Năm học 2021 – 2022, phần lớn các trường quốc tế tại TP.HCM đều thông báo sẽ điều chỉnh học phí theo hướng tăng so với năm học trước đó. Biên độ tăng dao động từ 20 – 50 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 10 – 20% tùy cách tính.

Tăng học phí 20-50 triệu đồng/năm, các trường quốc tế ở TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

Phụ huynh đến đối thoại về học phí với Trường Quốc tế Á Châu ngày 20-5 

Không ít phụ huynh thừa nhận đang thật sự “mệt mỏi” trước làn sóng này.

Hơn nửa tỉ đồng cho một năm học

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, Trường Quốc tế Mỹ (TAS) có mức học phí tăng khoảng 20 triệu đồng/năm cho các cấp học so với năm học 2020 – 2021. Cụ thể, năm học 2021 – 2022, tiền học cho học sinh từ lớp 1 – 3 khoảng 483 triệu đồng/năm, lớp 4 – 5 khoảng 486 – 490 triệu đồng/năm. Với cấp THCS và THPT, học phí trong khoảng 546 – 656 triệu đồng/năm.

Ở Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), học phí cho các lớp 1 – 5 dao động quanh mức 570 triệu đồng/năm. So với năm học 2020 – 2021, mức phí này tăng thêm khoảng 25 triệu đồng. Phụ huynh có hai lựa chọn: thanh toán đủ trước tháng 7-2021 sẽ được giảm 6%, hoặc đóng thành 4 đợt mỗi đợt từ 91 – 213 triệu đồng.

Tại Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn, phụ huynh cần trả 466 – 528 triệu đồng cho một năm học của lớp 1 – 5 khóa 2021 – 2022. Năm học 2020 – 2021, học phí bậc tiểu học rơi vào khoảng 444 – 503 triệu đồng/năm, thấp hơn năm tới khoảng 20 triệu đồng. Mức tăng cũng sẽ tương tự với lớp 7 đến lớp 13, đưa tiền học lên khoảng 591 – 689 triệu đồng/năm.

Tại Trường Quốc tế Úc (AIS), trong năm học sắp tới, học phí nằm trong khoảng 104 – 276 triệu đồng/năm cho các lớp mẫu giáo, 455 – 699 triệu đồng/năm cho học sinh từ lớp 1 – 12. So với năm học 2020 – 2021, mức học phí này tăng khoảng 35 – 53 triệu đồng.

Một số trường tư thục tại TP.HCM cũng đã công bố mức tăng học phí trước năm học mới 2021 – 2022. Trường Quốc tế Á Châu cho biết học phí năm học 2021 – 2022 từ lớp 1 – 5 tăng 15%, lớp 6 – 7 tăng 14%, lớp 8 tăng 13%, lớp 9 tăng 12%, lớp 10 – 12 tăng 11%.

Vì sao tiền học tăng mỗi năm?

Theo Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, các nguồn thu từ học phí, lệ phí cũng như các khoản tiền gia tăng mỗi năm đều được dùng vào tái đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, tăng cường chất lượng lớp học, thực hiện các dự án đổi mới và tuyển dụng thêm đội ngũ giáo viên chất lượng… Nhà trường cho biết đang đi theo hướng phi lợi nhuận, “cổ đông” duy nhất chính là các học sinh. Vì thế, nguồn lợi thu được đều dành cho các em.

Trong khi đó, ThS Cao Quảng Tư – giám đốc tuyển sinh, Trường Quốc tế Á Châu – cho biết hiện nay trường có mức học phí rất thấp nhưng vẫn phải đầu tư rất nhiều hạng mục mỗi năm để duy trì tiêu chuẩn trường quốc tế. Thay vì phải tăng mạnh học phí một lần, trường chọn hướng điều chỉnh qua từng năm để phụ huynh dễ thích ứng.

Ông Tư cho rằng việc tăng học phí luôn đi theo lộ trình từng năm và được công khai. Phần lớn các khoản thu sẽ được dành cho việc phát triển, nâng chất cho trường để đạt kiểm định quốc tế, không thể vì dịch COVID-19 mà trì hoãn hay thay đổi lộ trình này.

“Dù vậy, trường cũng tăng thêm nhiều hình thức hỗ trợ cho phụ huynh, như giảm khi đóng tiền nguyên năm, giảm cho học sinh chuyển cấp, giảm cho những trường hợp có con thứ 2 học ở trường” – ThS Cao Quảng Tư nói.

Việc tăng học phí còn là cách “bảo vệ” một số trường quốc tế trước các tác động ngoại cảnh. Chẳng hạn, ban giám hiệu Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn cho rằng học phí được công bố đầu năm vẫn có thể thay đổi ngay trong năm học. Theo đó, nhà trường có quyền tăng học phí nếu tỉ lệ lạm phát hằng năm vượt quá 12%, hoặc nếu đồng Việt Nam mất giá so với đôla Mỹ hơn 3% kể từ ngày niêm yết gần nhất của biểu phí.

Học phí tăng để phát triển trường

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó hiệu trưởng một trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại TP Thủ Đức cho biết bản thân các trường quốc tế cũng đã thất thu rất nhiều vì dịch COVID-19. Việc trả lương, tuyển mới các giảng viên vẫn phải đảm bảo, chương trình luôn được cập nhật, cơ sở vật chất đến hạn nâng cấp, khuôn viên cần được mở rộng…

Chưa kể trong 2 năm học 2019 – 2020 và 2020 – 2021, trường đã “chia sẻ” cùng phụ huynh các khoản tiền giảng dạy online, tiền đầu tư trang thiết bị cho học online. “Vì vậy, khoản tăng hằng năm là để đảm bảo cho sự phát triển của trường trên nhiều mặt. Khoản tăng này được chúng tôi đảm bảo không quá 15%/năm và đều được công khai từ đầu năm học” – vị phó hiệu trưởng trình bày.

Chuyển trường vì… COVID-19

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (42 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) có con đang học lớp 5 tại một trường quốc tế ở TP Thủ Đức. Chị đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để chuyển trường cho con. Chồng chị chuyên kinh doanh bất động sản, trong hơn 1 năm dịch bệnh, thị trường giao dịch khó khăn, tổng thu nhập của chồng chị giảm đến 40%.

Chị tâm sự: “Tiền học của đứa đầu hơn 300 triệu/năm, bình thường vợ chồng có thể lo. Nhưng năm qua nhiều chuyện xảy đến cùng lúc, chúng tôi không thể trụ được nữa rồi. Cuối năm ngoái, gia đình đã tính chuyển trường cho con, nhưng nghĩ con đang học dở dang cuối cấp nên cũng ráng cho hết năm”. Sợ con không thể thích ứng chương trình ở trường công, vợ chồng chị sẽ cho con vào học một trường tư thục. Học phí dù cũng thuộc hàng cao so với các trường công lập nhưng cũng “dễ thở” hơn phân nửa so với trường quốc tế.

Trong khi đó, chị Nguyễn Trần Thị Mỹ Lâm (Q.7, TP.HCM) cũng cho biết đã hai lần nộp đơn xin trợ giúp tài chính từ trường quốc tế nơi con đang học. Chị chia sẻ nguồn thu của gia đình đều phụ thuộc vào người chồng đang làm cho công ty xuất nhập khẩu. Nhưng sau một năm dịch giã, thu nhập của chồng chị giảm gần phân nửa.

“Vợ chồng chúng tôi đã “bầm giập” vì COVID-19 lắm rồi” – chị Lâm nói. Gia đình hiện rất khó chuyển trường cho con vì con không nói rành tiếng Việt. Vì vậy, chị buộc phải viết đơn trình bày hoàn cảnh với trường, xin phép có thể được giảm tiền học và đóng giãn theo tiến độ. Ngoài ra, chị cũng xin phép được cắt các khoản ăn uống, đưa đón để bớt một phần gánh nặng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : tăng học phítrường quốc tếTrường Quốc tế MỹTrường Quốc tế Úctrường tư thục

Các tin liên quan đến bài viết