Địa bàn hoạt động xa, thiếu phương tiện đi lại, trang thiết bị y tế và trình độ dân trí thấp là những thử thách đối với y, bác sĩ đang công tác tại các trạm y tế xã biên giới. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, các y, bác sĩ nơi đây vẫn kiên trì bám địa bàn, thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân.
NỖ LỰC VƯỢT KHÓ
Xã Hưng Phước (Bù Đốp) có 1.344 hộ dân, 5.668 người. Trong đó có 611 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dân cư sống không tập trung và chủ yếu làm nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên việc tổ chức tuyên truyền, vận động và chăm sóc sức khỏe người dân gặp không ít khó khăn.
Bác sĩ Lý Thị Lệ Dinh, Phó trạm Y tế xã Hưng Phước cho biết, xã có 6 ấp. Ấp xa nhất cách trạm hơn 10km. Giao thông trong xã chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, sình lầy vào mùa mưa, đòi hỏi những người làm y tế nơi đây phải có lòng yêu nghề và sự kiên nhẫn để gắn bó. Khó khăn lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ với đồng bào DTTS. Nhiều người không biết nói tiếng Kinh nên rất khó hỏi thăm tình hình bệnh tật để có phương án điều trị. Ngoài ra, do Hưng Phước là xã giáp biên, người dân thường sang Campuchia làm rẫy, buôn bán nên dễ mắc bệnh sốt rét. Năm 2016, trạm đã điều trị 12 ca sốt rét, đa phần là lao động từ Campuchia trở về.
Bác sĩ Lý Thị Lệ Dinh khám bệnh cho con chị Điểu Thị Lùng ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước
17 năm gắn bó với nghề, y sĩ đa khoa Nguyễn Đức Lương, Phó trạm y tế xã Thiện Hưng thấu hiểu về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong xã. Anh Lương cho biết, xã Thiện Hưng dân cư đông với 3.045 hộ, 12.325 người. Đặc biệt, xã có rất nhiều lao động tự do đến làm ăn theo mùa vụ nên việc tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân rất khó khăn. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ, cùng với việc trực khám, chữa bệnh ở trạm, mỗi tháng 4 lần, tôi và cán bộ Trạm y tế xã còn phối hợp với y tế thôn bản tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân tại các thôn, ấp. Qua đó thăm hỏi, nắm tình hình sức khỏe, dịch bệnh trong nhân dân.
Trước đây, đa số hộ đồng bào DTTS ở xã Thiện Hưng khi bị đau ốm tự chữa bệnh ở nhà, khi bệnh nặng mới đưa đến cơ sở y tế. Để khắc phục tình trạng này, mỗi tháng, cán bộ Trạm y tế xã xuống thôn, ấp và đến từng nhà giải thích cho người dân hiểu những lợi ích của việc phát hiện và điều trị bệnh sớm. Đến nay, tình trạng này không còn. Bác sĩ Dinh cho rằng, công việc ở trạm chủ yếu là tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; khám sức khỏe và điều trị những ca bệnh thông thường cho người dân. Vì vậy, so với đồng nghiệp đang công tác ở những bệnh viện, trung tâm y tế lớn của tỉnh, các y, bác sĩ ở đây chịu nhiều thiệt thòi, không có điều kiện học hỏi, tiếp cận với máy móc, khoa học hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn.
TẠO LÒNG TIN VỚI NHÂN DÂN
Bà Nguyễn Thị Đảm ở thôn 4, xã Thiện Hưng nói: “Tôi vừa bị ngộ độc thực phẩm dù đã chữa đủ cách ở nhà nhưng không khỏi. Các con đưa đến trạm khám, được bác sĩ truyền nước, cho uống thuốc, tư vấn cách ăn uống giờ tôi đã khỏi”.
Là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh nên Trạm y tế xã Thiện Hưng được đầu tư nâng cấp với cơ sở vật chất khang trang, hệ thống máy móc, phương tiện khám chữa bệnh tương đối đầy đủ. Cùng với thái độ ân cần, nhiệt tình chăm sóc người bệnh và nỗ lực nâng cao tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ, trạm đã từng bước tạo được lòng tin trong nhân dân. Phó trạm y tế xã Thiện Hưng Nguyễn Đức Lương cho biết, trung bình mỗi ngày trạm có hơn 50 lượt người đến khám, điều trị bệnh. Riêng năm 2016, trạm khám và điều trị 10.749 lượt người. Đặc biệt, các y, bác sĩ thường xuyên đến nhà thăm, điều trị cho 44 ca tâm thần và động kinh.
Chứng kiến y sĩ Lương khám bệnh cho người dân mới hiểu công việc của các y, bác sĩ công tác ở vùng sâu, xa, biên giới. Vừa khám, điều trị, anh còn giải thích cặn kẽ về nguyên nhân gây bệnh, cách nhận biết bệnh và phương pháp điều trị để người dân an tâm. Do đó, dù cách Trung tâm Y tế huyện không xa nhưng nhiều người vẫn đến trạm khám bệnh. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng phục vụ, ngoài bố trí bác sĩ trực khám chữa bệnh liên tục, các trạm luôn quán triệt tinh thần phục vụ nhiệt tình, chu đáo đến từng cán bộ, nhân viên y tế. Nhờ đó, người dân ngày càng tin tưởng, số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ngày càng tăng. Bà Nguyễn Thị Đảm cho biết thêm: “Đến Trạm y tế xã có bác sĩ khám bệnh và được cấp thuốc theo diện bảo hiểm y tế nên tôi rất an tâm mà lại đỡ tốn kém. Các bác sĩ ở đây rất gần gũi, vui vẻ. Nhiều khi đau ốm không đi được, nhờ người nhà đến gọi, bác sĩ cũng đến tận nơi để chữa bệnh cho tôi”.
Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng y, bác sĩ tại các trạm y tế xã vùng xa, biên gới vẫn ngày đêm bám địa bàn, chăm sóc sức khỏe người dân bằng tấm lòng của người thầy thuốc. Các y, bác sĩ nơi đây mong các cấp chính quyền tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số trạm y tế xã, đồng thời có chính sách thu hút và giữ chân bác sĩ…
Minh Luận