200 em nhỏ mồ côi cha, mẹ trong đợt đại dịch Covid-19 đã cùng tham dự một buổi tất niên đặc biệt chiều 15-1 được tổ chức tại Khu du lịch Tân Cảng, TP.HCM.
Những nụ cười, những tiếng reo hò của các em hưởng ứng các trò chơi khiến người lớn nhẹ lòng đi chút ít.
“Tham dự cùng người thân”
Đưa cô cháu gái đến quầy sách được ban tổ chức bố trí ngay lối vào để cháu chọn 5 cuốn sách, ông Nguyễn Xuân Huệ (70 tuổi, ngụ Tân Bình) chợt đỏ hoe mắt khi nghe hỏi về cha mẹ của cháu gái. “Nó chỉ có ba. Ba nó mất trong dịch nên ông bà nội nuôi. Ba nó là con trai duy nhất, còn nó là cháu gái duy nhất của tôi”, ông nắm tay cháu gái kể.
Cô bé Khánh Linh (học sinh lớp 9) chọn sách xong, chọn chỗ ngồi trước sân khấu rồi lôi vở vật lý trong cặp sách để làm bài trước khi chương trình diễn ra. “Nó siêng học lắm, học giỏi nữa, đang ở trong đội tuyển của trường. Đang thi nên lo học lắm.
Từ hồi ba nó mất cũng được mọi người quan tâm. Cái điện thoại nó đang học là của quận tặng cho, có cả một cái máy tính bảng nữa. Bữa nay được nhận thư mời dự tất niên, nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ, tôi chở cháu đi cho nó đi chơi. Dịch giã rồi ba nó mất cũng không có đi đâu”, ông Huệ chia sẻ.
Nhắc đến con trai, nước mắt ông lại chực trào: “Nó mới chỉ 39 tuổi, cao hơn 1,8m. Tôi làm trong ban điều hành khu phố, tham gia hỗ trợ, cấp cứu F0, lái xe chở hàng trăm F0 đi cấp cứu ngay từ đầu dịch. Vậy mà tôi không cứu được nó”. Con trai đã mất, hai vợ chồng ông Huệ đã lớn tuổi, chỉ sống nhờ đồng lương hưu nhưng ông bảo “mọi tình thương bây giờ đều dồn cho cháu”, hai vợ chồng già cũng phải cố gắng lo cho cháu học hành.
“Con mất ngay đỉnh dịch, sau đó hai vợ chồng cũng lần lượt mắc Covid-19 nhưng đã bình phục. Đó cũng là điều may mắn vì nếu không giờ cháu gái sẽ bơ vơ, không người chăm sóc”, ông Huệ vừa nói vừa nhìn sang Khánh Linh đang ngồi ghế bên cạnh vẫn mải mê với bài tập.
Câu chuyện của hai ông cháu bé Khánh Linh chỉ là một trong 200 câu chuyện của 200 cô bé, cậu bé mồ côi tham gia bữa tiệc tất niên. Trong danh sách 200 bạn nhỏ từ các quận huyện gửi đến ban tổ chức, những dòng chú thích “Tham dự cùng người thân” chưa bao giờ lại ấm áp như vậy. Rất nhiều em đã không còn cha, mẹ nhưng vẫn may mắn được ông bà, cô dì chú bác đùm bọc.
“Đợt dịch rồi, nhà tôi 3 người đi cách ly nhưng chỉ có 2 người về, mẹ Kỳ Hào với Gia Hân mất ở bệnh viện. Sau đó thì bà nhà tôi, bà ngoại hai đứa cũng mắc Covid-19 rồi mất ở nhà. Giờ thì nhà toàn đàn ông” – ông Đỗ Hiền Tường (61 tuổi, ngụ quận 11), ông ngoại của Hào (14 tuổi), Hân (11 tuổi) vẫn ráng pha chút hài hước khi nói về nỗi buồn của gia đình.
Hôm nay ông Tường đưa hai cháu ngoại đến dự chương trình Tết cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 cũng là lần đầu cả ba ông cháu được đi đâu đó sau dịch. Mẹ mất, hai đứa cháu chỉ còn ông ngoại và người cậu để dựa dẫm.
“Hồi trước ở chung với mẹ nó thì mẹ nó nấu cho ăn, rồi bà nấu. Giờ mẹ mất, bà mất thì tôi nấu ăn, đưa đón đi học chứ cũng không có ai”, ông Tường nói.
Nụ cười em thơ
Tại buổi lễ tất niên, nhiều vị khách đặc biệt đã đến chia sẻ, tham gia với các em, tặng các em những bao lì xì chúc Tết. Trong đó, với sự xuất hiện của hoa hậu Hòa bình quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên khiến các em nhỏ rất háo hức. Đứng trên sân khấu tặng bao lì xì cho các em, Thùy Tiên chia sẻ rằng khi nhận được lời mời dự chương trình này với các em bé mồ côi, cô đã hủy nhiều chương trình khác để tham gia.
Với cô, món quà lớn nhất khi cô đến đây chính là nụ cười của các em. “Bản thân tôi cũng không có một tuổi thơ với hoàn cảnh may mắn, cũng có những mơ ước bình thường và cũng chưa từng nghĩ rằng có một ngày tôi sẽ trở thành một hoa hậu quốc tế. Tôi mong muốn câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng đến các em. Tôi mong các em sẽ vượt qua nghịch cảnh, quyết tâm để theo đuổi hoài bão, ước mơ của mình”, Thùy Tiên chia sẻ.
Nhận được bao lì xì và những món quà nhỏ, các em nhỏ cũng đáp lại tấm lòng của các vị khách mời bằng những tấm thiệp chúc Tết mà trong đó có cả một chút xót xa nhưng vẫn lạc quan. “Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, con đã mất đi người mẹ thân yêu của con. Giờ đây con đang sống cùng người dì và em con. Thời gian qua con rất buồn nhưng con cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều cô chú đã động viên con”…
Rồi “con sẽ cố gắng hơn nữa để tiếp tục học tập, phụ dì con chăm em. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nhâm Dần, con xin chúc các cô chú mạnh khỏe, vui vẻ. Con cảm ơn các cô chú đã luôn quan tâm, giúp đỡ con và các bạn có hoàn cảnh giống con”, đó là tấm thiệp chúc Tết đầy xúc động mà một em nhỏ đã gửi đến cho các khách mời.
Ông Trương Văn Mẫn – đại diện VsetGroup, một đơn vị đồng hành của chương trình – cũng nhận được một tấm thiệp chúc Tết nhỏ như vậy và đã giữ lại như một món quà Tết đặc biệt. “Nhìn khung cảnh xung quanh, nhìn thấy nụ cười, niềm vui của các em đó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất”, ông chia sẻ.
“Chúng ta đã trải qua một năm Covid-19 đầy khó khăn. May mắn là đến nay thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. May mắn đó cũng tạo ra cho chúng ta cơ hội để tổ chức một chương trình đặc biệt và gặp gỡ 200 em có hoàn cảnh khó khăn ngày hôm nay. Chúng tôi muốn nói với các em rằng cả xã hội sẽ luôn sát cánh cùng các em và mong muốn chương trình này sẽ mang đến cho các em một không khí chia sẻ, tràn đầy tình yêu thương” – ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chia sẻ tại chương trình.
“Ba nấu gì con cũng ăn được”
Đến dự buổi lễ tất niên có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh “gà trống nuôi con” sau đợt dịch. “Nhà giờ chỉ có hai cha con. Mẹ nó mất rồi. Giờ nấu ăn, tui nấu chứ ai nữa đâu. Nấu sao ăn vậy” – anh Nguyễn Thanh Sơn (47 tuổi, ngụ Thủ Đức) cho biết.
Anh Sơn là thợ hồ. Anh kể hôm nay anh tạm nghỉ một bữa để đưa cậu con trai Minh Châu (13 tuổi) đến buổi tất niên. Nhắc đến Tết, anh Sơn không khỏi xúc động: “Tết này có hai cha con nên đâu đã chuẩn bị gì. Mấy bữa nữa hai cha con tôi tính về quê Sóc Trăng ăn Tết. Năm nào cả nhà cũng đi xe máy về quê. Mọi năm 3 người về thì năm nay còn 2 cha con”.
Mong muốn lớn nhất của anh Sơn là lo làm lụng để con trai được học hành tới nơi tới chốn. “Nó học giỏi lắm. Năm nào cũng học sinh giỏi không đó”, anh kể. Hỏi về “tài” nấu ăn của ba, Minh Châu cũng cười hiền: “Ba nấu gì con cũng ăn được hết”. Rồi cậu bé nói thêm là mẹ mất thì “ba buồn nhiều hơn con” và sẽ cố gắng học hành để ba có niềm vui.
“Con sắp lớn rồi…”
“Con đã đọc được 20 trang. Đọc hết cuốn này chắc sẽ hiểu hơn mấy bộ phim du hành vũ trụ mà con coi rồi…”, Nguyễn Thanh Minh Châu giơ cuốn sách “Tìm hiểu vũ trụ” mà em đã tự chọn trong số sách được tặng lên khoe và ríu rít kể về môn vật lý mà em mới bắt đầu được làm quen từ đầu năm lớp 7.
“Con thích vật lý, sinh vật vì dạy con hiểu thế giới tự nhiên”, Châu say sưa kể tiếp. Bên cạnh, người cha khắc khổ đen đúa với nghề thợ hồ ngồi nhìn con mỉm cười. Một lát, chừng như hiểu điều những người xung quanh đang giữ trong lòng, Châu ngừng lại, nói: “Mẹ con mất mấy tháng rồi, con cũng đã quen. Mọi việc trong nhà giờ hai cha con đều tự làm. Con cũng sắp lớn rồi…”.
Lời khẳng định đinh ninh của cậu con trai 12 tuổi là ước mong của tất cả mọi người với các em – gần 2.000 em phải chịu phận mồ côi sau đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này. 200 em bé hôm nay đến với chương trình Tết mà Tuổi Trẻ tổ chức tối 15-1 đều còn rất nhỏ, nhưng dường như tất cả đều hiểu rõ mình phải trưởng thành.
Cậu bé Bảo Duy 10 tuổi bước lên sân khấu giải câu đố cuối đã không ngần ngại đoán ra ngay lập tức ô chữ gồm 11 chữ cái với nội dung được cho biết “lời chúc của ban tổ chức gửi đến các em” và gợi ý “được học trong chương trình lớp 4”: Ý CHÍ – NGHỊ LỰC. Cô bé Cao Nguyên 5 tuổi trước khi mẹ mất chưa tự ăn một muỗng nào nhưng tối nay đã ngồi một mình với các anh chị, tự xúc chén súp, tự gặm đùi gà trước sự ngạc nhiên của người dì và từ bây giờ sẽ là mẹ.
Em Nguyễn Võ Bảo Duy (quận 7, TP.HCM) trả lời đúng từ khóa mà chương trình muốn gửi đến các bạn nhỏ mồ côi do COVID-19
Lớn lên. Trưởng thành. Ý chí. Nghị lực. Thật chẳng còn gì mong mỏi hơn và buổi tiệc vui tươi mà không ồn ã, rộn ràng mà rất gọn gàng khi tất cả các em được xếp ngồi riêng với người lớn buổi tối này đã như một câu trả lời của các em. “Yên tâm”, anh trưởng ban tổ chức thở phào khi kết thúc chương trình, và sự yên tâm không chỉ là vì chương trình đã thành công.
“Cuộc đời còn dài quá”, chị Thanh Liễu, mẹ của Hàng Quí Tài, vuốt tóc con thở nhẹ. Tài mới 10 tuổi, nhưng từ cuối tháng 9 đã trở thành “người đàn ông” duy nhất trong gia đình. Tám năm nữa mới đến tuổi trưởng thành, Tài đã biết an ủi mẹ: “Mẹ đừng buồn nhiều, mẹ còn có con bên cạnh nè”. Mất mát là không thể bù đắp nhưng vẫn được an ủi.
Xót đau là không thể đắp bồi nhưng vẫn được xoa dịu. “Xã hội chung tay vào trong những ngày này khiến chúng tôi đỡ tủi phận phần nào. Dẫu phải trải qua bi kịch, nhưng đến những buổi này vẫn cảm nhận được niềm vui. Vui vì biết mình không cô độc, vui vì biết nhiều người đang chờ để đồng hành với mình, với con mình trên chặng đường trưởng thành”, chị Liễu tâm sự trước khi cùng con hòa vào những sôi động của chương trình.
Tiết xuân đã xanh bừng trên từng ngọn lá, thắm trên những cánh hoa. Tết đã dần đến. Trăng đã tròn rười rượi soi xuống mặt sông trong không gian được bài trí thật đẹp đẽ. Nước mắt đã lắng rồi. Lời chúc mà các em viết bên bàn tiệc gửi đến những người lớn hôm nay đều có mong ước “dồi dào sức khỏe, vui vẻ hạnh phúc”, không phải công thức chúc xuân mà chính là những giá trị các em đã thấm thía rất sớm trong nghịch cảnh gia đình mình.
Ban tổ chức, các nhà tài trợ đọc mà xúc động, bồi hồi. Bao nhiêu yêu thương xã hội mang lại cũng không thể lấy lại được cha mẹ, không thể thay thế được ruột thịt, nhưng các em đã biết mỗi bước mình đi sẽ có người trợ sức, có người mong đợi. Và cứ vậy mà các em sẽ đi tới…
Lời tri ân đến các nhà hảo tâm
Sự kiện trao quà Tết cho 200 trẻ mồ côi vì COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM tổ chức với tinh thần để không ai bị bỏ lại phía sau đã khép lại trong không khí ấm áp tình người. Mỗi bé được nhận một phần quà gồm 2,5 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều phần quà thiết thực do các nhà hảo tâm gửi tặng.
Để tri ân các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chương trình, ban biên tập báo Tuổi Trẻ xin chân thành cảm ơn: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn BIN Corporation Group, Tập đoàn VsetGroup, Công ty CP xuất nhập khẩu Bình Tây (Bitex), Tập đoàn Greenfeed Việt Nam, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT, Công ty bất động sản Tiến Phước, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam, Đường sách TP.HCM, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, hệ thống rạp chiếu phim Cinestar, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Saigontourist Group, Công ty CP quảng cáo thương mại Sen Vàng và gia đình ca sĩ Hoàng Gia.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ trao những phần quà cho các em
Ngoài các món quà vật chất, chương trình còn nhận món quà tinh thần gồm 1.000 cuốn sách của Công ty CP văn hóa và truyền thông Nhã Nam, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ văn hóa Đinh Tị, Công ty TNHH văn hóa sáng tạo Trí Việt, Công ty CP sách Alpha, Công ty CP Văn hóa sách Sài Gòn, Công ty CP văn hóa Chi, Công ty CP Zenbooks, Công ty TNHH MTV TM&DV văn hóa Minh Long và Công ty văn hóa Hương Trang gửi tặng.
Đặc biệt, hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên cũng dành thời gian đến giao lưu với các em. Ngoài ra, còn có các ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Lê Thu Hiền, Hoàng Luân đã đến tham dự góp vui cùng chương trình.
Nguồn: tuoitre.vn