Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đã xác định việc thí điểm từng bước nhất thế hóa chức danh cán bộ.
Tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã; góp phần đúc kết những bài học thực tiễn để cùng toàn Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.
Ban Biên tập Tạp chí Khoa học thời đại giới thiệu loạt bài viết về việc thực hiện thí điểm mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp xã ở tỉnh Bình Phước của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh để bạn đọc tham khảo.

Kỳ 4: Một vài kiến nghị về giải pháp chủ yếu thực hiện mô hình Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Thứ nhất, xây dựng tiêu chuẩn Bí thư Đảng ủy cấp xã đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị; phù hợp với tình hình địa phương và xu thế nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

Ngay sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh giành được độc lập. Trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo và quản lý. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có những bất cập, chồng chéo trong việc lãnh đạo, điều hành, quản lý xã hội. Vì vậy, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, làm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện có hiệu quả cao nhất trong cuộc sống, phát huy cao độ vai trò của Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội, sức mạnh của quần chúng nhân dân và tiềm năng của đất nước. Qua đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thực hiện “từng bước nhất thể hoá chức danh cán bộ” ở cơ sở là một bước quan trọng trong quá trình đổi mới nói trên; đồng thời, là “bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở”. Điều đó thể hiện sự nhất quán về nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.

Việc thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, gắn quyền lực của người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Đảng cầm quyền với người đứng đầu chính quyền  ở địa phương, tạo nên sự kết hợp của quyền lực trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước ở địa phương.

Người đứng đầu tổ chức Đảng ở địa phương đồng thời là người nắm chức danh đứng đầu cơ quan hành pháp của địa phương là sự tích hợp quyền lực và trách nhiệm ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau trong một con người.

Qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy, về khách quan, đây là một mô hình thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên trong nhận thức và tổ chức thực hiện vẫn còn sự vướng mắc, nhất là việc phân biệt ranh giới giữa hai cương vị Bí thư và Chủ tịch trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động ở cấp xã; mặt khác, về chủ quan, vai trò của cá nhân trong phương pháp lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, cơ chế tổ chức để hỗ trợ cá nhân thực hiện nhiệm vụ cũng còn những hạn chế nhất định cần được khắc phục để từng bước thực hiện mô hình này ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, phải chú ý nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng uỷ và của cấp uỷ cấp trên trong giám sát, kiểm tra thường xuyên, nắm bắt tình hình và có sự giúp đỡ kịp thời.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố trực tiếp quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng” (1). Vì vậy, việc xây dựng và nâng cao năng lực cán bộ nói chung, Bí thư Đảng ủy cấp xã nói riêng là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ này, trước tiên phải xây dựng và cụ thể hóa tiêu chuẩn về cán bộ.

Tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã là một hệ thống các yêu cầu về phẩm chất và năng lực cần có để người Bí thư Đảng uỷ cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã có thể đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ do cương vị công tác đòi hỏi. Khi thực hiện mô hình nhất thể hóa hai chức danh này thì việc cụ thể hoá các tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã là rất cần thiết và quan trọng, là yếu tố không thể thiếu để làm cơ sở cho việc chọn lựa, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã là cơ sở, căn cứ để xác định mục tiêu, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chức danh Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hiện có cũng như cho đội ngũ cán bộ kế cận; là cơ sở, căn cứ cho việc đánh giá, tuyển chọn, bố trí, sử dụng Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đúng đắn; là mục tiêu, cơ sở cho Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phấn đấu, rèn luyện để tự hoàn thiện mình; đồng thời giúp cho việc nâng cao năng lực Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đi vào nề nếp, chính quy, hiện đại.

Trong cấp ủy, Bí thư phải là người tiêu biểu, đáp ứng đầy đủ nhất tiêu chuẩn cấp ủy viên theo quy định. Việc cụ thể hoá tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã ở tỉnh Bình Phước phải đáp ứng được các yêu cầu có tính nguyên tắc:

Một là, tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã được cụ thể hoá không trái với tiêu chuẩn chung của cấp uỷ viên theo quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam và những quy định, hướng dẫn có liên quan đến tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã của cấp trên;

 Hai là, tiêu chuẩn cụ thể của Bí thư Đảng uỷ cấp xã đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ cấp xã và có tính đến những đặc thù cũng như thực trạng năng lực của Bí thư Đảng uỷ cấp xã đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Quy trình cụ thể hoá tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cần bảo đảm các bước chủ yếu là: chuẩn bị dự thảo; các cấp ủy và các ngành liên quan nghiên cứu góp ý và thống nhất dự thảo; tổ chức hội thảo, góp ý, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo; cơ quan thẩm quyền ban hành quy định chính thức về tiêu chuẩn Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Từ tiêu chuẩn cụ thể của Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định của Tỉnh ủy Bình Phước tại Quyết định số 898 – QĐ/TU ngày 03/7/2013 về việc quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ CNH – HĐH có thể xác định trình độ cụ thể của người giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã như sau:

Về phẩm chất chính trị: Có tinh thần yêu nước, tận tụy phục vụ nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm và hành động sai trái với cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có lịch đầy đủ, trung thực, rõ ràng; có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống lành mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, thẳng thắn, có ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng sự lãnh đạo của tập thể, phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, không quan liêu, gia trưởng, độc đoán, không lãng phí, hối lộ, tham nhũng, không cục bộ, tham vọng, cá nhân, cơ hội; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sống nhân ái, chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, có năng lực quy tụ, đoàn kết đội ngũ cán bộ, được nhân dân tín nhiệm; ham học hỏi, cầu tiến, qua thực tiễn cho thấy là cán bộ có triển vọng phát triển tốt, có khả năng đảm nhận chức trách, nhiệm vụ cao hơn, năng động, sáng tạo, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Về trình độ kiến thức: Có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông. Lý luận chính trị: Có trình độ Cao cấp chính trị; Chuyên môn, nghiệp vụ: có trình độ Đại học, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước, nghiệp vụ quản lý kinh tế.

Ngoại ngữ có trình độ B trở lên, tin học trình độ A trở lên. Ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc.

Đối với cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số chưa bảo đảm các tiêu chuẩn trên nhưng là người tâm huyết, có năng lực lãnh đạo, quản lý, là cá nhân nổi trội, được cán bộ và nhân dân tín nhiệm có thể bầu làm Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã nhưng phải được đào tạo để đạt chuẩn.

Về năng lực lãnh đạo, quản lý: Có khả năng cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn và tổ chức thực hiện đúng đắn, sáng tạo, có hiệu quả đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, lãnh đạo, quản lý, điều hành (xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức thực hiện và tổng kết thực tiễn)

Có tư duy nhạy bén, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có ý thức và năng lực phê phán tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, sai trái.

Có năng lực điều khiển, tập hợp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ và địa phương vững mạnh toàn diện.

Nắm vững và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Về sức khỏe và độ tuổi: có đủ sức khỏ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi đối với nam và không quá 40 tuổi đối với nữ.

So với quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH ở tỉnh Bình Phước hiện nay, chúng tôi đề xuất tiêu chuẩn ngoại ngữ trình độ B, tin học trình độ A trở lên là cao hơn nhưng hợp lý hơn bởi khi đã tốt nghiệp Đại học chuyên môn, nghiệp vụ thì đương nhiên trình độ ngoại ngữ, tin học buộc phải đạt trình độ nêu trên. Nếu chỉ Quy định trình độ tin học biết sử dụng vi tính để làm việc và ngoại ngữ trình độ A thì quá thấp và không hợp lý. Về độ tuổi, nhóm nghiên cứu đề nghị giảm tuổi bổ nhiệm lần đầu cho cán bộ nữ trẻ hơn 5 tuổi so với quy định hiện hành để tạo cơ hội cho cán bộ nữ và phù hợp với tuổi nghỉ hưu của cán bộ nữ. (Còn tiếp)

———————————————–

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.66.

Theo Khoahocthoidai.vn

Từ khóa : bí thưchủ tịchmô hìnhvăn kiện đại hội

Các tin liên quan đến bài viết