Sau khi chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận và sáp nhập vào Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, do không có đủ nhân vật lực nên Bệnh viện Dầu khí Dung Quất có quy mô 100 giường, tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) 75 tỷ đồng đã trở thành phòng khám (cơ sở y tế 2) của huyện này, với chức năng chủ yếu là khám, sơ cấp cứu ban đầu và điều trị ngoại trú chẳng khác trạm y tế xã.
Được biết vào năm 2004, để khám và chữa bệnh cho người dân các xã khu đông huyện Bình Sơn (nằm trong KKT Dung Quất), cùng hàng chục ngàn công nhân, lao động và kỹ sư đang làm việc tại đây, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư xây dựng và đưa Bệnh viện Dầu khí Dung Quất vào hoạt động (giai đoạn 1), với tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng.
Một góc bên trong của bệnh viện Dầu khí Dung Quất hiện trở thành cơ sở y tế 2 của trung tâm y tế huyện Bình Sơn
Bệnh viện có tổng diện tích trên 5ha, trong đó diện tích xây dựng gần 5.400m2, gồm 3 khối nhà tầng (3-5 tầng/khối) và hàng chục hạng mục khác cùng đầy đủ các khoa phòng và trang thiết bị hiện đại, với đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế gần 100 người.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, năm 2011 bệnh viện này được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển quyền quản lý, điều hành cho các đơn vị thành viên là Tổng công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam, công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (PCB). Đến năm 2015 bệnh viện được bàn giao về cho tỉnh Quảng Ngãi quản lý, rồi sát nhập vào Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, trở thành cơ sở y tế 2 của huyện này.
Việc khám và điều trị sau khi sáp nhập của cơ sở y tế này chỉ dừng lại ở cấp cứu, khám và cho thuốc mang về nhà, với số lượng từ 60-110 lượt người/ngày
Nghe tên sở 2 có vẻ oai nhưng do không có đủ nhân, vật lực nên từ quy mô của 1 bệnh viện cấp 3, với 100 giường bệnh hiện hoạt động chủ yếu của cơ sở y tế này chỉ dừng chủ yếu là cấp cứu ban đầu, khám và điều trị ngoại trú chẳng khác 1 trung tâm y tế xã.
Bác sỹ Nguyễn Vân Nam – Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, người được giao phụ trách cơ sở này cho biết: “Số lượng người đến khám tại đây chỉ từ 60-110 lượt/ngày. Do chỉ có 3 bác sỹ được tăng cường, trong đó 2 người chỉ làm việc trong giờ hành chính; thiết bị thì đã chuyển đi gần hết nên không thể thực hiện điều trị nội trú được”.
Sau nhiều năm không sử dụng, các khu dãy nhà của nơi đây đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp trầm trọng: Trần tường nhà các khu nứt nẻ phủ đầy rêu, hệ thống dẫn thoát nước sụp bể, cây bụi dại mọc giăng khắp nơi phủ kín cửa ra vào các khu…
Vì hoạt động chỉ duy trì ở mức độ như vậy nên số phòng sử dụng để phục vụ khám bệnh, cấp cứu của nơi đây chỉ ước trên dưới 2 bàn tay, còn lại đều bỏ trống, then cài cửa đóng.
Qua quan sát sau nhiều năm không sử dụng, các khu dãy nhà của nơi đây đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp trầm trọng: Trần tường nhà các khu nứt nẻ phủ đầy rêu, hệ thống dẫn thoát nước sụp bể, cây bụi dại mọc giăng khắp nơi phủ kín cửa ra vào các khu…Để rồi bất cứ ai nhìn thấy không khỏi xót xa, bức xúc trước sự hoang tàn và lãng phí của cơ sở y tế này.
Ông Phan Văn Đông – Bí thư Đảng ủy xã Bình Trị bày tỏ: ” Có thể không làm được các thủ thuật mổ lớn nhưng với quy mô hiện có của cơ sở này như vậy, ngành y tế và cấp thẩm quyền Quảng Ngãi nên xem xét, điều chỉnh bổ sung thực hiện điều trị nội trú, nhất là cho số bệnh nhẹ để người dân trong vùng bớt phải đi lại vất vả, giảm tải cho cơ sở chính ở trung tâm huyện”.
Bà nguyễn Thị Bằng (46 tuổi), người dân ở xã Bình Hải lắc đầu: “Bệnh viện to như vậy nhưng sử dụng có vài phòng, chỉ khám và cho ít thuốc mang về nhà, muốn nằm điều trị dù bệnh nhẹ thì phải đi xa gần 20 cây số lên cơ sở chính ở trung tâm huyện, thật không thể hiểu được”.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Phan Văn Đông – Bí thư Đảng ủy xã Bình Trị bày tỏ: “Không chỉ trong xã mà tại các cuộc họp cụm, người dân vùng lân cận như Bình Hải, Bình Thuận cũng đã ý kiến và phản ứng rất nhiều về sự lãng phí trên. Có thể không làm được các thủ thuật mổ lớn nhưng với quy mô hiện có của cơ sở này như vậy, ngành y tế và cấp thẩm quyền Quảng Ngãi nên xem xét, điều chỉnh bổ sung thực hiện điều trị nội trú, nhất là cho số bệnh nhẹ để người dân trong vùng bớt phải đi lại vất vả, giảm tải cho cơ sở chính ở trung tâm huyện”.
Theo Dân việt