Một kịch bản đang lặp lại với thị trường chứng khoán. Đa số cổ phiếu giảm sâu ở vào thời điểm giáp Tết và gây ra sự hoang mang trên diện rộng. Hai cú sốc trong tuần giữa tháng Chạp khiến sự lo ngại lên cao điểm.
Sóng gió trước Tết
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên 17/1/2022, giảm điểm khá sốc với chỉ số VN-Index mất hơn 43 điểm xuống 1.452,84 điểm và rời xa đỉnh cao lịch sử trên 1.500 điểm ghi nhận trong năm 2021 vừa qua.
Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) ghi nhận hơn 446 mã giảm (trong đó 128 mã giảm sàn, hết biên độ cho phép) trong khi chỉ có 49 mã tăng. HNX có 204 mã giảm (49 giảm sàn) và chỉ có 50 mã tăng.
Một lượng lớn cổ phiếu giảm sàn và bào mòn túi tiền của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh áp lực bán ra lớn dần thời điểm trước Tết Nguyên đán và giới đầu tư lo ngại sau cú sốc “ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 cổ phiếu” và ông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng rút khỏi đất Thủ Thiêm trong tuần qua.
“Quá bất ngờ. Đang lãi khá lớn đầu tuần trước, giờ tài khoản của tôi âm nặng. Tất cả các mã đang nắm giữ đều giảm mạnh, có mã giảm hàng chục phần trăm. Đây là điều không thể hình dung được trong bối cảnh thị trường sôi động và được kỳ vọng cao, một số dự báo VN-Index còn lên 1.700 điểm”, bà Nguyễn Thị Thịnh, một nhà đầu tư tại Hà Nội, chia sẻ.
VN-Index giảm mạnh trong phiên 17/1. |
Cũng như bà Thịnh, nhiều nhà đầu tư có khả năng “mất Tết” sau đợt thị trường giảm sâu lần này. Áp lực bán trước Tết là điều ừng xảy ra, nhưng sau hai cú sốc trên, theo bà Thịnh, triển vọng không mấy sáng sủa.
“Chỉ chục ngày trước đây, ăn ngủ cũng chứng khoán với những mã cổ phiếu bất động sản tăng trần nhiều phiên. Nhiều người đã nghĩ về một cái Tết ấm. Nhưng giờ tất cả đã đảo chiều chỉ sau một đêm. Tất cả lũ lượt nằm sàn. Hiệu ứng domino bắt đầu với tất cả các nhóm cổ phiếu, đồng loạt bị bán tháo. Tốt xấu đều nằm sàn”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Cũng tầm này năm trước, TTCK ghi nhận những phiên bán tháo với mức giảm điểm tuyệt đối lớn chưa từng có. Phiên 19/1/2021, chứng khoán sụt giảm kỷ lục. VN-Index giảm 75 điểm trong phiên buổi sáng và giảm 58 điểm cuối giờ chiều. Đây cũng là phiên ghi nhận thanh khoản kỷ lục, hơn 1 tỷ USD.
Sau đó, trong phiên 28/1/2021, chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên giảm mạnh tới mức khó có thể giảm sâu hơn. Thông tin về ca Covid-19 trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh khi đó đã nhuốm xanh da trời (giảm sàn) thị trường. Chỉ số VN-Index giảm 73,23 điểm, tương ứng 6,67%, xuống 1.023,94 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất lịch sử giao dịch.
Chứng khoán Việt Nam bốc hơi vốn hóa khoảng 15 tỷ USD. Trong đó, riêng khối ngoại mua ròng 575 tỷ đồng.
Thị trường khốc liệt, nhà đầu tư F0 chờ tín hiệu tốt
Phiên giảm mạnh trước Tết Nguyên đán năm nay, thị trường không gây bất ngờ như thời điểm này năm trước. Hai cú sốc “Trịnh Văn Quyết và “Đỗ Anh Dũng” được cho là ngòi nổ nhưng cũng khá lạ với nhiều nhà đầu tư, khi phần lớn thông tin khác trên thị trường vẫn khá tích cực.
Kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo khởi sắc, ở mức 5,5% năm 2022 so với 2,6% của năm 2021. Tỷ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam ở mức rất cao, hàng đầu thế giới. Các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu.
Giới đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ lên đỉnh mới trong năm 2022. |
Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022. Lạm phát hiện ở mức thấp và vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Trong các dự báo gần đây, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng, áp lực bán ra hiện nay là bình thường vì chỉ số chứng khoán đã leo lên đến vùng đỉnh, khiến áp lực chốt lời tăng mạnh. Một nhịp điều chỉnh sau giai đoan tăng nhanh là điều cần thiết để thị trường có thể hướng tới các mốc cao mới trong thời gian tới.
Một số nhà đầu tư gần đây cũng cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt các cổ phiếu tăng nóng, để bảo toàn lợi nhuận. Lực cầu thấp khi nhiều người đứng ngoài quan sát trong khi áp lực bán ra tăng lên.
Ông Nguyễn Đức Hiếu, một nhà đầu tư có kinh nghiệm 20 năm trên TTCK, cho rằng, sau những đợt tăng nóng cả năm qua, việc thị trường điều chỉnh là cần thiết.
“Tăng mạnh rồi giảm sâu là bình thường. Trừ các cổ phiếu đầu cơ, không có giá trị cốt lõi, còn nhiều cổ phiếu lớn đang trong xu hướng tăng chung. Nhiều doanh nghiệp vẫn vượt qua giông bão, có kết quả kinh doanh tốt và triển vọng mở rộng thị phần, quy mô rất tươi sáng. Những cổ phiếu này giảm rồi sẽ trở lại với xu hướng tăng”, ông Hiếu nhận định.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư này lưu ý về việc hạn chế sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) trong giao dịch chứng khoán, phòng trường hợp cổ phiếu giảm giá theo quán tính chung trên thị trường và nhà đầu tư có thể bị thua lỗ nặng do vay nợ.
Theo báo cáo của CTCK BSC, TTCK Việt Nam trên đà trở thành “con hổ” tiếp theo của châu Á. Trong năm 2022, thị trường nhiều khả năng vẫn duy trì tăng điểm nhờ các yếu tố nền tảng vĩ mô, doanh nghiệp và dòng tiền. Chỉ số VN-Index có thể lên 1.782 điểm, với giả định EPS tăng trưởng 16,5% tương ứng P/E đạt 18 lần.
BSC cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua sẽ tạo đà giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. GDP được dự báo tăng 6,6% và 7% trong năm 2022 và 2023 (kịch bản tích cực). Từ đó, doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng cải thiện mạnh lợi nhuận nhờ phục hồi sản xuất, tiêu dùng. Việc các quốc gia và khu vực chủ chốt tiếp đà tăng trưởng cũng tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất trong nước hồi phục.
Một điểm tích cực nữa là năm qua, lượng người quan tâm đến TTCK tăng vọt, với khoảng 1,4 triệu tài khoản mở mới. Dòng tiền vào thị trường cùng với triển vọng hồi phục của các doanh nghiệp là động lực cho từng mã cổ phiếu.
Báo cáo của các CTCK lớn như SSI, VNDirect, Mirae Asset (Việt Nam)… đều dự báo VN-Index sẽ lên tiếp và quanh mốc 1.700 điểm vào cuối năm.
Nguồn: vietnamnet