Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi nước hiện diện tại Syria theo cách riêng và với những mục tiêu riêng của mình khiến quốc gia Trung Đông này bị chia năm xẻ bảy.

Syria khốn cùng trong tay các nước lớn - Ảnh 1.

Từ trái sang: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung bên lề thượng đỉnh ba bên về Syria diễn ra tại Ankara ngày 4-4-2018 

Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi nước hiện diện tại Syria theo cách riêng và với những mục tiêu riêng của mình khiến quốc gia Trung Đông không sụp đổ trong “mùa xuân Ả Rập”, nhưng lại tan tác trước chiến tranh, nội chiến, mà mới nhất là cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh ngày 14-4.

Sau bảy năm chiến tranh tàn khốc, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad chẳng những không bị sụp đổ như các nạn nhân khác ở Ai Cập và Tunisia bởi cơn bão “mùa xuân Ả Rập” hồi đầu năm 2011, mà còn giành lại được quyền kiểm soát trên hơn phân nửa diện tích lãnh thổ, trong đó có hầu hết các đô thị lớn của 10/14 tỉnh thành trên toàn quốc.

Nhưng chính quyền Syria không thể có vị thế như hiện nay nếu không nhờ sự can dự trực tiếp mạnh mẽ toàn diện của Nga và Iran.

Nga chiếm thế thượng phong

Nga trực tiếp can thiệp quân sự quy mô lớn vào Syria để bảo vệ chính quyền al-Assad từ tháng 9-2015.

Trước đó, Nga vẫn luôn dùng quyền của một đại diện thường trực của Hội đồng bảo an (HĐBA) để phủ quyết các dự thảo nghị quyết được đưa ra nhằm lên án chính quyền al-Assad.

Tại cuộc họp HĐBA ngày 13-4 vừa qua, đại diện của Mỹ nói Nga đã 12 lần dùng quyền phủ quyết chỉ riêng cho việc bênh vực tổng thống Syria.

Trên chiến trường, không quân Nga là lực lượng quyết định để quân đội Syria và đồng minh giành chiến thắng trong các chiến dịch đánh chiếm lại các khu vực do phe đối lập vũ trang kiểm soát được từ năm 2012 đến nay.

Chiến dịch lớn nhất và mang tính quyết định là giành lại khu phố Đông Aleppo ở miền bắc Syria hồi cuối năm 2016.

Sau chiến dịch này, phe đối lập vũ trang đã hoàn toàn mất khả năng tấn công, rơi vào thế bị động, bị bao vây, cô lập tại tất cả các khu vực còn lại. Nhờ hỏa lực của không quân Nga, quân đội Syria còn giành thêm được nhiều khu vực khác.

Mọi cuộc đàm phán để phe đối lập vũ trang rút khỏi các khu vực mà họ kiểm soát mấy năm qua đều do Nga trực tiếp thực hiện.

Nga trực tiếp đàm phán với phe đối lập sau khi đã dùng bom đạn áp đảo, đẩy họ vào tình thế buộc phải chấp nhận hoặc rút đi hoặc bị hủy diệt. Rồi Nga lại trực tiếp điều phối và giám sát việc thực thi thỏa thuận.

Trên bình diện quốc tế, Nga chủ xướng loạt hội nghị “Đàm phán giữa chính quyền với đối lập Syria” tại thủ đô Astana của Kazakhstan từ đầu năm 2017. Rồi Nga lại chủ xướng “Hội nghị đối thoại nhân dân Syria” vào cuối tháng 1 năm nay.

Nga làm chủ từ A-Z từ nội dung, nghị trình, đến cả thành phần các bên đến dự các hội nghị này cũng do Nga quyết định. Chính quyền của “nhà nước Syria có chủ quyền” chỉ còn việc “nhất trí với Nga”!

Syria khốn cùng trong tay các nước lớn - Ảnh 2.

Trẻ em Syria chơi tại khu trại dành cho người vô gia cư ở Azaz, phía Bắc Syria 

Mỹ hành động bất chấp

Chính thức trên trường quốc tế, Syria vẫn là “một quốc gia có chủ quyền” mà Nga luôn dựa vào đó để khẳng định sự hiện diện của mình ở Syria là hợp pháp, bởi được chính quyền của tổng thống al-Assad yêu cầu; còn Mỹ hiện diện tại Syria là bất hợp pháp.

Từ cuối năm 2012, chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố tổng thống Syria “đã mất địa vị hợp pháp”, bởi Mỹ tố cáo al-Assad “tàn sát dân thường và tàn phá đất nước Syria”.

Năm 2013, khi xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ tố chính quyền Syria là “thủ phạm”, ông Obama đã động binh để sẵn sàng một cuộc tấn công trừng phạt đối với điều mà tổng thống Mỹ khi ấy khẳng định là al-Assad “đã vượt lằn ranh đỏ”!

Khi đạn đã lên nòng thì Nga đứng ra cam kết giải giáp vũ khí hóa học tại Syria. Nhờ đó mà chiến dịch quân sự của Mỹ ngưng lại.

Tháng 4-2017, khi mới nhậm chức chưa đầy ba tháng, tân Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng và quyết liệt ra lệnh đánh một đòn “trừng phạt” thực sự nhắm vào một căn cứ không quân của Syria, sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại một thị trấn trong vùng kiểm soát của đối lập ở tỉnh Idleb (miền bắc Syria).

Ông Trump đã công khai thể hiện bản tính khác biệt của mình, chả coi Syria ra gì và cũng không ngại phản ứng của Nga cùng cộng đồng quốc tế!

Cuộc không kích và bắn tên lửa vào “các mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học của Syria” mà Mỹ vừa tiến hành ngày 14-4 một lần nữa khẳng định cách hành xử của Tổng thống Trump có thể bất chấp mọi tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.

Syria khốn cùng trong tay các nước lớn - Ảnh 3.

Một phụ nữ Syria cầm chân dung Tổng thống Bashar al-Assad khi tham gia tuần hành tại thủ đô Damascus vào ngày 14-4 để phản đối cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh 

Nhiều thế lực kiểm soát

Từ đầu năm 2018 đã hình thành khá rõ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của các thế lực khác nhau tại Syria.

Khu vực rộng lớn nhất được cắm cờ của chính quyền Syria chiếm hơn nửa diện tích đất nước. Khu vực này bao gồm thủ đô Damas, những thành phố lớn quan trọng nhất, vùng duyên hải phía tây – bắc, đường ra biển duy nhất của Syria cùng toàn bộ đường biên giới với Libăng.

Khu vực này cũng chiếm 65% dân số Syria. Chính quyền Syria kiểm soát khu vực này dưới sự bảo trợ trực tiếp của Nga và Iran.

Người Kurd kiểm soát ba tỉnh miền đông bắc, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Khu vực này rộng khoảng 1/3 diện tích cả nước nhưng chứa đựng 90% nguồn tài nguyên dầu lửa và 45% khí đốt thiên nhiên.

Đây cũng là khu vực mà Mỹ đã giúp người Kurd giành lại từ tay IS. Sự tồn tại của hơn 10 “căn cứ quân sự Mỹ” tại khu vực này đúng là “bất hợp pháp”, nhưng chính quyền Syria làm cách nào để xóa tình trạng ấy?

Tỉnh Idleb ở phía bắc Syria cho đến nay vẫn do phiến quân kiểm soát. Theo thỏa thuận giữa Nga với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền của Tổng thống Erdogan chịu trách nhiệm “đảm bảo” cho tỉnh này cùng với một khu vực liền kề hiện do quân đội của Ankara kiểm soát.

Chính quyền của Tổng thống al-Assad chẳng thể nào đẩy đuổi được Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù vẫn khẳng định rằng sự hiện diện này là “bất hợp pháp”!

Thực chất về “chủ quyền” của Syria

Hình ảnh ấn tượng nhất về “chủ quyền của Nga tại Syria” là đoạn video do truyền thông Nga phát đi khi Tổng thống Vladimir Putin bất ngờ đến căn cứ quân sự của Nga tại H’meimeem của Syria hồi tháng 12-2017. Lúc tổng thống Nga tiến đến diễn đàn để phát biểu, ông al-Assad định song hành với vị thượng khách. Nhưng một sĩ quan Nga đã ngăn lại để tổng thống Syria phải đứng cùng hàng ngũ với các quan chức Nga. Hình ảnh ấy cho thấy thực chất “chủ quyền” của Syria là như thế nào.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chiến tranhnội chiếnquốc gia trung đôngSyria

Các tin liên quan đến bài viết