Những ngày vừa qua, dư luận xã hội xôn xao với những video học cách đánh vần, tập đọc của học sinh tiểu học. Trong đó, các giáo viên chỉ tay vào những hình ô vuông, hình tròn, tam giác để học sinh đọc theo. Tiếp đó, cộng đồng mạng lại nóng lên và có nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa về các chữ “k”, “q”, “c” đều được đọc là “cờ” và sự thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”. Cách đọc và đánh vần này được dạy trong cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 (gồm 3 tập, do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành và do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên). Và điểm mới khác biệt nữa trong cuốn sách này là phương pháp dạy học sinh tiểu học tập đọc theo những ô vuông, hình tròn, hình tam giác.
Và những điều trên đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang, không ít người bình luận mỉa mai cách dạy này. Có người nói rằng đây là phương pháp dạy đọc kỳ lạ: Khi chỉ vào ô vuông thì học sinh đọc vanh vách, nhưng khi chỉ vào chữ thì các em lại không biết chữ gì? Và vì chưa hiểu rõ ý nghĩa cũng như tác dụng của cách học, cách đọc mới này mà nhiều phụ huynh hoang mang, lo sợ rằng con mình chỉ đang được học vẹt theo lời cô mà không nhận biết được mặt chữ, đồng thời cảm thấy khó hiểu với phương pháp dạy học khác lạ này. Vì thế, trên mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Và có một nickname đã viết: “Mình không hiểu tại sao cứ phải cải cách? Trong khi rất nhiều thế hệ đã được giảng dạy theo phương pháp cũ vẫn đọc – viết được bình thường thì sao phải thay đổi? Không thể hiểu nổi tại sao dạy chữ mà lại chỉ vào mấy cái hình thù mà bắt trẻ đọc vẹt theo”.
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những bình luận đồng tình, cho rằng các phương pháp giáo dục hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở khoa học và được nghiên cứu, thử nghiệm nhiều năm. Một phụ huynh đã có sự tìm hiểu kỹ về cuốn sách và đã viết rằng: “Các bạn dân mạng cứ đòi “trứng khôn hơn vịt” ấy nhỉ? Người ta là giáo sư, tiến sỹ và đã nghiên cứu công trình này nhiều năm nay rồi. Chẳng qua cái gì mới, các bạn chưa hiểu hết được nó nên nghĩ nó là trò đùa”. Và người viết bài mang điều băn khoăn, lo lắng của nhiều phụ huynh trao đổi với một cô giáo có hơn 10 năm dạy lớp 1 ở Đồng Xoài và cũng đã dạy theo phương pháp trong sách Tiếng Việt Công nghệ từ 3 năm nay, thì được cô giáo này cho biết: “Một số phụ huynh lo lắng là phương pháp mới sẽ thay đổi gì: Thưa nó thay đổi rất nhiều ở chỗ học sinh biết sử dụng luật chính tả, viết đúng chính tả kể cả việc đánh dấu thanh. Một số bạn hỏi cái ô vuông, hình tròn hay tam giác đầu vở của con là cái gì thế, con mình học vẹt chắc? Xin thưa, theo chương trình thì đó là một chuỗi âm thanh được tách ra từng tiếng. Đây là chương trình tuân thủ nghiêm theo luật chính tả, rất thuận lợi cho giáo viên và học sinh”.
Nói về các hình tròng, vuông và tam giác trong sách Tiếng Việt Công nghệ, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục đã chia sẻ với báo chí: Đây chưa phải là giai đoạn học đọc mà đây là trong giai đoạn đầu của quá trình học đánh vần nên tác giả đã thiết kế các hình tròn, hình vuông để học sinh bước đầu có ý niệm, nhận biết được các âm tiết trong chuỗi lời nói Tiếng Việt chứ không phải học để đọc. Và cũng theo ông Bùi Mạnh Hùng, điểm khác biệt của sách Tiếng Việt Công nghệ lớp 1 với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được sử dụng từ trước đến nay là ở sự thay đổi trước hết là 3 chữ “c”, “k”, “q”. 3 chữ này khác là do trong quyển sách đó dạy cách đánh vần khác trước. Trước kia chúng ta đi học, đánh vần “cờ” (c) “a” là “ca”, “k”, “i” là “ki”, “q”, “uốc” là “quốc”. Trước đây là dùng chữ ghép với âm để ra một tiếng và mọi người đã quen như thế nên thấy nó không có vấn đề gì cả vì đã học mấy chục năm rồi. Nhưng bây giờ, Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại thấy như thế là không hợp lý nên đã bỏ cách đọc 3 chữ và chỉ dùng cách phát âm chung là “cờ” để ghép với nguyên âm đằng sau. Thế là hợp lý, âm với âm tạo ra tiếng. Về mặt khoa học và mặt ngữ âm học là rất chính xác.
Và trước bức xúc của dư luận cũng những ý kiến trái chiều của cư dân mạng, ngày 8-9-2018, Bộ Giáo dục – Đào đã chính thức lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS. TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó khăn từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017, trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Đánh giá về cuốn sách Tiếng Việt Công nghệ lớp 1, ngày 6-9-2018, trên báo Gia đình và Xã hội, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội đã khẳng định: phương pháp dạy trên của GS. Hồ Ngọc Đại rất khoa học, đem lại nhiều lợi ích cho học sinh, có sự logic hợp lý về mặt sư phạm và tâm lý con người. Ở đây, học sinh học cách đọc âm, rồi đến chữ, rồi ghép vần, chứ không học đánh vần từng từ. Đặc biệt, phương pháp học kiểu của thầy Đại giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, tư duy logic, tìm thấy sự vui thích trong học tập. Và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng cho biết thêm, con trai của ông là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu là học sinh của Trường thực nghiệm đã học theo chương trình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ lớp 1.
Như vậy, chương trình trong sách Tiếng Việt Công nghệ lớp 1 đã được đưa vào giảng dạy thực nghiệm từ những năm cuối thập nên 70 của thế kỷ 20; đồng thời đã được hội đồng giáo dục quốc gia thẩm định và kết quả thực nghiệm đã chứng minh là hiệu quả. Mặc dù vậy, nhưng chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ còn lo lắng, băn khoăn, bởi cuộc sống là vậy. Phép tư duy biện chứng đã chỉ ra rằng: Bất cứ sự vật hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu của quá trình vận động và phát triển của sự vật. Và cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới luôn là quá trình khó khăn, lâu dài, phức tạp và cái mới có thể thất bại tạm thời nhưng cuối cùng nó sẽ chiến thắng cái cũ.
Theo Báo Bình Phước