Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe mô tô, ô tô, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tỉnh triển khai thực hiện nội dung Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Điều kiện đối với người học lái xe theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT.
Thông tư số 12 gồm 48 Điều, có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017, thay thế Thông tư số 58 ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Thông tư số 12 quy định chương trình đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; sát hạch lái xe, cấp phép lái xe; quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đào tạo, sát hạch đối với một số trường hợp đặc thù…
Đáng chú ý là Điều 43 của Thông tư này quy định đào tạo lái xe đối với một số trường hợp đặc thù. Cụ thể là:
Đào tạo đối với người khuyết tật (NKT) điều khiển xe mô tô 3 bánh dùng cho NKT để cấp giấy phép lái xe hạng A1: Người học có thể tự học lý thuyết và thực hành; trường hợp có nhu cầu học tập trung đăng ký với cơ sở đào tạo để được học theo nội dung, chương trình quy định.
Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho NKT có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo, bao gồm: Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 7, Điều 9 của Thông tư này, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo; cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái.
Đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho NKT không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo: Người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 7, Điều 9 của Thông tư này, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo; cơ sở đào tạo có thể sử dụng ô tô của NKT để làm xe tập lái; ô tô của NKT phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại các điểm đ, e, i và k khoản 2 Điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Đào tạo lái xe mô tô hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa quá thấp: Sở GTVT xây dựng, trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương./.

Thế Sơn 

Từ khóa : cấp giấy phép lái xesát hạch lái xe

Các tin liên quan đến bài viết