Sau khi đóng điện, hưởng giá bán điện ưu đãi trong 20 năm, nhiều dự án điện mặt trời đồng loạt được rao bán, sang tên đổi chủ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dù các nhà máy điện tái tạo bị cắt giảm sản lượng và các địa phương đang đẩy mạnh thanh tra các dự án điện mặt trời nông nghiệp nhưng những nhà máy đã hòa lưới vẫn được giới đầu tư dòm ngó, có dự án mới rao bán ít phút đã có nhà đầu tư “chốt đơn”.
Ồ ạt bán dự án điện mặt trời nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn V. hiện rao bán nhiều dự án điện mặt trời nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo ông V., khách đã “chốt đơn” dự án có công suất 2MW cách đây ít ngày và dự án công suất 4MW đang đàm phán. Do đó, ông V. chỉ còn bán một dự án 1MW và một dự án 9MW nhưng chưa lắp tấm quang năng.
Theo ông V., giá “ra đi” của dự án 4MW là 74 tỉ đồng, còn dự án 2MW là 39 tỉ đồng. Riêng với dự án 1MW, ông V. chào giá với mức 18,5 tỉ đồng.
Hiện tại, bên dưới của dự án này trồng đinh lăng và nha đam để “hợp thức hóa” việc sản xuất nông nghiệp dưới công trình và ông V. cũng cam kết dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Cho chúng tôi xem hóa đơn thanh toán tiền điện tháng 4 với số tiền 316 triệu đồng, ông V. khẳng định mỗi tháng dự án này đều bán điện lên lưới với số tiền trên dưới 300 triệu đồng.
“Bộ Công thương đang giảm điện than, thủy điện để dồn sang mua điện mặt trời nên các dự án này không bị cắt giảm” – ông V. nói.
Tương tự, một người đàn ông tên Sơn cũng rao bán dự án điện mặt trời nông nghiệp tại thị xã Phước Long, Bình Phước có tổng công suất 2MW với giá 49 tỉ đồng, cam kết thu nhập đạt mức 650-700 triệu đồng/tháng và khoảng 5 năm sẽ hòa vốn.
Không chỉ các chủ đầu tư rao bán, nhiều chủ đầu tư đã xây dựng các dự án điện mặt trời cũng liên tục nhận được mời chào bán dự án. Giám đốc một công ty điện mặt trời sở hữu nhiều dự án điện mặt trời nông nghiệp cho biết mỗi ngày nhận cả tá cuộc gọi đề nghị bán dự án với mức giá khoảng 16 tỉ đồng/MW.
Bên cạnh các dự án đã hòa lưới, nhiều dự án đã lên khung, lên giàn nhưng chưa lắp pin cũng ồ ạt rao bán cả giàn lẫn đất với giá khá mềm, chỉ chừng 1 tỉ đồng cho diện tích đất và hệ thống giàn để lắp 1MW.
Theo tìm hiểu, đây đa số là các dự án không vay được ngân hàng, không mua được pin trước khi FIT 2 hết hiệu lực hoặc chưa thể chuyển đổi được mục đích sử dụng đất nên đành phải bán tháo dự án.
Coi chừng pháp lý dự án
Ông Trương Công Vũ – tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ năng lượng toàn cầu (Global Energy) – cho biết mức giá của dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị, tình trạng đất đai lẫn vùng đó có bị cắt giảm sản lượng hay không, do đó các nhà đầu tư phải lường trước tình trạng pháp lý của dự án để tránh mua “hớ” hoặc gặp rủi ro pháp lý.
Một nhà đầu tư điện mặt trời khác cho biết sở dĩ có làn sóng “bán tháo” dự án điện mặt trời nông nghiệp là do Bộ Công thương đã lập đoàn kiểm tra điện mặt trời và phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án.
Nhiều khả năng sẽ có những dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, buộc phải tính lại giá bán điện thấp hơn mức giá ưu đãi hiện nay nên các chủ đầu tư lo lắng, bán dự án càng sớm càng tốt.
Vị này cũng cho hay nhiều dự án buộc phải cắt giảm công suất phát dẫn đến dòng tiền không ổn định nên đành phải bán dự án để thu hồi tài chính.
Trong khi đó, phó giám đốc một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn thuộc sở hữu nước ngoài cho biết các nhà đầu tư trong khu vực vẫn thấy chính sách giá FIT kéo dài 20 năm là món hời lớn nên sẵn sàng bỏ tiền ra mua các dự án tại Việt Nam.
Theo vị này, dù bị cắt giảm sản lượng, bài toán tài chính bị ảnh hưởng nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn tính bài toán lâu dài là sẽ sớm thu hồi vốn nếu đầu tư vào dự án điện tái tạo ở Việt Nam.
Dự án nghìn tỉ cũng sang tay
Không chỉ các dự án điện mặt trời quy mô nhỏ rầm rộ bán, các dự án điện mặt trời trang trại quy mô lớn cũng rộn ràng chuyển nhượng cổ phần. Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua 49% cổ phần Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc công suất 204MW tại Ninh Thuận.
Thời gian qua do thừa điện nên dự án này cũng nằm trong danh mục các dự án buộc phải cắt giảm sản lượng điện phát lên lưới. Đại diện ACIT cho hay dù nhà máy này bị cắt giảm sản lượng song phía ACIT vẫn tính toán đến bài toán lợi nhuận lâu dài để quyết định mua dự án này.
Theo chủ đầu tư các dự án điện mặt trời, hiện các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc đang đẩy mạnh “thâu tóm” các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Trong đó, nhiều dự án đã âm thầm chuyển chủ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại hoặc để các nhà đầu tư ngoại hợp tác đầu tư nâng cổ phần lên 80-90% của dự án.
Đại diện một doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án điện mặt trời cho biết rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang “dòm ngó” và nhiều lần đặt vấn đề mua đứt dự án bởi mức giá bán ưu đãi cao trong 20 năm vẫn rất màu mỡ cho giới đầu tư.
Trong khi đó, một nguồn tin cho biết tập đoàn Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận mua cổ phần tại một dự án điện tái tạo đã vận hành thương mại và sẽ sớm công bố thương vụ này.
Nguồn: tuoitre.vn