Ngày 19-7, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh ký văn bản khẩn gửi Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 TP để xin ý kiến về xét nghiệm kiểm tra đối với F0, F1 và tiêm vắc xin.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất rút ngắn thời gian theo dõi sau tiêm vắc xin và xét nghiệm kiểm tra F0, F1 - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM được tiêm vắc xin COVID-19 trong đợt 4 vừa qua 

Theo văn bản này, nhằm tổ chức công tác phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với nguồn lực, đảm bảo yêu cầu chuyên môn phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế TP xin ý kiến chỉ đạo về xét nghiệm kiểm tra đối với F0, F1 và tiêm vắc xin.

Cụ thể, về công tác xét nghiệm đối với F0, đề xuất xem xét cho F0 không triệu chứng xuất viện thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 8. Nếu kết quả RT-PCR âm tính hoặc dương tính với giá trị CT>=30 thì cho xuất viện vào ngày thứ 10 mà không cần thực hiện lại xét nghiệm.

Nếu kết quả RT-PCR dương tính với giá trị CT<30 thì đến ngày thứ 10 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Nếu kết quả âm tính được xuất viện, nếu kết quả dương tính thực hiện thêm xét nghiệm RT-PCR và xử trí theo kết quả RT-PCR .

Đối với F1 cách ly tập trung đến ngày thứ 7 có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc RT-PCR dương tính với giá trị CT>= 30 thì đủ điều kiện chuyển về tiếp tục cách ly tại nhà. Thực hiện xét nghiệm kiểm tra COVID-19 bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên thay vì xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 14.

Còn F1 cách ly tại nhà thì thực hiện xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên thay vì xét nghiệm RT-PCR.

Về công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 thực hiện đơn giản hóa một số nội dung trong quy trình tổ chức để giảm yêu cầu nguồn nhân lực, đồng thời đảm bảo giãn cách tại điểm tiêm.

Theo đó, trường hợp người được tiêm thuộc nhóm trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền phải được khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm đầy đủ theo quy định hiện hành.

Đối với các trường hợp khác (người trẻ tuổi, người khỏe mạnh, không có tiền căn bệnh lý…) khám sàng lọc chỉ đo nhiệt độ, đo huyết áp, hỏi tiền căn dị ứng hoặc phản vệ với các loại dị ứng nguyên và thực hiện theo dõi sau tiêm trong 15 phút thay vì 30 phút như quy định hiện nay.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đợt 5 tại TP.HCM với hơn 1,1 triệu liều vắc xin. Theo đó, đối tượng được tiêm vắc xin trong đợt 5 bao gồm cả người được tiêm mũi 1 và người được tiêm nhắc mũi 2 nếu đủ điều kiện.

Vắc xin tiêm trong đợt 5 gồm: vắc xin AstraZeneca (tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên của đợt 5, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm AstraZeneca mũi 1 từ 8-12 tuần); vắc xin Moderna, và vắc xin Pfizer.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ 19h30 ngày 18-7 đến 18h ngày 19-7, thành phố ghi nhận 3.074 trường hợp nhiễm mới được Bộ Y tế công bố, giảm 1.618 trường hợp so với hôm qua.

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 34.465 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19đề xuấtF0F1Rút ngắn thời gianTP HCMxét nghiệm

Các tin liên quan đến bài viết