Dịch COVID-19 đi qua, TP.HCM đang đối diện với thực trạng thừa, chưa sử dụng hết thuốc điều trị, trang thiết bị, phương tiện, vật tư y tế, sinh hóa phẩm phục vụ phòng chống dịch…

Sau dịch COVID-19, TP.HCM tồn kho lượng thuốc hơn 2 tỉ đồng, hàng ngàn trang thiết bị - Ảnh 1.

Vận chuyển thiết bị, vật tư y tế cho TP.HCM trong đợt dịch COVID-19 

Đây là nội dung đáng chú ý được Sở Y tế TP.HCM báo cáo trong buổi làm việc với đoàn giám sát Quốc hội sáng 3-3 về việc quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch.

Điều này hoàn toàn trái ngược với cảnh thiếu thốn thời điểm khi dịch COVID-19 xâm nhập và biến TP.HCM trở thành tâm dịch suốt thời gian dài; càng đặc biệt hơn trong bối cảnh hiện nay, khi cả ngành y tế đang thiếu trầm trọng nhiều loại trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến các vướng mắc trong đấu thầu, báo giá.

Sở Y tế TP.HCM cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và nhu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh hóa phẩm…, các đơn vị phòng chống dịch đã nhận được từ các nguồn hỗ trợ, tài trợ và thực hiện mua sắm từ nguồn kinh phí phòng chống dịch được ngân sách cấp.

Đến giai đoạn dịch COVID-19 đã tạm được kiểm soát, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị về việc quản lý, sử dụng và điều chuyển hàng còn thừa, chưa sử dụng.

Thuốc tồn khó sử dụng, trị giá khoảng 2,3 tỉ đồng

Cụ thể đối với thuốc, vật tư y tế đã tiếp nhận từ ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiện còn tồn một số lượng thuốc, trị giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy vậy, số thuốc này không thể sử dụng được bởi khó sử dụng điều trị cho bệnh khác hoặc vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế.

Sau dịch COVID-19, TP.HCM tồn kho lượng thuốc hơn 2 tỉ đồng, hàng ngàn trang thiết bị - Ảnh 2.

Sau dịch COVID-19, TP.HCM còn tồn kho 39.423 đồ bảo hộ các cấp 

Trong đó, trang thiết bị còn tồn 1.351 máy HFNC (hệ thống cung cấp oxy), 4.074 máy tạo oxy, 269 máy thở các loại (đa số là dòng VFS-410, VFS-510, MV-20) và 2.063 máy đo SPO2

Các loại vật tư y tế, theo báo cáo cập nhật mới nhất từ 50/79 đơn vị còn tồn 413.231 bộ xét nghiệm nhanh, 87.231 khẩu trang N95, 39.423 đồ bảo hộ các cấp. Tất cả các trang thiết bị, vật tư y tế bị tồn này là do không còn nhu cầu sử dụng sau dịch.

Giải quyết trang thiết bị, vật tư y tế tồn kho không dễ

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, đơn vị đã ban hành khoảng 200 công văn thực hiện việc điều chuyển các trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất từ các đơn vị còn tồn đến các đơn vị có nhu cầu tránh lãng phí.

Có nhiều phương án được áp dụng, trong đó chuyển sử dụng cho hoạt động khám chữa bệnh thông thường tại đơn vị và không thu phí của người bệnh. Hoặc điều phối cho các cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng danh mục thuốc, vật tư y tế theo văn bản phê duyệt của Sở Y tế.

“Đơn vị tiếp nhận sử dụng cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 hoặc cho hoạt động khám chữa bệnh thông thường, không được thu phí đối với người bệnh và không hoàn trả kinh phí cho đơn vị điều phối”, báo cáo của Sở Y tế TP.HCM nêu.

Và hiện nay các trang thiết bị không còn nhu cầu sử dụng tại các bệnh viện, Sở Y tế đã chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 13 để sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới nổi.

Nhằm đảm bảo sử dụng hết thuốc, hóa chất còn tồn kho và tránh gây lãng phí, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị chấp thuận thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc, vật tư y tế, hóa chất được mua sắm cho phòng chống dịch được chuyển sang sử dụng cho người bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời đề nghị cơ quan cấp trên sớm có văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, kiến nghị có quy định riêng về cơ quan, đơn vị được tiếp nhận; quy trình tiếp nhận, xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được cho, tặng, tài trợ, viện trợ trong trường hợp dịch bệnh…

Vướng khôi phục công trình của Trường ĐH Ngoại ngữ HUFLIT

Sở Y tế TP.HCM cho biết các cơ sở vật chất được trưng dụng thành khu cách ly, bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 đến nay đã được chuyển trả lại công năng ban đầu, chỉ trừ lại Bệnh viện dã chiến 13 nhằm ứng phó với các dịch bệnh mới nổi.

Tuy vậy quá trình sửa chữa, khôi phục lại công năng ban đầu phát sinh khó khăn nhất định. Cụ thể việc thanh toán chi phí sửa chữa, khôi phục công trình của Trường ĐH Ngoại ngữ HUFLIT chưa thực hiện được. Nguyên nhân do vướng thủ tục thanh toán với số tiền là 3,5 tỉ đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hóa chấttrang thiết bị y tếvật tư y tế

Các tin liên quan đến bài viết