Công việc được các bạn sinh viên lựa chọn thường là phục vụ tiệc, bán hàng, vận chuyển đồ Tết, dán quảng cáo, gói hàng…
Vào cuối năm, nhu cầu sử dụng lao động cao, sinh viên cũng có nhu cầu kiếm thêm thêm thu nhập, khiến thị trường làm thêm giáp Tết sôi động. Nhiều sinh viên có thể kiếm được một khoản khá, chẳng những chi tiêu cho bản thân, mà còn có thể dư dả mua quà cho gia đình, và để dành tiền chi cho việc học vào khoàng thời gian sau Tết.
Công việc phục vụ nhà hàng – tiệc cưới luôn thu hút được nhiều sinh viên. Công việc này có thể đăng kí theo ca, nhận lương ngay, và tiệc cuối năm nhiều nên không sợ thiếu việc.
Theo tin đăng tuyển, mức lương phục vụ 2018 không có nhiều thay đổi so với Tết năm 2017. Năm ngoái, mức thù lao khoảng 240.000 đồng mỗi ngày, thì năm 2018, mức thù lao là 250.000-260.000 đồng mỗi ngày.
Đối với một số sinh viên, công việc Tết mang lại thu nhập khá, đủ dùng, tuy nhiên, nếu chăm chỉ và chịu vất vả, có thể kiếm được số tiền tương đối lớn.
Thanh Hải (sinh viên khoa Cơ khí trường Đại học Giao thông Vận tải, TP.HCM) cho biết đang làm công nhân cho công trường xây dựng. Hải bắt đầu nhận việc vào lúc trùng với thời điểm ôn thi. Dù không thuận lợi về thời gian, bạn vẫn tranh thủ những ngày nghỉ trước kì thi để vừa ôn bài vừa đi làm.
Công việc của Hải là mài bê-tông, khuân vác, dọn dẹp công trình, ốp gạch… Dịp chưa cận Tết, Hải chỉ đi làm ca ngày, mỗi ngày 2 ca, mỗi ca 4 tiếng tương ứng với 300.000 đồng. Nhưng vào những ngày giáp Tết, công trình đẩy nhanh tiến độ, chủ thuê gọi sinh viên đi làm cả ca đêm.
Ca đêm bắt đầu từ 8h tối và kết thúc vào 2h sáng. Mỗi ca như vậy, Hải được trả công 500.000 đồng. Một tháng trước Tết, Hải kiếm được 10 triệu đồng. Dù công việc tương đối nặng nhọc, Hải cho rằng số tiền mình nhận được xứng đáng với công sức. Anh dự định trích một phần mua quà cho bà mẹ, còn phần còn lại sẽ để dành đóng học phí cho kì 2.
Không có thời gian trống nhiều như Hải, Nguyễn Hoài Nam (sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) nhận việc dán biển quảng cáo cho các chợ. Lương tính theo sản phẩm. Mỗi biển quảng cáo hoàn tất tương ứng với 70.000 đồng.
Nam chia sẻ, công việc vất vả ở chỗ tìm đường, lúc được phân công ở Tân Bình, Gò Vấp thì còn dễ thở, nhưng có khi được giao việc ở tận Long An thì lại vừa xa vừa dễ lạc đường. Dù vậy, chỉ cần một ngày làm việc chăm chỉ, Nam cũng có thể kiếm về trên dưới 1 triệu đồng.
Do bận lịch thi cuối kì I, Nam chỉ làm được vài ngày cuối. Số tiền công gần 3 triệu đồng. Bạn của Nam cũng làm chung công việc, vì làm từ đầu tháng nên mức lương nhận được cũng cao hơn, khoảng 10 triệu đồng.
Nhiều sinh viên làm thêm chủ yếu vì lý do tài chính. Nhưng với Nam, bạn chỉ làm thêm để kiếm thêm trải nghiệm vì gia đình không mấy khó khăn. Với số tiền lương đó, Nam dự định tự thưởng cho mình một chuyến đi xa.
So với nam giới, các bạn nữ thường chọn những loại công việc nhẹ nhàng hơn như bán hàng, làm đồ handmade, phục vụ, tiếp thị… Công việc nhẹ nhàng hơn nên mức thu nhập cũng thấp hơn.
Nguyễn Thanh Hoa (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đang làm công việc bán bánh kẹo. Mức lương tính theo phần trăm sản phẩm bán được, trung bình mỗi đêm là 150.000 đồng.
Mức lương ở những tuần chưa cận Tết so với thời điểm hiện tại không có nhiều chênh lệch. Nhưng Hoa cho biết mình sẽ được thưởng thêm 100.000 – 200.000 đồng khi kết thúc công việc vào 24 âm lịch này.
Thời điểm này năm ngoái, Hoa làm nhân viên tiếp thị. Công việc có mức lương cao hơn, 300.000 đồng mỗi ngày. Nhưng năm nay, Hoa không thể làm việc này do không có xe máy.
Cũng như Hoa, Từ Thị Khánh Nhiều (trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM) chọn công việc bán hàng trong dịp giáp Tết. Cô đã quen thuộc với công việc này, nhưng vào tháng cuối năm, mức lương tăng lên đáng kể, khoảng 5 triệu đồng so với 4 triệu đồng vào tháng thường.
Công việc của Nhiều kết thúc vào ngày 28 âm lịch. Cô chia sẻ: “Nhớ nhà mà không được về, ngày đó không khí Tết ở quê rộn ràng lắm rồi. Còn mình thì lủi thủi ở đây. Công việc như vậy rồi nên phải ở lại”.
Nguồn: tuoitre.vn