Chiếm hơn 50% dân số toàn tỉnh, phụ nữ Bình Phước giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Phụ nữ cũng chính là người chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua bữa ăn hàng ngày. Do đó, việc nâng cao nhận thức và thực hành đúng về an toàn vệ sinh thực phẩm cho phụ nữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hòa – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Phước cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, thời gian qua, Hội LHPN các cấp có nhiều hoạt động tuyên truyền tới 100% hội viên như: Tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; tổ chức lễ phát động, ra quân, hưởng ứng Tháng hành động ATVSTP.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành, đoàn thể, trạm y tế xã, phường, thị trấn vận động phụ nữ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống, an toàn. Ngoài ra, các hội viên phụ nữ cũng cam kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau, thịt an toàn; trồng cây hoa màu, chăn nuôi không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; tuân thủ 4 đúng “đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách”.
Song song với hoạt động thông tin, tuyên truyền, một thành quả lớn của cuộc vận động này là hoạt động xây dựng và duy trì các mô hình hiệu quả về VSATTP trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến như mô hình Tổ hợp tác phụ nữ trồng rau an toàn của Hội phụ nữ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú với 30 hội viên tham gia.
Chị Nguyễn Thị Toan (ấp 9, xã Tân Lập) – hội viên Hội phụ nữ xã Tân Lập chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình tổ hợp tác, tôi thường xuyên được tập huấn nhằm tiếp cận với phương thức canh tác mới, khoa học, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, hơn 1 sào rau thơm của gia đình không chỉ cho năng suất cao mà còn đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để cung ứng ra thị trường”.
Chị Đỗ Thị Dung chăm sóc đàn heo theo hướng an toàn |
Đến thăm trang trại của gia đình chị Đỗ Thị Dung, ở phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài chúng tôi được biết, hiện nay, gia đình chị chăn nuôi gần 100 con heo thịt và nái. Trong quá trình chăm sóc đàn vật nuôi, gia đình chị luôn thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Bên cạnh việc sử dụng thức ăn chăn nuôi truyền thống, gia đình chị chỉ sử dụng các loại cám công nghiệp có thương hiệu và uy tín nhiều năm trên thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, để nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong công tác ATVSTP, thời gian tới, Hội LHPN tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện ATVSTP; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm; duy trì hoạt động các mô hình thực hiện ATVSTP… nhằm cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
Theo Khoahocthoidai.vn