Khi bà Truss phát biểu trước công chúng Anh lần đầu tiên trên cương vị lãnh đạo chính phủ, bà có thể buộc phải làm việc đó bên trong phòng họp quốc gia ở số 10 Phố Downing, thay vì trên bục diễn thuyết ngoài trời như thông lệ. Tuy nhiên, các đám mây dông được dự báo sẽ quần tụ ở trung tâm London không chỉ phản ánh thời tiết, mà còn ám chỉ cơn bão chính trị tân Thủ tướng Truss phải đối mặt khi lạm phát tăng vọt và chi phí năng lượng gây điêu đứng hàng triệu gia đình và doanh nghiệp ở xứ sở sương mù.
Theo CNN, tỷ lệ lạm phát tại Anh đã tăng hơn 10% vào tháng 7, lần đầu tiên sau 40 năm. Hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình trung bình đã tăng 54% trong năm nay và được dự báo sẽ còn cao hơn nữa.
Cách đây một tháng, bà Truss đã bác bỏ giải pháp hỗ trợ tiền mặt để giúp các hộ gia đình Anh vượt qua đợt khủng hoảng tồi tệ nhất trong 60 năm qua, thay vào đó hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế cũng như cải cách kinh tế. Bà Truss đã bám chặt vào kịch bản này kể từ đó.
Tuy nhiên, tham vọng theo đuổi cách tiếp cận nền kinh tế kiểu cựu Thủ tướng Thatcher đã va chạm với thực tế khủng hoảng. Bộ Tài chính Anh đã đưa ra một loạt các giải pháp để tân thủ tướng lựa chọn và giải pháp ưa thích – đóng băng chi phí năng lượng – bao gồm các khoản hỗ trợ lớn và chi tiêu ngân sách “khủng”.
Công Đảng đang chuẩn bị công kích bà Truss, tập trung vào tham vọng của bà về việc tước bớt quyền của người lao động và giảm quy mô của nhà nước, cùng với đó là chi tiêu công cho các dịch vụ vốn đã thiếu tiền mặt như trường học và bệnh viện. Hôm 5/9, Công Đảng đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ, quả quyết với các cử tri quan trọng rằng “bà ấy (Truss) không đứng về phía các bạn”.
Dẫu vậy, các đồng minh cho rằng bà Truss là một chính trị gia thực tế và logic, người đã chứng tỏ có khả năng giống như người tiền nhiệm Johnson để chuyển đổi từ một sinh viên theo Đảng Dân chủ Tự do thành một chiến binh văn hóa của Đảng Bảo thủ cánh hữu và từ một người muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý thành một người tích cực ủng hộ Anh rời liên minh (Brexit). Họ tin, bà Truss sẽ có thể vận dụng tính linh hoạt này khi cầm quyền.
Tuy nhiên, theo báo Guardian, thời gian đang không có lợi cho tân Thủ tướng Anh. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận, vốn trước đây cho thấy Đảng Bảo thủ của bà Truss đang kém 10 điểm tín nhiệm so với Công Đảng, thậm chí còn sụt giảm hơn nữa khi xuất hiện tin tức về việc bà sẽ kế nhiệm ông Johnson lãnh đạo chính phủ. Theo một cuộc thăm dò của YouGov hôm 5/9, chỉ 19% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào chính sách giá sinh hoạt của bà Truss, trong khi tới 67% nói điều ngược lại.
Các thành viên Đảng Bảo thủ nhận định, bà Truss có vài tuần để đưa ra một chính sách chớp nhoáng nhằm đối phó không chỉ với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, mà còn với tất cả những thách thức khác trong nước.
Các nhà lãnh đạo mới thường trải qua giai đoạn khởi sắc trong thăm dò dư luận. Nhưng nếu bà Truss không có được điều này hoặc thậm chí bị sụt giảm tín nhiệm, đảng của bà, vốn đã lục đục, nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự nổi loạn.
Tuy nhiên, những người ủng hộ bà Truss cảnh báo không nên đánh giá thấp nữ chính khách này. Họ chỉ ra rằng, bà Truss từng là một bộ trưởng mẫn cán và có năng lực, nhiều kinh nghiệm trong chính phủ hơn hầu hết những người tiền nhiệm và có ý tưởng chắc chắn về những gì mình muốn làm.
Ngoài những thách thức trên, tân Thủ tướng cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về quản lý đảng. Chưa đầy 1/3 số nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ bà trong vòng tranh cử quốc hội. Và dù sau đó thêm một số ít đã đứng về phía bà Truss, nhưng trong nội bộ đảng vẫn còn sự hoài nghi sâu sắc đối với nữ chính khách này.
Các kế hoạch của bà Truss nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và chuyển đổi nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng sẽ cần đến việc phê chuẩn luật và điều đó đồng nghĩa bà khẩn cấp cần sự hỗ trợ của các nhà lập pháp Bảo thủ. Tuy nhiên, đã có tin đồn về việc các nghị sĩ bất mãn âm mưu gửi thư để kích hoạt một cuộc tranh cử lãnh đạo khác trước khi bà Truss nhậm chức thủ tướng.
Bà Truss đã phải chịu nhiều áp lực về việc bổ nhiệm một nội các giúp đoàn kết đảng. Nhưng các đồng minh đã bác bỏ một động thái như vậy, viện dẫn lí do điều đó sẽ đồng nghĩa với việc giao trọng trách cho những người từng công khai chỉ trích bà suốt chiến dịch vận động tranh cử ghế lãnh đạo đầy cam go.
Tỷ lệ phiếu ủng hộ (57,4%) giúp bà Truss chiến thắng trong cuộc đua nội bộ Đảng Bảo thủ để giành quyền kế nhiệm ông Johnson cũng ít chênh lệch hơn trước đối thủ Rishi Sunak (42,6%) so với nhiều người kỳ vọng. Thực tế, bà giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu ủng hộ thấp hơn so với bất kỳ lãnh đạo Đảng Bảo thủ nào trước đây từng được bầu chọn.
Hiện không có dấu hiệu các đám mây bão chính trị đã hình thành hiện sẽ tan nhanh. Dư luận đang nín thở chờ xem bà Truss có thể vượt qua các thách thức ra sao.
Nguồn: vietnamnet