Thực hiện chủ trương chuyển đổi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm.

Có 320 cán bộ được bổ nhiệm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang triển khai Nghị định 56 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT.

Đến nay, chủ trương chuyển đổi Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam các điều kiện đối với Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất, sẵn sàng vận hành từ ngày 1/10/2022.

Tách Tổng cục Đường bộ thành 2 Cục, có 320 cán bộ sắp được bổ nhiệm - Ảnh 1.

Trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Thế Anh

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ GTVT thông qua. Hai quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các khu quản lý đường bộ và chi cục đang được trình Bộ trưởng xem xét, thông qua.

Sáng ngày 27/9, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi toàn bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về Cục Đường bộ Việt Nam, có 320 cán bộ đang được thực hiện quy trình bổ nhiệm. Trong đó, 105 quyết định thuộc thẩm quyền của Cục trưởng”.

Theo ông Cường, sau khi rà soát chuyển đổi Tổng cục Đường bộ Việt Nam có 19 vị trí dôi dư. Thực hiện các quy định hiện hành, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ sắp xếp các vị trí nhân sự dôi dư trong 3 năm.

Cục Đường bộ Việt Nam có 16 nhiệm vụ và quyền hạn

Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng để Bộ trưởng Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam) các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách và các văn bản khác về GTVT đường bộ; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn, hàng năm, chương trình, đề án phát triển GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước.

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành GTVT đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành.

Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về GTVT đường bộ (trừ đường bộ cao tốc); Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về GTVT đường bộ (trừ đường bộ cao tốc).

Tách Tổng cục Đường bộ thành 2 Cục, có 320 cán bộ sắp được bổ nhiệm - Ảnh 2.

Trước đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan Nhà nước quản lý một số tuyến cao tốc. Ảnh: TA

Xây dựng trình Bộ trưởng: quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ; quy định việc đấu nối vào quốc lộ, thẩm định an toàn giao thông đường bộ, tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ, báo hiệu đường bộ, tốc độ xe, việc đặt biển báo tốc độ, tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe.

Thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, nhiệm vụ của chủ đầu tư, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ đường bộ cao tốc) theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ; Hướng dẫn công tác quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ; tổng hợp tình hình phát triển các hệ thống đường bộ trong phạm vi cả nước; Xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong quản lý, khai thác sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường quốc lộ.

Ngoài ra còn phối hợp với cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

Cùng đó, thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng; tổ chức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật/

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo phương thức đối tác công tư do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng (trừ những nhiệm vụ giao cho Cục Đường cao tốc Việt Nam).

Theo Dân việt

Từ khóa : Bộ Giao thông vận tảiBộ GTVTbổ nhiệm cán bộcán bộCục Đường bộ Việt NamTổng cục Đường bộ Việt Nam

Các tin liên quan đến bài viết