Vấn đề Biển Đông tiếp tục đè nặng lên quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khi ông James Mattis tuần này trở thành ông chủ Lầu Năm Góc đầu tiên thăm Bắc Kinh kể từ năm 2014.

Tại buổi tiếp ông Mattis hôm 27-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không nhượng bộ về những lợi ích cốt lõi dù kêu gọi cải thiện quan hệ giữa quân đội hai nước.

Phát biểu này được cho là nhằm phản ứng trước chỉ trích của Washington về hành động quân sự hóa Biển Đông trái phép mà Bắc Kinh đang theo đuổi, trong đó có những lời lẽ cứng rắn được chính ông Mattis đưa ra tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore đầu tháng này.

Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định hành động triển khai máy bay quân sự và tên lửa của Bắc Kinh đến Biển Đông là nhằm “đe dọa và ép buộc” các nước láng giềng, đồng thời cảnh báo những hậu quả lớn hơn trong tương lai nếu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa vùng biển quan trọng với hoạt động giao thương toàn cầu này.

Phản ứng trước mắt của Mỹ là rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), bắt đầu từ ngày 28-6, gần quần đảo Hawaii.


Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng ở Manila - Philippines hôm 26-6 sau chuyến tuần tra kéo dài nhiều tháng ở Biển Đông Ảnh: REUTERS

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng ở Manila – Philippines hôm 26-6 sau chuyến tuần tra kéo dài nhiều tháng ở Biển Đông Ảnh: REUTERS

Theo tờ The Wall Street Journal, không gì lạ khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới không thu hẹp khoảng cách về vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm của ông Mattis. Một số nguồn tin tiết lộ phía Trung Quốc tiếp tục bao biện rằng những gì họ làm ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích phòng vệ. Trong khi đó, ông Mattis nhấn mạnh lập trường của Mỹ là ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển và Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay chiến lược xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama bằng chính sách “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, theo đó tìm cách thu hút Ấn Độ tham gia một khuôn khổ an ninh khu vực để làm đối trọng với Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ còn có sự giúp sức của một số đồng minh trong việc tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định với đài DW rằng việc hải quân Anh và Pháp tăng cường tham gia chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng đây không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc mà liên quan đến cộng đồng quốc tế.

Theo Dân trí

Từ khóa : biển Đôngquan hệ Mỹ-Trung

Các tin liên quan đến bài viết