Đức.
Không nên cách ly ở khách sạn?
Theo chuyên gia Chung Nam Sơn, trong tương lai Trung Quốc nên chấm dứt việc cách ly ca nghi nhiễm trong khách sạn bởi biến thể Delta có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhiều. Chính quyền Quảng Châu dự định sẽ xây trung tâm cách ly quy mô tới 25ha, với 5.000 chỗ cách ly riêng biệt, để ngăn chặn lây nhiễm do cách ly không đúng cách tại khách sạn.
WHO: biến thể Delta vượt trội các biến thể trước
Giới chức y tế Anh tiếp tục cảnh báo người dân về biến thể Delta, đang chiếm 95% ca bệnh mới ở nước này
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta, phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, vượt trội so với các biến thể trước, dễ lây lan hơn, làm tăng số ca nhập viện cũng như tăng nguy cơ tử vong.
Mới nhất, theo kênh 9News, ông Mike Ryan – giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO – ngày 26-6 nhận định biến thể Delta đã đột biến và “vượt trội so với các biến thể trước”.
“Virus có thể xâm nhập tế bào người dễ hơn và chỉ cần một lượng virus ít hơn các biến thể trước để có thể gây bệnh”, ông Ryan cho biết.
Ông Ryan cho rằng cần nghiên cứu thêm về biến thể Delta. Theo ông Ryan, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về liều lượng gây bệnh của virus ban đầu và các biến thể mới này.
Một ngày trước đó, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, cho biết Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể được xác định cho tới nay. “Biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng trong các nhóm chưa được tiêm chủng” – ông Tedros nói thêm.
WHO đã bắt đầu thấy sự lây lan gia tăng trở lại khi một số quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Theo ông Tedros, điều này cũng đồng nghĩa với số ca nhập viện nhiều hơn và tăng nguy cơ tử vong.
Tổng giám đốc WHO khẳng định thế giới có thể ngăn sự xuất hiện của các biến thể bằng cách ngăn chặn sự lây nhiễm bởi vì càng lây nhiễm, virus sẽ càng tiến hóa và xuất hiện thêm nhiều biến thể.
Theo kênh CNBC, các nghiên cứu về biến thể Delta đều ghi nhận biến thể này dễ lây hơn 60% và tăng gấp đôi nguy cơ phải nhập viện so với biến thể Alpha (phát hiện lần đầu tiên ở Anh).
Nguồn: tuoitre.vn