Từ ngày 8-11, Mỹ chính thức mở lại biên giới trên bộ và trên không cho các du khách nước ngoài đã tiêm ngừa đầy đủ, sau 20 tháng đóng cửa. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn căng thẳng ở các nước châu Âu.
“Việc đi lại quá khó khăn. Tôi chỉ muốn gặp con trai mình mà thôi”, bà Alison Henry, người Anh, nói với Hãng tin AFP. Bà dự kiến đáp chuyến bay đi New York, Mỹ, ngay ngày 8-11 để gặp con trai sau một thời gian dài. Nhiều gia đình giữa 2 bờ Đại Tây Dương sẽ đoàn tụ sau gần 20 tháng Mỹ đóng cửa biên giới.
Tuy nhiên, việc nhập cảnh vào Mỹ sẽ được giám sát chặt chẽ. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra kỹ việc tiêm ngừa COVID-19, buộc du khách phải tiêm ngừa đầy đủ và cần có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày trước khi du lịch. Các hãng hàng không cũng được yêu cầu phải triển khai hệ thống truy vết tiếp xúc.
Biên giới trên bộ sẽ mở cửa theo 2 giai đoạn, trong đó từ ngày 8-11 cho phép người đã tiêm ngừa được qua biên giới để thăm người thân, du lịch…; và từ đầu năm sau sẽ buộc có giấy xác nhận tiêm ngừa với mọi trường hợp.
Theo Hãng tin Reuters, hàng trăm người di cư đã đổ về biên giới Mexico – Mỹ với hy vọng xin tị nạn vào Mỹ khi biên giới mở cửa.
Trong nước, Tổng thống Joe Biden đang vật lộn với việc bắt buộc tiêm ngừa cho các lao động. Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy khẳng định chính quyền ông Biden sẵn sàng bảo vệ sắc lệnh bắt buộc tiêm chủng COVID-19 đối với doanh nghiệp trên 100 lao động sau khi tòa phúc thẩm liên bang Mỹ chặn sắc lệnh này.
Tại châu Âu, số ca mắc COVID-19 ở Đức ghi nhận trong ngày 7-11 là 23.543 ca, tăng 6.656 ca so với tuần trước, theo Viện Robert Koch. Trước đó, hơn 37.000 ca ghi nhận ngày 5-11 phá kỷ lục số ca trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Dịch bệnh tăng mạnh ở nhiều bang như Bayern, Brandenburg và Sachsen.
Ba đảng liên minh cầm quyền ở Đức cho biết sẽ trình lên quốc hội kế hoạch chống COVID-19 vào ngày 8-11. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng tăng cường cho tất cả người dân đã tiêm mũi thứ hai trước đó ít nhất 6 tháng nhằm giảm số ca lây nhiễm cũng như tử vong, nhất là ở người cao tuổi.
Tại Anh, báo Guardian dẫn lời thành viên nhóm cố vấn khoa học trong các trường hợp khẩn cấp cho biết chính phủ vẫn đang cân nhắc “kế hoạch B”, trong đó yêu cầu người lao động trở lại làm việc ở nhà, trong bối cảnh số ca bệnh vẫn cao. Anh ghi nhận hơn 30.300 ca mắc COVID-19 vào ngày 7-11.
Ở châu Á, chính quyền Hàn Quốc cho biết số ca bệnh ghi nhận này 7-11 tiếp tục nằm trên mốc 2.000 ca/ngày trong ngày thứ 5 liên tiếp sau khi nới lỏng các biện pháp chống dịch. Từ đầu tuần trước, nước này đã bắt đầu chiến lược gồm 3 giai đoạn nhằm “sống chung với COVID-19” khi mà hơn 70% người dân đã tiêm ngừa đầy đủ.
Hãng tin Yonhap đưa tin nhiều cơ sở tôn giáo ở Hàn Quốc đông nghẹt các tín đồ trong cuối tuần đầu tiên nới lỏng quy định. Quy định mới không giới hạn số người dự các hoạt động tôn giáo nếu tất cả đều đã tiêm ngừa đầy đủ hoặc có xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Ngày 7-11, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.076 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong sau 2 ngày số ca giảm xuống dưới mốc 1.000 ca/ngày. Như vậy, đến nay tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 47.056 ca, trong đó có 82 người tử vong.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 4.343 ca mắc COVID-19 mới, đánh dấu mức thấp nhất trong 175 ngày qua. Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus, của virus chủng mới bệnh COVID-19. Đây là các du học sinh Malaysia trở về từ Anh từ ngày 2-10 vừa qua và được cách ly ngay sau khi đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Nguồn: tuoitre.vn