Hai kỳ lân công nghệ Indonesia là Gojek và Tokopedia sẽ sáp nhập thành công ty mới mang tên GoTo. GoTo được kỳ vọng sẽ hâm nóng cuộc đua gọi xe, thương mại điện tử và fintech của Đông Nam Á.
Hai lãnh đạo cao cấp của GoTo Group, Patrick Cao (trái) và Andre Soelistyo. |
Startup gọi xe Gojek và sàn thương mại điện tử Tokopedia mới đây công bố kế hoạch sáp nhập, tạo ra hãng công nghệ tư nhân lớn nhất Indonesia. GoTo Group – tên pháp nhân mới – phủ sóng rộng khắp từ thương mại điện tử đến dịch vụ hàng ngày. Theo Nikkei, GoTo báo hiệu kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dựa vào Internet trong khu vực.
Sau đây là những điều đáng chú ý về thương vụ sáp nhập này:
Vì sao lại là bây giờ?
Chỉ một từ: Cạnh tranh. Tập đoàn Sea của Singapore đang gặm nhấm thị phần của Gojek và Tokopedia trong các lĩnh vực thanh toán điện tử, thương mại điện tử, còn Grab đẩy độ khó của cuộc chơi lên cao khi tuyên bố sẽ niêm yết tại Mỹ. Thay vì đối đầu lẻ loi, Gojek và Tokopedia quyết định đi cùng nhau.
Theo Heru Sutadi, Giám đốc Viện ICT Indonesia, hiệp lực là cần thiết do cạnh tranh vô cùng căng thẳng. Thương vụ sẽ củng cố vị trí, mang đến cộng hưởng có lợi cho cả hai. Đồng sáng lập kiêm CEO Tokopedia William Tanuwijaya có cách diễn giải nên thơ hơn trong họp báo ngày 17/5: “Nếu muốn đi nhanh, bạn hãy đi một mình. Với riêng chúng tôi, chúng tôi đã đi rất nhanh với tư cách Gojek và Tokopedia. Thập kỷ tiếp theo thì sao? Chúng tôi muốn đi xa, và để đi xa, chúng tôi đi cùng nhau”.
Vị thế của GoTo so với đối thủ?
Tổng giá trị giao dịch (GMV) của Gojek và Tokopedia năm 2020 đạt khoảng 22 tỷ USD. Trong cùng kỳ, GMV của Grab là 12,5 tỷ USD, còn của Shopee – công ty con của Sea – là 35,4 tỷ USD.
Xét về số lượng giao dịch, GoTo ghi nhận 1,8 tỷ lượt trên hai nền tảng và Grab có 1,9 tỷ giao dịch “hoàn thành”, Shopee có 2,8 tỷ đơn hàng. Một số liệu khác là số tài xế và đối tác bán hàng. GoTo cho biết họ có 2 triệu tài xế và 11 triệu đối tác bán hàng năm 2020. Grab có 5 triệu tài xế và 2 triệu đối tác.
Thay đổi với Gojek và Tokopedia hậu sáp nhập?
Hiện tại không có nhiều thay đổi. Cơ cấu doanh nghiệp của GoTo bảo đảm Gojek và Tokopedia tiếp tục vận hành như các pháp nhân độc lập. Dù vậy, lãnh đạo hai bên tin rằng nhờ sáp nhập, họ có thể cung cấp dịch vụ chất lượng hơn và trải nghiệm khách hàng tốt hơn thông qua kết hợp dữ liệu người dùng.
Một lợi thế khác, theo Soelistyo, là tài chính – lĩnh vực đang nổi lên như một mặt trận khốc liệt với các hãng công nghệ. Với dữ liệu người dùng kết hợp, GoTo sẽ chấm điểm tín dụng chính xác hơn, đưa ra dịch vụ tín dụng hấp dẫn, giảm thiểu rủi ro.
GoTo liệu có IPO?
Câu trả lời là: Có. GoTo dự định lên sàn chứng khoán cuối năm nay, cùng thời điểm với Grab, nhưng trên cả hai sàn Mỹ và Indonesia. Chủ tịch GoTo Patrick Cao cho biết họ đang cân nhắc những lựa chọn, bao gồm sáp nhập với một SPAC để phát hành cổ phiếu nhanh hơn so với IPO truyền thống. Dù quyết định là gì, mục đích của GoTo vẫn là đầu tư sâu hơn để phục vụ khách hàng và mở rộng.
Lãnh đạo GoTo không nêu bất kỳ mục tiêu định giá nào song các nguồn tin tiết lộ công ty muốn ngang bằng hoặc cao hơn định giá 39,6 tỷ USD của Grab (sau khi sáp nhập SPAC). Đó là vì GoTo có nhiều dịch vụ hơn đối thủ.
Theo ông Cao, GoTo bao trùm 2/3 danh mục tiêu dùng hộ gia đình tại Indonesia. Nếu nhìn vào một số đối thủ trong khu vực, họ chỉ mạnh hoặc cái này hoặc cái kia, chẳng hạn gọi xe hay thương mại điện tử.
Những điều chưa biết?
Vụ sáp nhập vẫn còn phải được nhà chức trách thông qua. Giới quan sát nhận định thương vụ không gặp phải nhiều trở ngại do mức độ trùng lặp giữa các mảng kinh doanh nhỏ. Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán của cả hai nhiều khả năng bị “soi” nhất.
Gojek đang vận hành GoPay, còn Tokopedia là cổ đông lớn trong dịch vụ thanh toán điện tử OVO. Đây là hai tên tuổi lớn trên thị trường thanh toán số Indonesia. Tokopedia đang cân nhắc các phương án, trong đó có thoái vốn tại OVO.
IPO cũng là một thử thách tiềm năng cho GoTo, theo ông Sutadi, dù nó nằm ở phía nhà quản lý nhiều hơn. Nhà quản lý sẽ cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng các công ty kỹ thuật số như GoTo. Hiện tại, quy định IPO của sàn chứng khoán Indonesia yêu cầu công ty phải có lãi hoạt động ít nhất trong 1 năm tài chính, trong khi các startup thường báo lỗ. Sàn đang thảo luận để nới lỏng quy định. Mô hình kinh doanh của GoTo không giống như doanh nghiệp truyền thống, vì vậy nhà chức trách phải hành động nhanh hơn để theo kịp thị trường.
Nguồn: vietnamnet