Ngày 6-2-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết cho thấy Chính phủ quyết tâm rất cao và đề ra những chỉ tiêu cụ thể nhằm rút ngắn khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như trên toàn cầu.

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP đặt mục tiêu đến hết năm 2017 đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh. Cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong ảnh, người dân giao dịch ở bộ phận một cửa, thị xã Đồng Xoài

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP cũng đề ra mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế 119 giờ và bảo hiểm 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày)… Đến năm 2020, đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình ASEAN 5…

CHỦ ĐỘNG TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP, CÁCH TÍNH TOÁN CÁC CHỈ SỐ XẾP HẠNG

Về thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hiệp quốc), nghị quyết đề ra giải pháp cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới. Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cải thiện các chỉ số theo phân công và tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 28-2-2017, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số được phân công. Chủ động tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng. Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này, hoàn thành trước ngày 31-3-2017.

Các bộ, cơ quan được giao chủ trì trong thực hiện cải thiện đối với từng chỉ số cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo. Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử…

CẢI THIỆN THỨ HẠNG VÀ ĐIỂM SỐ CỦA CÁC CHỈ SỐ KHỞI SỰ KINH DOANH

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tài chính, lao động – thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải thiện thứ hạng và điểm số của các chỉ số khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư; theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường.

Bộ Tài chính ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và Cổng thông tin một cửa quốc gia… Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, có nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan; nâng cấp, hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro, thực hiện phân luồng trước khi hàng đến cảng để giải quyết thông quan hoặc giải phóng hàng hóa ngay khi đến cảng. Tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết quả kết nối trao đổi thông tin thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan…

NGHIÊN CỨU CẤP THẺ BẢO HIỂM Y TẾ ĐIỆN TỬ

Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo lập cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội tập trung của cả nước, tiến tới thực hiện giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung. Nâng cao chất lượng công tác giám định bảo hiểm y tế, kết nối điện tử với các bệnh viện, phòng khám, đảm bảo chi trả bảo hiểm y tế đúng, kịp thời và tránh thất thoát.

BÃI BỎ, SỬA ĐỔI NHIỀU QUY ĐỊNH KHÔNG PHÙ HỢP

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước tháng 6-2017 giải quyết triệt để các vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12-11-2013 về tỷ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu theo lô sản xuất để kiểm tra; thời gian xếp doanh nghiệp trở lại danh sách ưu tiên kể từ ngày đánh giá lại đạt yêu cầu theo quy định; thời gian cấp lại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại doanh nghiệp và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30-6-2016 theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên. Kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi quy định chứng nhận quản lý chất lượng không phù hợp.

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm…

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về công bố công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, quỹ đất được nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai.

THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA ĐIỆN TỬ NHIỀU LĨNH VỰC

Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kết nối các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản. Công khai hóa thủ tục hành chính có liên quan về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, tiền thu từ phí, lệ phí; liên thông trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai…

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho hầu hết các bộ, ngành, đơn vị, người đứng đầu thực hiện các mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.

Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP có 19 trang nội dung. Một trong những điểm đáng lưu ý là ban hành kèm theo nghị quyết còn có 5 phụ lục với 35 trang, gồm các nhiệm vụ trọng tâm cần cải thiện trong năm 2017; nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh; nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương về nâng cao năng lực cạnh tranh; nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương về nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo; nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chính phủ điện tử. Phụ lục tổng hợp rất chi tiết các số liệu đến thời điểm hiện tại, mục tiêu năm 2017, mục tiêu đến năm 2020, đơn vị được giao thực hiện… với hàng trăm nhiệm vụ, lĩnh vực, bằng các con số cụ thể.

T.P

Từ khóa : ASEANcạnh tranhchỉ sốPCI

Các tin liên quan đến bài viết