Ông Burns và ông Tần là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cả hai đều không hẳn có kinh nghiệm hoặc có kiến thức chuyên môn về nước kia.
Ông Tần Cương, người hiện giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sẽ kế nhiệm Đại sứ Thôi Thiên Khải. Ông Thôi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Mỹ từ năm 2013 và hiện giữ kỷ lục đảm đương vị trí này lâu nhất trong lịch sử đại lục. Nhiệm kỳ của ông cũng chứng kiến nhiều bước tiến quan trọng cũng như sự sụt giảm mạnh của quan hệ song phương.
Bất chấp quan hệ Bắc Kinh – Washington ngày càng xấu đi, ông Thôi đã cố gắng tạo dựng và sẵn sàng trò chuyện với một loạt phương tiện truyền thông đại chúng của Mỹ.
Ở tuổi 68, ông sẽ nghỉ hưu sau khi Bắc Kinh áp giới hạn tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với các quan chức hàng đầu. Ông Tần, 55 tuổi là người trẻ nhất trong số các thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MFA).
Thăng tiến nhanh
Sinh ra ở Thiên Tân, ông Tần là một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm và gần đây nhất đảm đương chức Vụ trưởng Vụ Lễ tân MFA và cũng là phát ngôn viên của Bộ.
Thứ trưởng Ngoại giao Tần Cương trở thành tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ |
Xuyên suốt quá trình thăng tiến trong MFA kể từ khi bắt đầu sự nghiệp ngoại giao năm 1988, các trọng trách của ông Tần gồm quản lý thông tin, các vấn đề châu Âu và tin tức, cũng như lập kế hoạch tổ chức sự kiện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Tần đã tháp tùng Chủ tịch Tập trong nhiều chuyến công du nước ngoài, giám sát các lịch trình, nhằm đảm bảo những chuyến đi này tuân theo kịch bản ngoại giao đã định.
Mặc dù nổi tiếng là tiết chế hơn một số nhà ngoại giao “chiến lang” hiện nay, nhưng ông Tần cũng được biết đến là người ăn nói thẳng thắn và thể hiện thái độ dân tộc chủ nghĩa. Gần đây nhất, ông đã lên án các quốc gia và cá nhân bôi nhọ Trung Quốc là “vô lương tâm”, “những con sói độc ác” tại một cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – các nước Trung và Đông Âu (CEEC).
Sự nghiệp của ông Tần thực sự cất cánh vào năm 2014, khi ông được chuyển sang làm Vụ trưởng Lễ tân. Ông cũng được coi là một trong những gương mặt thế hệ nhà ngoại giao mới, những người không né tránh các vấn đề gây tranh cãi.
“Về mặt phong cách, đó có thể là một yếu tố rất quan trọng”, chuyên gia Yun Sun bình luận, lưu ý rằng ông Tần được đặt biệt danh là “võ sĩ” thời còn làm phát ngôn viên. “Nếu đó là phong cách ông ấy tiếp tục duy trì, nó rất phù hợp với quy tắc ngoại giao chiến lang đang thịnh hành hiện nay”.
Theo Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại London, việc bổ nhiệm ông Tần vào vị trí quan trọng ở nước ngoài sẽ cho thấy ông là người được Chủ tịch Tập tin tưởng.
Các nhà phân tích nhất trí rằng, với tuổi đời còn khá trẻ, việc thăng chức Đại sứ cho ông Tần ở Mỹ sẽ là một động thái hướng tới tương lai, có thể mở đường cho sự thăng tiến hơn nữa của ông, với việc cải tổ nhiều thế hệ các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc trong vòng chưa đầy 2 năm.
Theo Huang Jing, lãnh đạo Viện Nghiên cứu quốc tế và khu vực thuộc Đại học Văn hóa và ngôn ngữ Bắc Kinh, việc tương đối thiếu kinh nghiệm của ông Tần trong các vấn đề Mỹ thực tế có thể giúp ích cho ông.
“Ông ấy tương đối vô danh với người Mỹ, đồng nghĩa không nhiều người không ưa ông ấy. Điều đó sẽ khiến ông Tần trở thành một lựa chọn chấp nhận được. Cả ông Biden và ông Tập đều muốn ổn định quan hệ song phương, tập trung vào các vấn đề đối nội hóc búa của nước mình. Các đại sứ mới sẽ được giao nhiệm vụ ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng trong quan hệ song phương”, chuyên gia Huang lý giải.
Người đảm nhận vị trí bị bỏ trống
Về phía Mỹ, Nicholas Burns dự kiến sẽ đảm nhận chức Đại sứ tại Trung Quốc. Vị trí này đã bị bỏ trống kể từ tháng 10/2020, khi người được cựu Tổng thống Donald Trump chỉ định là Terry Branstad từ chức để hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của ông Trump (Robert W. Forden, một chuyên gia về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ đang giữ chức đại biện lâm thời từ sau khi ông Branstad ra đi).
Ông Nicholas Burns được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. |
Trong các chính quyền Obama và Trump, những người được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Trung Quốc đều là những chính trị gia cấp cao. Jon Huntsman (2009-2011) trước đó từng làm Thống đốc bang Utah. Gary Locke (2011-2014) từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại Mỹ và thống đốc bang Washington. Max Baucus (2014-2017) là một thượng nghị sĩ kỳ cựu đến từ bang Montana và Branstad (2017-2020), cựu Thống đốc lâu năm của bang Iowa.
Việc lựa chọn ông Burns nhấn mạnh, Ngoại trưởng Antony Blinken và chính quyền Tổng thống Joe Biden ưu tiên tái đầu tư và cam kết chú trọng chuyên môn của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhằm phục hồi hoạt động ngoại giao của Mỹ.
Ông Burns hiện là giáo sư chuyên ngành ngoại giao và chính trị quốc tế tại Trường quản lý John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard kiêm thành viên Hội đồng điều hành Trung tâm Khoa học và các vấn đề quốc tế Belfer của trường. Ông là nhà ngoại giao kỳ cựu, đã phục vụ cả 2 chính quyền Dân chủ và Cộng hòa trong hơn 2 thập kỷ làm việc cho chính phủ Mỹ.
Trước khi nghỉ hưu vào năm 2008, ông từng kinh qua các chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị giai đoạn 2005 – 2008, Đại sứ Mỹ tại NATO (2001-2005), Đại sứ tại Hy Lạp (1997-2001) và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao (1995-1997). Ông Burns cũng là cố vấn chính sách đối ngoại cho ông Biden thời còn vận động tranh cử tổng thống.
Những nhà ngoại giao chuyên nghiệp
Ông Burns và ông Tần đều có nền tảng sâu rộng, là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cả hai đều không hẳn có kinh nghiệm hoặc có kiến thức chuyên môn về nước kia.
Có lẽ, điều quan trọng hơn là mỗi người đều có quyền tiếp cận và thiết lập mối quan hệ đáng tin cậy với những nhà lãnh đạo chính phủ. Trong bối cảnh phức tạp của quan hệ Mỹ – Trung, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập sẽ có xu hướng đầu tư đáng kể thời gian và công sức để quản lý mối quan hệ này.
Các đại sứ mới sẽ có nhiệm vụ đại diện cho quan điểm cứng rắn hơn của lãnh đạo nước mình đối với nước còn lại, đồng thời tìm cách hàn gắn và xây dựng cầu nối để ổn định mối quan hệ. Nhiệm vụ này sẽ không dễ dàng vì những áp lực chính trị trong nước dường như đang đẩy hai bên nhìn nhau với sự đối nghịch và thiếu tin tưởng.
Bất chấp sự chuyển đổi tổng thống ở Mỹ, căng thẳng Washington – Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực chính sách vẫn còn đó.
Cuộc đối thoại song phương đầu tiên của chính quyền Biden, gồm hai đại diện là Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ông Dương Khiết Trì, Chánh văn phòng Ủy ban Đối ngoại trung ương, diễn ra tại Anchorage, Alaska hồi đầu tháng 5 đã dẫn đến những gì được mô tả như khởi đầu sóng gió.
Nguồn: vietnamnet