Nếu như vào khoảng năm 2008 trở về trước, vùng biển Vạn Gia – một điểm nóng về vận chuyển, buôn lậu than tại Móng Cái, Quảng Ninh – chứng kiến hàng đoàn xà lan than lặc lè di chuyển về hướng đường phân định biên giới Việt Nam – Trung Quốc, thì từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh tuyệt nhiên không còn tình trạng này. Thế giới ngầm “vàng đen” đã chuyển hướng về nội địa.
Nguồn than trôi nổi vẫn lén lút chạy trên Quốc lộ 18 (Ảnh: Nguyễn Quý).
Hết thời buôn lậu than qua biên giới
Đ – một tay thạo nghề trong giới xuất nhập khẩu tại Móng Cái – cho biết: “Cao điểm vào những năm 2005 – 2008, hàng đoàn xà lan xếp hàng, nối đuôi nhau qua vùng biển Vạn Gia, dân đứng ở trong bờ Mũi Ngọc cũng nhìn thấy. Những chiếc xà lan chở hàng nghìn tấn than này vận chuyển từ các cảng lẻ ở Cửa Ông, Cẩm Phả theo đường biển đến Vạn Gia, rồi từ đây di chuyển sang vụng Bạch Long, cảng Phòng Thành, Kỳ Xá, Khâm Châu (Trung Quốc)”.
Với sự ra quân đồng loạt của các lực lượng chức năng, tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm dần. Tuy nhiên, vài năm sau đó vẫn có một lực lượng đứng ra thu mua các loại than trôi nổi ở các khu vực Đông Triều, Cẩm Phả để bán sang Trung Quốc kiếm lời bằng con đường trốn thuế, xuất lậu.
“Từ năm 2017 đến nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép than qua biên giới tỉnh Quảng Ninh đã được kiểm soát, không phát sinh vụ việc” – ông Phạm Trung Vịnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389, Phó cục trưởng Cục Hải Quan Quảng Ninh – khẳng định.
Nguyên nhân, theo ông Vịnh, là có sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh tới địa phương trong công tác quản lý, duy trì trật tự kỷ cương trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh; các ngành, lực lượng chức năng, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển than trái phép. Một nguyên nhân quan trọng khác là do phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng than nhập khẩu; các chủ hàng phía Trung Quốc thu mua than với giá rẻ hơn giá bán than trong nội địa.
Thị sát khu vực đảo Vĩnh Thực (Móng Cái), nơi có cửa khẩu cảng Vạn Gia, PV Dân Việt ghi nhận vùng biển nơi đây đã trở lại bình yên như vốn có. Không còn những con tàu, sà lan than phủ kín bạt dứa, lặc lè tiến về hướng đường phân định; trật tự an toàn giao thông vận tải thuỷ đã được lập lại; ngư dân không còn bị phá huỷ lưới, ngư cụ trên ngư trường…
Than trôi nổi nội địa “lên ngôi”
Gần đây nhất, vào ngày 23.11, TP.Cẩm Phả đã tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tại cụm cảng Km 6 (phường Quang Hanh) – nơi hàng chục năm nay vẫn được xem là “thiên đường than lậu”.
Một vụ vận chuyển than lậu bằng xe tải cỡ nhỏ, ngụy trang bằng các hàng hóa khác bị Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 2 (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt giữ (Ảnh: Nguyễn Quý).
Các bến cảng than lậu này hoạt động được nhờ núp dưới các loại giấy phép theo kiểu thu mua chế biến, tận thu đất đá xít mỏ, than mót… Các loại giấy phép này tiếp tay cho ông chủ các bến bãi hợp thức hóa nguồn than trôi nổi và trộm cắp từ các than mỏ trong khu vực.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài những bến cảng được cấp phép phục vụ hoạt động chế biến, tiêu thụ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, hầu hết là các bến bãi đều sử dụng sai mục đích; chế biến, kinh doanh than trái phép… Nhiều kho chứa than còn được xây dựng nhà công vụ, hàng rào, lắp đặt hệ thống sàng tuyển, chế biến than một cách kiên cố. Một số dự án ở đây cũng biến tướng, làm trái quy định.
Nhiều người đặt câu hỏi, sau sự vào cuộc của tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc, hoạt động mua bán, vận chuyển than trái phép trên địa bàn tỉnh có hoàn toàn được dập tắt? Bởi ngoài cụm cảng Km6, dọc khu vực từ Mông Dương đến Đông Triều còn nhiều các bến bãi tự phát không được cấp phép, là nơi hoạt động mua bán, vận chuyển than không rõ nguồn gốc.
Ông Phạm Trung Vịnh, Phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, nhận định: Tình hình mua bán, vận chuyển trái phép than, các sản phẩm ngoài than trôi nổi, không rõ nguồn gốc giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh với các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương vẫn xảy ra với những thủ đoạn khác nhau, gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh của lực lượng chức năng.
Các phương thức, thủ đoạn chủ yếu: Một số đối tượng lợi dụng việc thuê bến bãi để tập kết xen lẫn với than không có nguồn gốc; trên đường thủy, các đối tượng lợi dụng đêm tối và thông thạo về luồng lạch, thủy triều để vận chuyển đi tiêu thụ, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng; trên đường bộ, đối tượng đóng than vào bao dứa, vận chuyển trái phép bằng xe container, xe tải thùng kín, xe tải cơi nới thùng, dán logo giả của TKV hoặc Tổng Công ty Đông Bắc trên xe nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Chiếc xà lan chất đầy than, với máy xúc san tải than trên vịnh Cửa Lục (ảnh: Trần Trang).
Gần đây nhất, theo tìm hiểu của PV, tại khu vực vịnh Cửa Lục, gần Cảng Cái Lân (TP.Hạ Long) đã xảy ra tình trạng rất nhiều xà lan to nhỏ chứa đầy than tập kết tại đây hoạt động bốc xúc, sang tải than trái phép bất kể ngày đêm.
Tìm hiểu từ phía Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (2 đơn vị chính được khai thác, vận chuyển, kinh doanh và tiêu thu than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh), được biết 2 đơn vị này đã không còn thực hiện việc bốc xúc sang tải than tại TP.Hạ Long mà đã di chuyển hoàn toàn hoạt động này xuống khu vực Hòn Nét (Cẩm Phả).
Vậy điểm bốc xúc sang tải than trái phép trên vịnh Cửa Lục nói trên chính là những điểm trung chuyển than lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Không quá khó để nhận thấy rằng: Công tác quản lý, kiểm soát từ đầu nguồn của các doanh nghiệp ngành than có nơi còn chưa chặt chẽ, tạo nguồn than trôi nổi. Ngoài ra, công tác quản lý bã sàng, đá xít có than chưa được ngành than thực hiện đúng theo quy định. Việc các đơn vị ngành than bán sản phẩm bã sàng, đá xít có than cho các đối tượng đưa về Hải Phòng, Hải Dương chế biến, trộn với than không có nguồn gốc đã tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nguồn than bất hợp pháp.
Theo Dân việt