Chiều tối 29-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo để thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thí sinh sau giờ thi môn toán tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội
Tại buổi họp báo, GS Nguyễn Ngọc Hà – trưởng ban đề thi cấp quốc gia – là người trả lời nhiều nhất các câu hỏi của phóng viên liên quan tới đề thi.
Bám sát cấu trúc đã công bố
GS Nguyễn Ngọc Hà cho biết ban đề thi phải đảm bảo nguyên tắc chung là bám sát cấu trúc đã công bố.
“Đề thi được ra trong chương trình THPT và đảm bảo tính phân hóa. Và để đảm bảo tính công bằng của kỳ thi cũng như đáp ứng các mục đích khác nhau (xét tốt nghiệp, sử dụng kết quả thi để tuyển sinh), đề thi phải tuân thủ bốn cấp độ kiến thức kỹ năng là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Về cơ bản đề thi năm nay đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra” – GS Nguyễn Ngọc Hà nói.
Phóng viên Tuổi Trẻ và một số phóng viên tại họp báo đã đặt câu hỏi xoay quanh việc đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn có cấu trúc và ngữ liệu cùng cũ kỹ, không khích lệ đổi mới sáng tạo trong dạy học văn, cũng không mang tinh thần “chống văn mẫu” mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng đặt ra.
GS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng đề thi ra cho học sinh đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 (chương trình cũ) nên phải bám sát chương trình. Hiện tại chưa thể có những thay đổi mạnh mẽ hơn mà cần có lộ trình từ từ, song song với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới).
Trong kết luận tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết việc thay đổi cách dạy học theo văn mẫu cần tiếp tục được quan tâm.
Tại cuộc họp báo, GS Nguyễn Ngọc Hà cho biết ban đề thi quốc gia sử dụng phần mềm để quét một khối lượng dữ liệu rất lớn nhằm tránh trùng lặp nội dung đề thi chính thức với các đề thi của các địa phương, nhà trường đã có.
Bên cạnh đó, một số vấn đề khác được báo chí nêu như giáo viên phản ánh về một nội dung trong đề thi môn địa lý, hay sự chênh lệch nhiều về độ khó của đề thi giữa các năm và ngay trong một đề thi cho thấy chưa đảm bảo yêu cầu xây dựng đề thi chuẩn hóa.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết sẽ lắng nghe các góp ý và những vấn đề xác đáng sẽ được bàn bạc, thảo luận với các nhà chuyên môn để hoặc có sự điều chỉnh ngay hoặc rút kinh nghiệm cho kỳ thi sắp tới.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc lại vai trò chịu trách nhiệm toàn diện của địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, kỳ thi vừa diễn ra đã được các địa phương chuẩn bị chu đáo ở nhiều phương diện, trong đó có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các bộ, ngành. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Bộ Công an trong việc đảm bảo an toàn khách quan của kỳ thi.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi năm nay đã giảm áp lực và bên cạnh việc duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn và khách quan, Bộ GD-ĐT và các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến các phương án hỗ trợ, giúp đỡ thí sinh nhằm triển khai một kỳ thi nhẹ nhàng hơn cho thí sinh.
Bắt đầu chấm thi từ 30-6
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết các địa phương sẽ tiếp tục triển khai khâu chấm thi, công bố kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, có trên 943.000 thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, chiếm 92,91%. Tiến độ chấm thi sẽ phải đảm bảo để thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.
Ông Huỳnh Văn Chương – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT – cho biết ngay sau khi kết thúc kỳ thi, hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT của các địa phương bắt đầu làm việc. Chậm nhất là 17h ngày 15-7 các địa phương phải hoàn tất công việc chấm thi tự luận và trắc nghiệm.
Một trong những điểm mới năm nay là Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi vào 8h thay vì “lúc nửa đêm” như mọi năm. Lịch công bố điểm vào ngày 18-7. Các sở GD-ĐT tiến hành xét công nhận tốt nghiệp, chậm nhất là 20-7 phải hoàn thành.
Tới ngày 24-7, hiệu trưởng các trường phổ thông có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh.
Thí sinh có nhu cầu phúc khảo bài thi nộp đơn xin phúc khảo tại đơn vị đăng ký dự thi từ ngày 18-7 đến 27-7. Việc chấm thi phúc khảo phải hoàn thành chậm nhất là vào ngày 5-8 và xét công nhận tốt nghiệp sau phúc khảo chậm nhất vào ngày 12-8.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh.
Môn tiếng Anh: dự đoán nhiều thí sinh điểm 10
Theo thầy Lê Công Anh – tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TP.HCM), đề thi tiếng Anh năm nay nhẹ nhàng và “dễ thở”. Cấu trúc đề bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT nhưng có phần dễ hơn.
Hai bài đọc – hiểu có chủ đề thời sự, gần gũi với thí sinh; phần văn phạm nằm trong chương trình lớp 12 và một phần lớp 11. Nhìn chung, đề cũng có câu hỏi phân loại thí sinh nhưng mức độ khó không cao.
Với đề này, nếu học sinh có học bài kỹ và làm bài cẩn thận thì sẽ dễ dàng đạt được điểm cao. Dự đoán năm nay sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm 10 môn tiếng Anh, nhất là thí sinh ở các đô thị.
Nguồn: tuoitre.vn