‘Thực sự tôi hơi bối rối khi nhận đề thi đánh giá năng lực. Bởi cách đặt vấn đề trong đề thi đánh giá năng lực rất khác với cách đặt vấn đề trong đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia’, các giáo viên chia sẻ.

Thầy cô đi thi đánh giá năng lực để về ôn tập cho trò - Ảnh 1.

Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM có 5 giáo viên tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày 28-3. Đây là kỳ thi dành cho học sinh lớp 12 với mục đích để xét tuyển vào các trường ĐH. Vậy các giáo viên đi thi để làm gì?

Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, lý giải: “Năm nay, cuộc thi đánh giá năng lực đã trở thành một kỳ thi có vị trí cao trong công tác tuyển sinh ĐH. Do đó, trường chúng tôi khuyến khích các giáo viên bộ môn đăng ký tham gia kỳ thi để nắm rõ cấu trúc, hiểu cách ra đề, hiểu nội dung… về ôn tập cho học sinh của mình.

Nhà trường hỗ trợ về kinh phí đi lại, lệ phí thi cho các giáo viên. Dự kiến đợt thi thứ 2 trường chúng tôi cũng đã có thêm một số giáo viên đăng ký dự thi”.

“Hơi bối rối”

“Thực sự là tôi hơi bối rối khi làm thí sinh và nhận được đề thi dài 16 trang. Với 120 câu hỏi, các thí sinh sẽ làm bài trong thời gian 150 phút. Như vậy, thí sinh sẽ phải đọc và giải quyết mỗi trang đề thi trong thời gian chưa tới 10 phút. Có thể nói nếu thí sinh không có kỹ năng đọc – hiểu tốt thì khó có thể được điểm cao” – cô N., giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ.

Theo cô N., “nhìn chung, đề thi đánh giá năng lực có cách đặt vấn đề rất hay với 30 câu hỏi thuộc lĩnh vực toán học; 20 câu hỏi thuộc lĩnh vực tiếng Việt – ngữ văn; 20 câu hỏi về tiếng Anh; còn lại các môn sử, địa, sinh, lý, hóa mỗi môn có 10 câu hỏi.

Thế nên, thí sinh phải học đều tất cả các môn. Đặc biệt, các câu hỏi đều cho rất nhiều dữ liệu, dữ kiện yêu cầu thí sinh phải đọc thật nhanh, phân tích và tổng hợp vấn đề thật nhanh mới làm bài kịp thời gian”.

Trong khi đó, thầy Huỳnh Phước Nguyên – giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du – nhận xét: “Riêng với những câu hỏi về toán học thì tôi cho rằng đề thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay là vừa sức với thí sinh.

Các câu hỏi không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy luận chứ không thể học thuộc lòng. Cái hay của những câu hỏi về toán là không cho ra những dạng toán hàn lâm mà là những câu mang tính ứng dụng cao, thiết thực với cuộc sống như xác suất thống kê, xử lý số liệu…”.

Thay đổi phương pháp giảng dạy

“Sau khi đi thi về, tôi dự định sẽ đề xuất với ban giám hiệu nhà trường thành lập một nhóm giáo viên giảng dạy cho học sinh để đi thi đánh giá năng lực. Bởi cách đặt vấn đề trong đề thi đánh giá năng lực rất khác với cách đặt vấn đề trong đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Điều này cũng dễ hiểu khi có học sinh nói với tôi rằng: có dạng câu hỏi em chưa từng gặp trong quá trình học và làm bài kiểm tra bao giờ” – thầy Trịnh Tuấn Hiền, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ.

Thầy Hiền nhận xét: “Nhiều học sinh có xu hướng học lệch, dành nhiều thời gian để học chuyên các môn mà mình dự định sẽ sử dụng để xét tuyển vào ĐH. Ví dụ các em thi khối A sẽ học chuyên sâu toán, lý, hóa, các môn còn lại chỉ học cầm chừng mà thôi. Như thế, nếu thi đánh giá năng lực thì sẽ khó đạt điểm cao”.

Riêng cô N. lại cho rằng: “Với dạng đề như đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM thì học sinh không thể luyện thi vài tuần hay vài tháng mà làm được. Các em phải học bài và hiểu bài, phải tích lũy kiến thức từ lớp dưới lên lớp trên, phải rèn luyện kỹ năng làm bài thi theo hướng tư duy, vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn chứ không thể học theo kiểu rập khuôn, học thuộc lòng như trước.

Bên cạnh đó, học sinh cũng không thể chỉ học gói gọn trong chương trình – sách giáo khoa mà phải học từ cuộc sống thực tế, từ xã hội. Từ đây, tôi cũng tự thấy mình phải đổi mới phương pháp giảng dạy mạnh mẽ hơn, phải dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực một cách rõ nét hơn nữa”.

Đôi điều trăn trở

“Sau khi đi thi về, tôi cũng có đôi điều trăn trở về đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Nhìn chung là đề hay như tôi đã nói ở trên. Nhưng đề thi này dùng để tuyển sinh vào ĐH thì liệu đã phù hợp chưa?

Cá nhân tôi cho rằng: nó vừa thừa mà lại vừa thiếu. Thừa vì nó quá dài, quá nhiều mảng kiến thức khác nhau của nhiều môn học. Nhưng lại thiếu so với những ngành học đặc thù.

Ví dụ, tuyển sinh vào ngành môi trường, sinh học thì tôi cho rằng với số lượng câu hỏi về các môn toán, lý, hóa, sinh là chưa đủ. Nên chăng, cần thay đổi kỳ thi theo hướng tách ra từng môn thi khác nhau và số lượng câu hỏi mỗi môn cũng sẽ tăng lên tương xứng; thí sinh có nhu cầu thi môn nào thì đăng ký thi môn đó mà thôi”.

Thầy Huỳnh Phước Nguyên, giáo viên môn toán

Năm 2021 có 4 ĐH lớn tổ chức kỳ thi riêng với tên gọi khác nhau, trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức hai kỳ thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) có kỳ thi kiểm tra năng lực và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có kỳ thi đánh giá tư duy. Ngoài ra, một số trường ĐH ngoài công lập như Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành cũng sẽ tổ chức kỳ thi riêng.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức diễn ra sáng 28-3 có hơn 68.000 thí sinh đăng ký dự thi. Năm 2020 đã có gần 70 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi và năm nay dự kiến có thêm nhiều trường sử dụng kết quả thi này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giáo viênhọc sinhthi đánh giá năng lực

Các tin liên quan đến bài viết